Ông Trần Hùng ở nhà riêng vào thời điểm kẻ môi giới khai đưa tiền tại phòng làm việc?
Trong phiên phúc thẩm ngày 23/1, luật sư của bị cáo Trần Hùng đã trình bày về việc đã thu thập dữ liệu từ nhà mạng, chứng minh rằng ông Hùng đang ở nhà tại quận Ba Đình vào thời điểm Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) khai đưa tiền ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Với chứng cứ ngoại phạm nêu trên, luật sư đề nghị tòa trả tự do cho ông Trần Hùng.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 23/1, luật sư của ông Trần Hùng đặt câu hỏi với bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) về người đã cầm 300 triệu đồng mà bị cáo giao, đưa đi hối lộ và dựa trên cơ sở nào bị cáo khẳng định ông Trần Hùng đã nhận số tiền này. Các luật sư cũng đặt câu hỏi về lý do tại sao, bị cáo không tin rằng những người trung gian không "lấy một phần", thậm chí chiếm đoạt số tiền 300 triệu đồng?
Sau khi Chủ tọa tuyên bố bị cáo Thuận có thể chọn trả lời hoặc không, nữ bị cáo này đã từ chối trả lời tất cả câu hỏi từ luật sư của Trần Hùng, do đã có lời khai đầy đủ trong giai đoạn điều tra và tòa sơ thẩm.
Các luật sư tiếp tục đặt câu hỏi cho Lê Việt Phương (cựu Đội phó Đội QLTT số 17 Hà Nội) về việc ông Trần Hùng chỉ đạo bị cáo Phương "xử lý nhẹ" là như thế nào. Chủ tọa cũng nói rằng có thể trả lời hoặc không và Phương từ chối trả lời tất cả câu hỏi của luật sư.
Luật sư bào chữa cho Trần Hùng đề nghị tòa không can thiệp hoặc tác động đến bị cáo, nhưng chủ tọa phản đối mạnh mẽ: "Đây là phiên tòa công khai, luật sư thấy chúng tôi can thiệp thế nào?".
Một thẩm phán khác trong Hội đồng xét xử đã khuyến khích các bị cáo hợp tác, nhưng Cao Thị Minh Thuận vẫn tiếp tục từ chối trả lời.
Bị cáo Trần Hùng không được phép được hỏi, nhưng ông sử dụng quyền của mình để đề xuất Hội đồng xét xử hỏi Lê Việt Phương: "Anh căn cứ vào đâu để nói tôi chỉ đạo anh xử lý nhẹ Thuận?". Bị cáo Phương trả lời rằng anh dựa vào các cuộc điện thoại được ghi âm và nhấn mạnh rằng ông Hùng liên tục gọi điện thoại để theo dõi công việc.
Bị cáo Trần Hùng cũng đề nghị tòa hỏi bị cáo Cao Thị Minh Thuận về cuộc điện thoại "tác động" như sau: "Chị nhờ ai hay chồng chị là cán bộ công an đã nhờ anh N.A.T, lãnh đạo Công an Hà Nội khi đó gọi gọi điện cho tôi, về việc chị bị kiểm tra?". Bị cáo Thuận trả lời: "Bị cáo không nhờ bác T. tác động đến Trần Hùng. Bị cáo nhờ cô L. lên chơi với bác T., cô ý nói bị cáo bị kiểm tra nên bác T., hỏi thăm thôi".
Chủ tọa hỏi ông N.A.T., có gọi điện thoại cho Trần Hùng hay không, bị cáo Thuận đáp: "Bị cáo có nghe loáng thoáng thôi, cô L. kể chuyện của bị cáo và bác T., gọi Trần Hùng hỏi thăm thôi, không nhờ vả gì".
Tại phiên tòa, bị cáo Cao Thị Minh Thuận cho biết, số tiền 300 triệu đã được chuyển cho Nguyễn Mạnh Hà (Phó giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội). Số tiền này sau đó được Nguyễn Duy Hải cầm nhằm mục đích hối lộ Tổ công tác 304, Tổng cục QLTT.
Các luật sư cho rằng, chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Nguyễn Duy Hải mà không thu thập các chứng cứ vật chất để buộc tội Trần Hùng là không đủ theo quy định của pháp luật.
Tại tòa luật sư của ông Trần Hùng cũng đề nghị triệu tập nhà mạng điện thoại đi động tới để phân tích về kỹ thuật, nhưng chủ tòa từ chối.
Tuy nhiên, luật sư đưa ra chứng cứ thu thập hợp pháp từ nhà mạng về cột sóng điện thoại của bị cáo Trần Hùng. Cụ thể, cột sóng điện thoại thể hiện trưa 15/7/2020, với các mốc thời gian thể hiện: 12:59, 13:09; 13:10, 13:22, 13:25, 13:29, 13:30, ông Hùng ở khu vực nhà riêng ở quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo luật sư, thời gian từ nhà ông Trần Hùng đến cơ quan mất khoảng 10-11 phút, chính vì thế bị cáo hoàn toàn ngoại phạm trong khoảng thời gian từ 13h10 đến 13h15, thời gian mà Viện kiểm sát, Tòa án sơ thẩm kết luận Hải đưa tiền cho ông Trần Hùng tại phòng làm việc ở quận Hoàn Kiếm.
Với những lập luận nêu trên, các luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả tự do tại tòa cho ông Trần Hùng.
Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát không thay đổi quan điểm và cho rằng, "cột sóng điện thoại ở đó, không có nghĩa là người cũng ở đó". Hai cột sóng điện thoại của Hải và ông Hùng xa nhau, không có nghĩa hai người này không gặp nhau.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hùng bị xác định đã nhận 300 triệu đồng hối lộ từ Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), để "xử lý" vụ buôn sách lậu. Ông Hùng bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 năm tù.