Ông Trần Vĩnh Tuyến nói lời sau cùng: Tôi không bao giờ đổ tội cho người khác
Ông Trần Vĩnh Tuyến mong HĐXX xem xét một cách công tâm, khách quan, thấu tình đạt lý. Đồng thời ông Tuyến cũng mong HĐXX xem xét cho tất cả các bị cáo trong vụ án...
Ngày 16-12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9, nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM) xảy ra tại Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt SAGRI), gây thất thoát hơn 672 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, 19 bị cáo trong vụ án này đã nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) nghị án.
Dự kiến HĐXX tuyên án vào ngày 18-12.
Nói lời sau cùng, ông Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cám ơn HĐXX cũng như đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã cho phép ông trình bày, giải trình những vấn đề liên quan đến vụ án.
Ông Trần Vĩnh Tuyến một lần nữa khẳng định bảo lưu những gì ông và luật sư trình bày trước phiên tòa. Sau phiên tòa và bước ra khỏi phiên tòa này, tất cả chúng ta phải đối diện với tòa án lương tâm. “Tôi nghĩ rằng những điều đã nói là trung thực. Bởi nếu không trung thực là thiếu tôn trọng HĐXX, Viện KSND và tạo nghiệp thì sẽ bị quả báo. Tôi không bao giờ đổ tội cho người khác”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Từ đó, ông Trần Vĩnh Tuyến mong HĐXX xem xét một cách công tâm, khách quan, thấu tình đạt lý. Đồng thời ông Tuyến cũng mong HĐXX xem xét cho tất cả các bị cáo trong vụ án, các bị cáo đáng thương hơn đáng trách. Các bị cáo xứng đáng được hưởng khoan hồng của pháp luật bởi vì những đóng góp của các bị cáo trong suốt quá trình công tác.
Ông Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) nói lời sau cùng rất ngắn gọn. Ông Tuấn chỉ nói rằng, mong HĐXX xem xét để có một bản án công tâm, khách quan theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI) là người nói lời sau cùng rất dài. Ông trình bày rằng, đến giờ phút này, bị cáo đã mất hết tất cả. Cả cuộc đời bị cáo đã đánh mất hết những gì phấn đấu, nỗ lực. Sắp tới, bị cáo đối diện tội danh “tham ô” mà bị cáo cảm thấy hết sức đau đớn. Do đó, bị cáo mong muốn HĐXX làm rõ 2 vấn đề mà bị cáo trình bày trong phiên tòa liên quan đến 2 tội danh.
Theo bị cáo Lê Tấn Hùng, bị cáo không chỉ đối mặt với bản án mà tòa tuyên, còn đối mặt với một bản án đạo đức theo cả cuộc đời đến lúc chết mới thôi. Trong những ngày qua, bị cáo suy nghĩ mãi vì lý do gì, tại sao bị cáo bị đề nghị mức hình phạt hết sức cao đến vậy. Thật sự bị cáo không hình dung được, không hiểu được lý do.
Đến ngày hôm nay, bị cáo vẫn còn hy vọng, một niềm tin vào sự phán quyết của HĐXX và mong muốn xem xét đầy đủ, thấu tình, đạt lý để bị cáo nhận thấy đúng trách nhiệm của mình với hình phạt mà bị cáo nhận. Bị cáo kính xin HĐXX xem xét những kiến nghị của bị cáo để có một chính sách khoan hồng đặc biệt, để bị cáo sớm trở về với gia đình, với xã hội với những năm còn lại của cuộc đời.
Theo cáo trạng, bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) với vai trò chủ mưu, cùng các đồng phạm chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức) sang Tổng Công ty CP Phong Phú.
Bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) cùng một số cán bộ có liên quan thẩm định, tham mưu và trình bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án không thông qua thẩm định giá, đấu giá theo quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trong đó, bị cáo Lê Tấn Hùng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt trong toàn bộ các hành vi phạm tội. Bị cáo bị đưa ra xét xử với 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”. Bị cáo Lê Tấn Hùng đã cùng với bị cáo khác là cấp dưới trong SAGRI đã móc nối với một số công ty bên ngoài lập 10 hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên của SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài nhằm chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng.
Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án từ 7-8 năm tù đối với bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI) bị đề nghị tổng mức án từ 26-30 năm tù cho hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị từ 36 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 28 năm tù.