Ông Trần Quí Thanh nói gì ở lời sau cùng trước tòa?
Nói lời sau cùng trước tòa, bị cáo Trần Quí Thanh ân hận về những gì xảy ra trong vụ án, sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình và khẳng định vụ án này không liên quan đến doanh nghiệp gia đình bị cáo đang điều hành.
Chiều 24/4, phiên xử ông Trần Quí Thanh (71 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) cùng hai con gái Trần Uyên Phương (43 tuổi, Phó giám đốc) và Trần Ngọc Bích đã kết thúc phần tranh luận.
Trước khi hội đồng xét xử nghị án, cha con ông Trần Quí Thanh nói lời sau cùng.
Ông Thanh nói mình trưởng thành từ cô nhi viện, đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và đã xây dựng thành công thương hiệu Việt có tầm, phương châm sống của gia đình là "sống để lao động, cống hiến".
Vì vậy, dù ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn lao động để đưa doanh nghiệp vươn tầm thế giới.
"Bị cáo cùng gia đình đã làm việc hàng chục năm với mong muốn đóng góp cho xã hội thông qua nghĩa vụ ngân sách, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp trong hệ thống phân phối, bà con nông dân…
Bị cáo ân hận về những gì xảy ra trong vụ án và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Vụ án này không liên quan đến doanh nghiệp, gia đình bị cáo đang điều hành.
Bị cáo không kể chi tiết về thành công của mình để biện minh cho hành động của bị cáo trong vụ án. Mong HĐXX xem xét khách quan, công minh để bị cáo tiếp tục thực hiện mong muốn, đóng góp của mình", bị cáo Thanh trình bày.
Bị cáo Trần Ngọc Bích cũng cảm ơn các cơ quan tố tụng đã làm rõ những sai lầm cô mắc phải; cảm ơn khi nhà chức trách cho mình tại ngoại để có điều kiện thực hiện các thỏa thuận với đối tác.
"Người ba đáng kính của bị cáo là người làm gương, người nói với bị cáo là ba chọn làm việc và sống tại Việt Nam để xây dựng được doanh nghiệp Việt tự hào với quốc tế. Ba của bị cáo còn khuyên cá nhân bị cáo và chị bị cáo là các con là con gái, nên chọn con đường dễ dàng thay vì tham gia doanh nghiệp đầy rủi ro và thách thức.
Tuy nhiên, sống là phải hết mình để cống hiến cho xã hội, không phải để cho riêng mình, phải có đóng góp gì cho đất nước. Cho dù nhỏ hay lớn, sống tiết chế vừa đủ vì chết cũng không mang theo gì", bị cáo Bích nói.
Bị cáo Bích xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cha, chị gái và mình để sớm trở về cống hiến cho xã hội.
Còn bị cáo Trần Uyên Phương bày tỏ, rất hối tiếc cho cái sai của mình. 12 tháng tạm giam, bị cáo có nhiều bài học trong cuộc sống, đã trải qua các giai đoạn thăng trầm của cảm xúc, chất vấn bản thân rất nhiều.
Tiếp đó, bị cáo Phương xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình và 2 đồng phạm.
Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Thanh cùng 2 con gái đã cho một số người vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Các bị cáo buộc những doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.
Khi bên vay băn khoăn, lo lắng về việc này, các bị cáo đưa ra thông tin tạo niềm tin về uy tín, tiềm năng tài chính, ký các "cam kết bán lại", tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản.
Sau khi chủ tài sản (bên vay) làm thủ tục chuyển nhượng các tài sản thì Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Nhà chức trách xác định hành vi trên của Phương, Bích là làm theo chỉ đạo của cha.
Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, các bị can dùng thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, ông Trần Quí Thanh và 2 con gái đã thực hiện 4 hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, với tổng giá trị hơn 1.048 tỷ đồng.