Ông Trần Đắc Phu: Từ góc nhìn chuyên môn sẽ không thể có 'Zero COVID'

Cũng theo chuyên gia này, thì xu hướng chung toàn cầu là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Tại Hội thảo về Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19 (do báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/11), ông Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam đã trình bày về tham luận giải pháp sống chung với dịch an toàn.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, từ góc nhìn của giới chuyên môn, chấp nhận có người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, không thể có “Zero COVID”. Trên thế giới, chỉ còn Trung Quốc đặt mục tiêu “Zero COVID”, nhưng đang phải cân nhắc lại vì kinh tế tổn hại quá lớn.

Xu hướng chung là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Do đó, Nghị quyết 128 của Chính phủ phù hợp với xu thế chung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Ông Trần Đắc Phu (ảnh báo Tiền Phong).

Theo chuyên gia này, đến ngày 15/11, trên thế giới có 253,2 triệu ca mắc, trên 5 triệu ca tử vong vì đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, tính đến 15/11, số mắc 1.035.138 ca (trong nước: 99,6%), Số tử vong 23.183 ca; Số tỉnh/thành phố có dịch: 63/63 tỉnh/thành phố.

Đến nay, giai đoạn 1 từ 22/1 - đến 5/3/2020 có 16 ca nhiễm bệnh, giai đoạn 2 từ 6/3 - 22/7/2020 có 399 ca nhiễm bệnh. Hai giai đoạn này do chủng virus SARS-CoV-2 bình thường gây ra. Giai đoạn 3 từ 23/7/2020 đến 26/4/2021 có 2.437 ca nhiễm bệnh chủ yếu là chủng Alpha và giai đoạn 4 từ 27/4 đến nay có 1.034.723 ca nhiễm bệnh do chủ yếu chủng Delta.

Theo ông Phu, dịch xảy ra trên phạm vi cả nước 63/63 tỉnh, thành phố. Các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau. Các tỉnh thành phố có tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm khác nhau.

Ông Phu cho rằng, về thời gian ca mắc COVID-19 ủ bệnh, có những ý kiến cho rằng khoảng 2 - 7 ngày, nhưng thực tế cho thấy phổ biến từ 4-5 ngày, cũng có thể kéo dài tới 14 ngày. Thời điểm phát hiện trên mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu dịch họng là khoảng 2-3 ngày trước khi khởi phát.

Trên thực tế, mọi người đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 , tỷ lệ mắc bệnh không có triệu chứng cao, khoảng 40-60% tùy khu vực. Đặc điểm này khác với SARS năm 2003, tất cả những điểm có bệnh nhân đều có triệu chứng. Các giai đoạn dịch, gồm 4 giai đoạn dịch, giai đoạn 1 và 2 chủng bình thường, bắt đầu từ giai đoạn 3 có chủng Alpha đến từ Anh, đến giai đoạn 4 chủ yếu là chủng Delta.

Về đặc điểm dịch, dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau. Ví dụ ở thành phố HCM khoảng 1.000 ca/ngày, nhưng chúng ta phải xem xét có xét nghiệm được hết không.

Để thích ứng an toàn, vị chuyên gia này cho rằng, phải kiểm soát dịch xâm nhập qua biên giới (Theo IHR), xét nghiệm xác định ca nhiễm, phát hiện ổ dịch, đánh giá nguy cơ. Đối tượng nguy cơ (ho, sốt, khó thở..., cán bộ y tế, lái xe... người đi từ vùng dịch về.

Vùng nguy cơ (bệnh viện, siêu thị, chợ đầu mối...). Theo chỉ định dịch tễ truy vết: Khai thác thông tin từ người nhiễm, công nghệ thông tin, quét QR code

Tiến hành cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với người nhập cảnh, người từ vùng dịch về, người tiếp xúc gần. Tổ chức phong tỏa theo nguy cơ. “Trong phong tỏa thì nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó - Hẹp nhất có thể. Tránh ngoài chặt trong lỏng - Đảm bảo an sinh xã hội. Việc giãn cách xã hội rộng cần hạn chế, trừ khi kiểm soát dịch không hiệu quả và tổ chức dừng các hoạt động có nguy cơ cao Karaoke, Bar” – ông Trần Đắc Phu nêu.

Trong điều trị, ông Phu nêu cần tiếp cận bệnh nhân sớm, tránh chuyển nặng, hạn chế tử vong. Điều trị theo tháp 3 tầng. Tiếp cận bệnh nhân sớm để tư vấn, hướng dẫn theo dõi, điều trị sớm. Tư vấn qua điện thoại, thầy thuốc đồng hành, cung cấp gói thuốc điều trị tại nhà.

Trong dự phòng cá nhân cần tuân thủ 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), tiêm vắc xin.

Vắc xin là cách phòng bệnh bền vững nhất, làm giảm sự lây nhiễm, nhưng ở mức độ nhất định. Việc tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và vẫn có thể lây lan cho người khác nhưng khi mắc thường mắc nhẹ hoặc không triệu chứng.

Mặc dù vẫn có thể chuyển bệnh nặng và tử vong đặc biệt người già, người bệnh nền nhưng tỷ lệ nhỏ.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trong điều hành chống dịch cần chỉ đạo điều hành cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Cần sự hiệp lực tham gia của các ban, ngành: Y tế, Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương…với ngành y tế là nòng cốt.

Đồng thời vận động toàn dân tham gia. Các sở ban ngành cũng phải ban hành đủ các hướng dẫn chỉ đạo điều hành, chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, các cơ sở y tế.

Đồng thời chỉ đạo điều hành cũng phải đáp ứng 4 tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đẩy mạnh truyền thông kịp thời, minh bạch, chính xác và tin cậy.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ong-tran-dac-phu-tu-goc-nhin-chuyen-mon-se-khong-the-co-zero-covid-post168568.html