Ông Trần Văn Triều - Người giữ cho đời một phần 'công bằng', tử tế

Không dễ để thuyết phục ông Trần Văn Triều chia sẻ . Vị cán bộ vừa khép lại đúng 40 năm công tác, trong đó có hơn 17 năm gắn bó với công tác Công đoàn và người lao động (Liên đoàn Lao động TP HCM và Trung tâm Tư vấn pháp luật), chỉ cười nhẹ: 'Tôi chỉ làm đúng phần việc của mình thôi, có gì đáng để viết đâu.' Chỉ đến khi nhắc về những người lao động từng được ông âm thầm hỗ trợ, ông mới chậm rãi nhận lời - k hông để kể thành tích, mà để nhìn lại những ký ức đậm dấu chân công lý mà ông đã bền bỉ đi qua.

Một đời chọn đứng bên những người yếu thế

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM, vừa nghỉ hưu sau 40 năm công tác, trong đó có 17 năm gắn bó với người lao động thành phố. Ông là người đàn ông không thích nói về mình, nhưng lại thuộc từng hoàn cảnh công nhân, từng vụ việc tưởng chừng đã rơi vào quên lãng.

“Tôi làm ở ngành lao động từ năm 1984, ban đầu phụ trách lao động, tiền lương, việc làm ở Huyện Hóc Môn và Quận 12. Lúc đó công nhân cực lắm, lương thấp, làm nhiều mà không biết gì về luật. Tôi tiếp xúc nhiều, nghe nhiều chuyện ấm ức mà không ai bênh vực. Dần dà, tôi thấy mình cần đứng về phía họ”, ông nhớ lại.

Năm 2007, ông được điều động về Liên đoàn Lao động TP HCM, phụ trách lĩnh vực tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người lao động. Cũng từ đó, ông trở thành “người gác cổng công lý”, âm thầm bảo vệ quyền lợi cho những người lao động dễ bị tổn thương nhất.

“Trung tâm nơi tôi công tác hoạt động hoàn toàn miễn phí, kinh phí chỉ từ ngân sách được cấp. Thu nhập của cán bộ thấp, thiếu nguồn lực nhưng không ai bỏ cuộc.

Tôi đã may mắn khi có một đội ngũ tận tâm. Họ làm không vì lương cao, mà vì tin rằng công việc này có ý nghĩa thực sự. Họ cũng giống tôi, thấy vui mỗi khi người lao động giành lại được công bằng”, ông nói, ánh mắt ánh lên niềm tự hào”.

“Cứ mỗi lần người lao động đòi lại được quyền lợi bị mất như: một tháng lương, một khoản BHXH, hay danh dự bị tổn thương… là tôi lại thấy vui, thấy nghề này đáng để theo đuổi, gắn bó”, ông nói.

Mười bảy năm tại Liên đoàn Lao động, trong đó có 10 năm làm Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, ông Triều cùng đồng nghiệp không chỉ tư vấn, giải đáp mà còn trực tiếp “xắn tay” cùng người lao động viết đơn, soạn hồ sơ khởi kiện, ra tòa tranh luận. Ông không đếm mình đã tham gia bao nhiêu vụ tranh chấp, chỉ nhớ có những vụ kéo dài hàng tháng trời, đầy áp lực, nhưng ông chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ.

Cách đây 3 năm, ông tiếp nhận một vụ việc của một nữ công nhân lớn tuổi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong hoàn cảnh éo le. Đó là trường hợp của bà Huỳnh Thị Hồng P - người lao động đã ngoài tuổi trung niên, gắn bó nhiều năm với Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu S.G (phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM). Bà P. bắt đầu làm việc chính thức tại công ty với chức danh tổ trưởng sau khi hai bên ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, với mức lương ghi trong hợp đồng là 5.130.000 đồng/tháng. Trong suốt thời gian làm việc, bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không vi phạm kỷ luật, cũng chưa từng bị công ty nhắc nhở.

Thế nhưng, ngày 23/4/2022, bà bất ngờ nhận Quyết định nghỉ việc từ phía công ty, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 8/4/2022 với lý do “nghỉ việc theo đơn”. Trong khi thực tế, bà chưa từng viết đơn xin thôi việc và cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào với công ty về việc chấm dứt hợp đồng.

Trước tình huống trớ trêu đó, ông Triều đã tiếp nhận vụ việc, trực tiếp nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ liên quan. Sau khi rà soát kỹ các quy định pháp luật, ông tư vấn cho bà P. làm đơn khởi kiện công ty về hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Vụ án được Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận thụ lý giải quyết theo quy định.

Ông Trần Văn Triều (đầu tiên từ phải qua) hướng dẫn gia đình công nhân khởi kiện tại Tòa.

Ông Trần Văn Triều (đầu tiên từ phải qua) hướng dẫn gia đình công nhân khởi kiện tại Tòa.

Từ tư vấn của ông Triều, bà P. xác lập các yêu cầu khởi kiện: đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy quyết định nghỉ việc ban hành trái pháp luật; buộc công ty nhận bà trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký kết; đồng thời yêu cầu thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan, gồm: tiền lương trong 29 tháng không được làm việc (từ 1/5/2022 đến ngày xét xử sơ thẩm); hai tháng tiền lương do công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật và khoản tiền lương 1,5 tháng do vi phạm thời hạn báo trước. Tổng cộng số tiền bà yêu cầu bồi thường là 166.725.000 đồng.

“Sau nhiều tháng theo đuổi vụ việc, trực tiếp cùng người lao động tham dự các phiên làm việc và xét xử, Hội đồng xét xử đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà P., xác định rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp và buộc công ty phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo luật định”, ông Triều kể lại, giọng chậm rãi, ánh mắt vẫn đượm chút xúc động.

Với ông, đây không chỉ là một vụ kiện thành công. Nó còn là sự khẳng định cho giá trị nghề nghiệp mà ông đã dành trọn tâm huyết cả đời mình theo đuổi.

“Tôi rất vui và phấn khởi khi có thể góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động yếu thế, đặc biệt là những người lớn tuổi, khó khăn, như hoàn cảnh của bà P.”,ông nói.

Điều đặc biệt là toàn bộ quá trình hỗ trợ bà P., ông Triều đều làm bằng cả cái tâm, hoàn toàn miễn phí. Với ông, sự tin tưởng và lòng biết của người lao động chính là phần thưởng lớn nhất trong hành trình giành lại lẽ phải. Trường hợp của bà P. chỉ là một trong vô số những vụ việc mà ông Triều từng âm thầm hỗ trợ, giúp đỡ. Có người hỏi ông: “Sao không thấy mệt?”. Ông cười, đáp gọn: “Có chứ! Nhưng thấy người lao động không còn đơn độc nữa là tôi lại có sức”.

Tuyên truyền pháp luật bằng ngôn ngữ của đời sống

Song song với hỗ trợ pháp lý, ông Triều đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật. Ông chủ động phối hợp với HTV9, VOH, Báo Người Lao Động… để đưa pháp luật đến gần hơn với công nhân qua truyền hình, phát thanh, báo in, thậm chí cả mạng xã hội.

Trong các chiến dịch cao điểm như Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, Ngày Pháp luật (9/11), ông là người trực tiếp xây dựng nội dung và truyền thông tại cơ sở. Ngoài các văn bản luật như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động..., ông còn tích hợp các chủ đề như phòng chống ma túy, lồng ghép giới, công tác nữ công, định hướng tâm lý cho nữ công nhân trong bối cảnh áp lực kinh tế và gia đình ngày một lớn.

Ông đặc biệt nhấn mạnh việc “hiểu công nhân để nói cho công nhân hiểu”. Trước mỗi buổi tập huấn, ông đều tìm hiểu kỹ đặc điểm người nghe: trình độ, hoàn cảnh, vấn đề họ quan tâm. “Công nhân không cần khái niệm pháp lý khô khan. Họ cần biết nếu bị đuổi việc thì làm gì, nếu công ty không đóng BHXH thì mình có quyền gì. Tôi luôn bắt đầu từ những chuyện cụ thể, để luật pháp không còn xa lạ”, ông bộc bạch.

Vì thế, những buổi tuyên truyền do ông phụ trách luôn đông công nhân tham gia. “Tôi không thích đứng trên bục giảng. Tôi thích đứng giữa họ, để thảo luận, phản biện, hỏi - đáp”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Triều, nhiều quy định trong Luật Công đoàn, Luật BHXH, Bộ luật Lao động còn chưa rõ ràng, thủ tục tranh chấp lại phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì của cả người lao động lẫn người hỗ trợ pháp lý.

ÔngTrần Văn Triều làm diễn giả tại Hội nghị Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động trong công nhân tại Liên đoàn Lao động Quận 12 (TP HCM)

Ông cũng từng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi nhiều điều luật để bảo vệ người lao động tốt hơn. Gần đây nhất, ông góp ý về Luật Việc làm, Luật BHYT, những bất cập trong thực hiện chế độ sau Covid-19… Tất cả đều xuất phát từ tiếng nói của người lao động trong thực tiễn mà ông lắng nghe mỗi ngày.

Ngày ông nghỉ hưu, căn phòng nhỏ nơi Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP HCM vẫn đầy người đến xin tư vấn. Đồng nghiệp lưu luyến. Người lao động gửi lời cảm ơn, có người còn gói ghém trái cây quê mang lên tặng. Ông chỉ lặng lẽ cười, rồi quay về chồng hồ sơ còn dang dở.

“Tôi vẫn sẽ hỗ trợ nếu cần. Tôi quen với việc làm cái việc này rồi, đâu bỏ được”, ông nói như một lời cam kết.

Hỏi ông điều tự hào nhất trong sự nghiệp là gì? - Ông không nói về chức vụ hay thành tích. Ông chỉ kể về những công nhân từng được ông giúp, sau này quay lại, dắt theo đồng nghiệp khác đang rơi vào hoàn cảnh tương tự: “Họ tin mình. Họ không còn sợ khi đi đòi quyền lợi. Vậy là tôi vui lòng rồi. Chỉ có điều, tôi luôn muốn người lao động phải biết, phải hiểu về luật để họ không bị chèn ép, không bị lợi dụng, cũng không rơi vào thế yếu trong các tình huống tranh chấp. Một môi trường lao động hài hòa chỉ có thể đạt được khi mọi người đều hiểu và tuân thủ pháp luật”, ông trải lòng.

Có lẽ, sau gần 40 năm cống hiến, trong đó có 17 năm âm thầm đồng hành cùng người lao động, người cán bộ ấy chưa từng một lần nghĩ đến việc nhận về cho riêng mình điều gì. Con đường sự nghiệp của ông không ồn ào, không hào nhoáng, nhưng lại thấm đẫm giá trị. Với ông, mỗi vụ việc khép lại bằng một kết quả công bằng không chỉ là một “chiến thắng pháp lý”, mà còn là một hạt mầm được gieo xuống cho niềm tin vào pháp luật.

Nguyễn Giang - Phan Mơ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ong-tran-van-trieu-nguoi-giu-cho-doi-mot-phan-cong-bang-tu-te-post543967.html