'Ông Tổ' nghề nón lá Sai Nga

Nhắc đến nón lá vùng Đất Tổ, người ta không thể không nhắc đến nón lá Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê). Nổi tiếng là vậy nhưng có lẽ ít người biết đến 'Ông Tổ' làng nón Phạm Văn Quất, người có công truyền nghề cho bà con nhân dân nơi đây

PTĐT - Nhắc đến nón lá vùng Đất Tổ, người ta không thể không nhắc đến nón lá Sai Nga (thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê). Nổi tiếng là vậy nhưng có lẽ ít người biết đến “Ông Tổ” làng nón Phạm Văn Quất, người có công truyền nghề cho bà con nhân dân nơi đây.

Ông Phạm Văn Quất sinh năm 1917 tại làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội). Năm 1949, ông Quất rời quê lên lập nghiệp ở vùng đất Cẩm Khê. Năm 1951, ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Nhung, người thôn Văn Phú, xã Sai Nga (nay là thị trấn Cẩm Khê).

Được kế thừa nghề làm nón truyền thống ở quê mình, ông Quất đã mang nghề gia truyền dạy cho vợ con mình và những người dân nơi đây. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nghề làm nón trở thành nghề mang lại kế sinh nhai cho hàng trăm hộ dân ở xã Sai Nga.

Ông Phạm Đức Bình (thôn Văn Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) con trai cả của cụ Quất đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống của gia đình

Ông Phạm Đức Bình (thôn Văn Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) con trai cả của cụ Quất đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm nón lá truyền thống của gia đình

Để làng nghề tồn tại và phát triển như ngày nay, người dân làng nón vẫn nhớ công lao của ông Phạm Văn Quất, người được coi là “Ông Tổ” làng nghề. Anh Phạm Đức Bình - con trai của ông Quất còn nhớ câu hát của cha mình mỗi khi quay nón: “Muốn ăn cơm trắng cá mè/ Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”. Để làm nên chiếc nón lá Sai Nga có sáu công đoạn chính: Chẻ vanh, rẽ lá, là lá, quay nón, thắt nón, nức nón và luồn sợi nhôi để buộc quai nón. Nguyên liệu làm nón trước đây là lá cọ già nhưng sau đó chuyển sang lá thanh vùng Nghệ An, Yên Bái vì lá thanh trắng lại có hương thơm, làm nón sẽ đẹp hơn.

Bà Hà Thị Căn (thôn Văn Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) thực hiện công đoạn may nón.

Bà Hà Thị Căn (thôn Văn Phú, thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) thực hiện công đoạn may nón.

Nón lá Sai Nga mang dáng dấp của nón làng Chuông. Bên cạnh những yếu tố đẹp, mềm mại, uyển chuyển, độ bền cao thì nón lá Sai Nga ít nhiều đã có sự cải biên so với bản gốc. Nếu nón lá làng Chuông màu trắng đục thì nón Sai Nga màu trắng ngần, nón làng Chuông nức nón bằng chỉ đỏ thì nón Sai Nga nức bằng chỉ trắng. Từ cách chẻ vanh, chọn lá hay quay nón đều được làm hết sức tỉ mỉ nên sản phẩm làm ra không chỉ đẹp về hình thức mà còn mang đặc trưng riêng.

Nghề làm nón lá là nghề mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân của thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê.

Nghề làm nón lá là nghề mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân của thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê.

Để góp phần “giữ lửa” những di sản của làng nghề truyền thống thì việc tri ân, tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của những nghệ nhân mang nghề và truyền nghề, giúp khai sinh ra làng nghề đó là điều hết sức cần thiết.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202103/ong-to-nghe-non-la-sai-nga-175824