'Ông tổ nghề tranh' của làng hội họa Cổ Đô
Nhắc đến cố họa sỹ Sĩ Tốt, cả làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) không ai là không biết. Ông được coi là 'ông tổ nghề tranh' của làng Cổ Đô cũng là một trong những tên tuổi của nền mỹ thuật Việt Nam. Nếu có dịp về với quê hương ông, hãy ghé thăm bảo tàng mỹ thuật 'Sĩ Tốt và gia đình' để nghe kể những câu chuyện giản dị về ông.
Người chiến sỹ cầm cọ
Nguyễn Sĩ Tốt sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân nghèo, thuộc thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội. Gia đình ông có 10 anh chị em, con cháu theo ngành mỹ thuật, trong đó có 6 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội viên Hội VHNT Hà Tây (cũ).
Trưởng thành trong vất vả, gian khó, nhưng ông sớm nuôi dưỡng tình yêu với hội họa. Những nét vẽ đầu tiên của ông đôi khi chỉ bằng những cục than ghi lại hình ảnh cánh đồng, ngôi đình, phong cảnh làng quê trên những nền sân, nền gạch…
Tuy nhiên, trước khi trở thành họa sỹ, ông là một chiến sỹ. Năm 1946, ông tham gia quân ngũ thuộc Sư đoàn 316, trải qua nhiều chiến dịch như Tây Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Sau đó, ông theo học khóa đào tạo mỹ thuật kháng chiến ngắn hạn - khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (khóa 1958-1963), đồng môn với các họa sỹ tên tuổi như Huy Oánh, Văn Đa, Quang Thọ, Thanh Ngọc…
Nói về những sáng tác của họa sỹ Sĩ Tốt, ông Nguyễn Huy Khôi - Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô nhận xét: “Ông thấu từng hơi thở của đất, trong âm ba sâu lắng của nhịp đời, của tiếng mo cau rơi, của sinh sắc muôn loài hoa đồng nội rồi tái tạo bằng mồ hôi, nước mắt, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hút hồn người xem bằng sự sâu lắng dồn nén, rồi chợt bùng lên hòa quyện trong sắc màu biến ảo với bút pháp khoáng hoạt, khỏe khoắn và đầy tự tin”. Tranh của ông chính là hiện thân của tính cách, tâm hồn và con người ông - thuần hậu và chất phác, không duy lý, lập dị, hoang tưởng và nhất là không chạy theo một mốt thời thượng nào đó.
Trở về với nghệ thuật nguyên bản
Bảo tàng mỹ thuật “Sĩ Tốt và gia đình” nằm trong khuôn viên rợp bóng xây xanh ngay giữa làng quê yên ả. Theo lời của họa sỹ Nguyễn Văn Nhất, cháu đích tôn của cố họa sỹ Sĩ Tốt, từ năm 2005, vợ chồng họa sỹ Nguyễn La Vuông, con trai thứ của họa sỹ Sĩ Tốt đã quyết tâm xây dựng bảo tàng lấy tên cha mình tại chính nơi chôn rau cắt rốn của ông.
Công trình này không chỉ để lưu giữ gia tài hội họa của người cha đáng kính mà còn thúc đẩy thế hệ sau của dòng họ luôn nhìn vào đây như một tấm gương và động lực để theo đuổi đam mê với nghệ thuật.
Với diện tích 140m2, nơi đây trưng bày khoảng 50 bức tranh nguyên gốc, chủ yếu được họa sỹ Sĩ Tốt sáng tác trong khoảng thời gian từ 1974-1975. Đây là những tác phẩm quý giá còn lưu giữ được trong gia tài hội họa của ông, bởi rất nhiều những bức tranh nổi tiếng đã làm nên tên tuổi của họa sỹ như “Tiếng đàn bầu”, “Em nào cũng được học cả”, “Đan mũ”, “Ơ bố”… đều đã được trưng bày ở các bảo tàng trong và ngoài nước.
Điều ấn tượng nhất ở bảo tàng này đó là người xem được trở về với những tác phẩm hội họa nguyên bản. Tranh của ông gắn liền với hình ảnh người lính, những cô du kích trong kháng chiến, những người nông dân hồn hậu lam lũ, hay hình ảnh thanh bình, yên ả của vùng đồng quê Bắc bộ.
Mặc dù sử dụng nhiều chất liệu nhưng tranh của họa sỹ Sĩ Tốt toát lên vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, chinh phục người xem bằng sự đằm thắm, bình dị, bằng những rung động mỹ cảm lành mạnh.
Anh Nguyễn Văn Nhất bày tỏ mong muốn Bảo tàng mỹ thuật “Sĩ Tốt và gia đình” sẽ ngày càng được người dân và bè bạn biết tới và tham quan, để tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật hội họa được lan tỏa tới nhiều thế hệ.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/ong-to-nghe-tranh-cua-lang-hoi-hoa-co-do/705339.antd