Ông Trịnh làm kinh tế giỏiTin khácCách mạng Tháng Tám thành công - đánh dấu thắng lợi đầu tiên cho con đường Hồ Chí Minh lựa chọnKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

Cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên là những gì người dân tại thôn Long Sơn, xã Xuân Long, huyện Cao Lộc nói về ông Lăng Văn Trịnh. Từ một hộ khó khăn, nhờ ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, gia đình ông Trịnh đã trở thành một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã.

Ông Lăng Văn Trịnh (sinh năm 1970) xuất thân từ một gia đình thuần nông. Từ năm 1988, sau khi ông lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng ông chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, ngô trên mảnh đất 5 sào ruộng do cha mẹ để lại. Mỗi năm, gia đình chỉ có thể thu được hơn 1 tấn thóc và 4 tạ ngô, giá trị kinh tế chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/năm. Vì điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, ông Trịnh luôn trăn trở cách thoát nghèo.

Ông Trịnh chăm sóc rừng hồi của gia đình

Ông Trịnh chăm sóc rừng hồi của gia đình

Ông Trịnh cho biết: Trước năm 1991, đất rừng tại xã phần lớn là bỏ hoang. Giống như nhiều hộ khác, gia đình tôi cũng có 5 ha đất trống, đồi trọc. Thời điểm đó, người dân tại đây đổ xô trồng cây trám trắng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, tôi quyết định lấy hạt hồi tại Văn Quan về để ươm cây giống và trồng hồi. Nhưng do thiếu kinh nghiệm trong việc chọn hạt giống nên trong những năm đầu, tỷ lệ cây khỏe mạnh rất thấp. Vì vậy, khi trồng thử nghiệm 1 ha hồi thì có đến gần một nửa cây con bị chết. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại đó, đến năm 2000, gia đình ông đã phủ xanh toàn bộ 5 ha đồi trọc bằng cây hồi. Cầy hồi được ươm đúng kỹ thuật, bón phân đầy đủ và chăm sóc kỹ càng nên phát triển rất tốt.

Đến năm 2010, gần như toàn bộ diện tích hồi của gia đình ông Trịnh đều đã cho thu hoạch. Do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, rừng hồi cho năng suất ổn định, mỗi năm gia đình ông thu được 3 – 4 tấn hồi và bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Để đạt hiệu quả cao, những năm gần đây, gia đình ông còn chủ động phá bỏ những cây hồi già cỗi, thay thế bằng cây mới.

Ngoài trồng hồi, từ năm 2015, gia đình ông Trịnh còn chuyển 5 sào ruộng hạn sang trồng gừng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 3 đến 5 tấn gừng thương phẩm. Bên cạnh đó, gia đình ông còn chăn nuôi lợn nái để gây giống. Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông xuất chuồng 2 lứa lợn thịt với số lượng từ 7 đến 10 con. Từ việc phát triển đa dạng giữa trồng trọt với chăn nuôi, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, gia đình ông Trịnh đều thu nhập trên 200 triệu đồng. Qua đó, không chỉ dần thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả tại xã.

Ông Lý Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Xuân Long cho biết: Ông Lăng Văn Trịnh không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: làm từ thiện, ủng hộ các phong trào do xã, thôn phát động. Đồng thời, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân trong xã. Vào vụ hồi, ông Trịnh đã tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương từ việc thuê người thu hái hồi, góp phần giúp người dân có thêm thu nhập. Ông là cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại xã, xứng đáng để nhiều người dân học hỏi, noi theo.

Với những nỗ lực đó, đầu tháng 2/2021, ông Lăng Văn Trịnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

GIA KHÁNH - NGUYỄN PHÚC

LƯƠNG THỊ TUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/442873-ong-trinh-lam-kinh-te-gioi.html