Ông Trần Văn Lớn - nông dân sản xuất giỏi, mê làm từ thiện

ĐTO - “Xuất thân là nông dân nên tôi thấu hiểu được những khó khăn trong nghề. Với kinh nghiệm tích lũy được từ áp dụng những tiến bộ vào sản xuất, tôi mong muốn chia sẻ với bà con để cùng nhau nâng cao giá trị nông sản địa phương. Đồng thời hy vọng góp một phần công sức cùng địa phương thực hiện hoạt động từ thiện, chung tay giúp đỡ những người đang gặp khó khăn” - Đó là lời chia sẻ về hành trình vươn lên từ gian khó của ông Trần Văn Lớn (SN 1959) ngụ ấp An Lạc, xã Định An, huyện Lấp Vò.

Ông Trần Văn Lớn bên vườn cây ăn trái của gia đình

Ông Trần Văn Lớn bên vườn cây ăn trái của gia đình

Vươn lên từ gian khó

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ông Trần Văn Lớn từng trải qua cuộc sống vất vả. Với diện tích canh tác khoảng 2.500m2 đất vườn, trước đây, ông Lớn chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống nên lợi nhuận thấp, giá cây ăn trái lên xuống thất thường. Cuộc sống gia đình ông Lớn thiếu trước hụt sau.

Quyết tâm thay đổi tư duy canh tác để phát triển kinh tế gia đình, ông Lớn không ngừng học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu khoa học - kỹ thuật từ các chương trình khuyến nông, mô hình trình diễn canh tác vườn cây ăn trái năng suất cao... Qua các kiến thức tích lũy được, ông nhận thấy nhãn là loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tại vùng đất quê hương. Vì vậy, ông Lớn quyết định chọn nhãn làm cây trồng chính của gia đình. Thời điểm đầu, do ảnh hưởng bởi thời tiết và thiếu kỹ thuật canh tác, vườn nhãn của ông Lớn bị rụng trái rất nhiều khi vào giai đoạn tạo cơm, dẫn đến năng suất đạt thấp. Ông Lớn nhớ lại: “Do chưa có nhiều kỹ thuật nên thời điểm 1 tháng trước khi thu hoạch, nhãn bắt đầu rụng trái đến mức tôi không dám ra thăm vườn. Vì vậy, tôi quyết định học hỏi thêm kinh nghiệm về canh tác nhãn theo hướng an toàn”.

Từ thất bại đó, với phẩm chất cần cù trong lao động, chịu khó học hỏi nhiều mô hình hiệu quả, ông Lớn áp dụng quy trình sản xuất vào vườn nhãn của gia đình. Cùng với đó, ông Lớn mua thêm 3.000m2 đất trồng nhãn Idor. Để nông sản mang lại thu nhập ổn định không rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá, ông Lớn tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác thanh nhãn và nhãn Idor nghịch vụ.

Ông Lớn chia sẻ: “Tôi rất thích trồng nhãn vì loại cây trồng này cho thu nhập bền vững. Hơn nữa, trồng nhãn cũng nhẹ công chăm sóc, yêu cầu kỹ thuật và vốn đầu tư không quá cao như các loại cây ăn trái khác. Cùng với đó, các khâu chăm sóc vườn nhãn còn giúp tạo việc làm cho lao động địa phương”.

Trên tinh thần tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến sản xuất bền vững, từ năm 2021, ông Trần Văn Lớn thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP xã Định An. Theo ông Lớn, Tổ hợp tác là “mái nhà chung” tập hợp các thành viên có cùng chí hướng sản xuất nông sản an toàn và cũng nhằm cung cấp nông sản bền vững tại địa phương. Từ đòn bẩy này, đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp, thương lái sẽ đến thu mua trực tiếp, nhà vườn không cần phải bán lẻ.

Ngoài trồng nhãn, nhiều năm qua, ông Lớn còn trồng thêm lúa tại xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang với tổng diện tích khoảng 13ha. Theo ông tính toán, mỗi năm trồng 2 vụ lúa, ông thu lợi nhuận từ 30 triệu - 40 triệu đồng/ha. Đến nay, nhờ sự cố gắng vươn lên, mỗi năm, ông Lớn thu về hơn 1 tỷ đồng từ canh tác nhãn và cho thuê đất ruộng.

Ông Huỳnh Văn Bình - thành viên Tổ hợp tác trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP xã Định An, huyện Lấp Vò, cho biết: “Trước đây, tôi sản xuất nhãn theo phương thức cũ nên năng suất đạt thấp. Trên tinh thần nâng cao chất lượng nông sản, ông Trần Văn Lớn hỗ trợ tôi tham gia vào Tổ hợp tác để cùng chia sẻ kỹ thuật trồng nhãn. Từ đó mang lại hiệu quả tích cực trong canh tác nhãn theo hướng an toàn VietGAP, nâng cao thu nhập của gia đình”.

Bà Lương Thị Thắm Tươi - Phó Chủ tịch UBND xã Định An, huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian qua, chú Trần Văn Lớn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chú còn nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác nông nghiệp, đem lại hiệu quả trong quá trình sản xuất cho bản thân và nhiều nông dân tại địa phương. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn, định kỳ hàng tháng sinh hoạt, chú Lớn quan tâm công tác truyền đạt kinh nghiệm để cùng nhau phát triển”.

Ông Trần Văn Lớn (giữa) đóng góp kinh phí xây dựng cầu đường nông thôn

Ông Trần Văn Lớn (giữa) đóng góp kinh phí xây dựng cầu đường nông thôn

Góp công sức giúp ích cho đời

Từng trải qua những năm tháng vất vả để có được như ngày hôm nay, hơn ai hết, ông Trần Văn Lớn thấu hiểu được nỗi cơ cực của người nghèo. Vì vậy, từ năm 2002, ông Lớn bắt đầu làm từ thiện bằng cách hỗ trợ gạo cho người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài hỗ trợ gạo, ông còn đóng góp kinh phí từ 5 triệu - 20 triệu đồng/công trình để hỗ trợ UBND xã Định An làm đường giao thông, cầu nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhận thấy địa phương còn thiếu thốn phương tiện đưa rước đi khám, chữa bệnh cho bà con nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ông Lớn đã quyết định chi khoảng 600 triệu đồng mua xe cứu thương. Thời gian qua, xe cứu thương của ông hoạt động liên tục, từng đưa nhiều bệnh nhân đi khám bệnh tại tuyến tỉnh và tuyến trên (TP Hồ Chí Minh) miễn phí. Việc đưa rước bệnh nhân miễn phí của ông được UBND xã và ngành chức năng huyện Lấp Vò ủng hộ và cấp thẻ hoạt động.

Ông Lớn chia sẻ: “Mình từng sống trong hoàn cảnh khó khăn nên khi có thu nhập ổn định, tôi muốn san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Tôi mong người dân địa phương có sức khỏe, cùng nhau thi đua sản xuất, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Ông Trần Văn Lớn được Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ông Trần Văn Lớn được Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Với các hoạt động trên, thời gian qua, ông Lớn nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện Lấp Vò vì có thành tích trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đặc biệt, năm 2022, ông Trần Văn Lớn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2024, ông Lớn được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc.

Ông Võ Văn Nho - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian qua, ngoài sản xuất nông nghiệp, nông dân Trần Văn Lớn cùng gia đình thực hiện công tác thiện nguyện xã hội rất tích cực. Gia đình chú Lớn mua xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí cho bà con nghèo. Chú còn hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu đường bê tông và sửa chữa các đoạn đường hư hỏng trên địa bàn xã. Nhân dịp lễ, Tết, chú cùng gia đình cấp phát quà, gạo cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...”.

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/ong-tran-van-lon-nong-dan-san-xuat-gioi-me-lam-tu-thien-126419.aspx