Ông Trịnh Văn Quyết bị hoãn xuất cảnh trong vòng 30 ngày
Ngày 28/3, nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, Cơ quan điều tra Bộ Công an mới ra quyết định t ạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC để làm rõ một số nội dung liên quan đến ông này. Đối với thông tin lan truyền việc ông Quyết bị bắt giam chỉ là tin thất thiệt, không chính xác.
Cơ quan điều tra tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết từ ngày 26/3 đến hết 25/4, đồng thời mời ông này lên làm việc, xác minh một số nội dung. Được biết, cơ quan điều tra đang xác minh một số thông tin từ dư luận báo chí nêu trước đây liên quan việc các doanh nghiệp và dự án do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập, điều hành.
Trước những tin đồn liên quan đến việc bị cơ quan chức năng bắt, trao đổi với PV Tiền Phong chiều 28/3, ông Trịnh Văn Quyết nói ngắn gọn: “Kệ thôi”.
Ông Quyết nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu, từng là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Quyết khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001 và chuyển thành Công ty Luật TNHH SMiC năm 2008. Cùng năm đó, ông lập loạt doanh nghiệp. Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên.
Năm 2019, Bamboo Airways do FLC thành lập gia nhập thị trường hàng không. Sau hơn 10 năm thành lập, vốn điều lệ của FLC đạt 10.500 tỷ đồng vào đầu năm 2021.
Tính đến tháng 1/2022, Chủ tịch FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC (tương đương khoảng 30% vốn) cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên như ROS, ART, BOS, GAB...
Cuối tháng 1, ông bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng vì bán không công bố gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Trước đó tháng 11/2017, ông bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu khi không báo cáo với cơ quan quản lý thị trường.
Tin đồn tiêu cực liên quan ông Trịnh Văn Quyết lan truyền trên mạng xã hội từ tối 27/3 đã phản ánh ngay vào phiên giao dịch đầu tuần. Cổ phiếu “họ” FLC nằm sàn ngay từ giờ mở cửa, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, tới kết phiên vẫn còn cả trăm triệu cổ phiếu dư bán giá sàn. Vốn hóa FLC bốc hơi 710 tỷ đồng, giảm từ 10.365 tỷ đồng, xuống 9.655 tỷ đồng. Thanh khoản nhóm này giảm mạnh, cổ phiếu trắng bên mua kéo theo nhiều mã bất động sản giảm mạnh. Đóng cửa, VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483 điểm trong khi giá trị khớp lệnh HoSE tăng gần 35% so với phiên trước, đạt 30.491 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, tin đồn là hết sức bình thường trên thị trường chứng khoán. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, nếu tin đồn không có thật, câu chuyện sẽ kết thúc hoàn toàn trong 1,5 phiên. Trong trường hợp sự việc có thật, nhóm cổ phiếu liên quan trực tiếp vụ việc sẽ rơi sâu và kéo dài. Trong mọi trường hợp, quanh mốc 1.450 điểm là vùng cận đáy của VN-Index.