Ông Troussier ra đi, VFF thì sao?
Sau trận thua 0-3 trước Indonesia, HLV Troussier ra đi, chỉ có nỗi đau là còn ở lại với CĐV Việt Nam. Vì thế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không thể ngó lơ trách nhiệm của mình
Với kỳ vọng vượt qua được "vùng trũng" Đông Nam Á quanh năm loanh quanh Cúp AFF do một nhãn hàng nào đó tài trợ, thể thức thay đổi tùy hứng hoặc SEA Games không còn sôi nổi cho cấp độ đội trẻ (U), chúng ta hướng tới World Cup.
Đó là lý do mà VFF đã chọn HLV Philippe Troussier.
Chọn ông Troussier là bởi ông có danh tiếng. Ông gắn bó với bóng đá Việt Nam tận 6 năm.
Và với 6 năm ấy, nhà cầm quân người Pháp có đủ thời gian để xây dựng nền tảng cho mình. Năm 2018, ông bắt đầu làm tuyển chọn, đào tạo trẻ ở Trung tâm PVF với chức danh giám đốc kỹ thuật. Ông và các trợ lý hiểu nhau nhiều đến mức, trên truyền hình cũng thấy, đôi khi họ chỉ cần nhìn nhau mà chẳng cần nói, ấy chừng vẫn hiểu nhau.
Nhưng quan trọng hơn, bóng đá Việt, chọn ông bởi ông tự tin đưa ra lộ trình, giúp bóng đá Việt có thể "từ vịt hóa thiên nga".
Nhưng, trận thua 0-3 ngay trên sân nhà Mỹ Đình trước Indonesia tối 26-3 như giọt nước tràn ly.
Chỉ bởi, người ta thấy được, ông Troussier, rõ ràng nói hay hơn làm. Thậm chí, một chút sót lại của những người từng ủng hộ ông, đó là sự kiên định trong việc dùng người, cũng mất luôn.
Ông từng nói: Cách để phát triển bóng đá Việt là tin dùng và tạo điều kiện cho lứa cầu thủ trẻ.
Điều này hợp lý thôi!
Nhưng lứa cầu thủ trẻ ấy cần được kèm cặp để có thể chơi tốt hơn. Thay vì được tung vào sân và ôm những triết lý bóng đá mới để thực hiện mà không hề có sự hỗ trợ từ những đàn anh.
Và rằng, với các cầu thủ trẻ Việt Nam, thứ họ cần nào chỉ phải là cứ được tung vào sân chơi bóng.
Họ cần những chiến thắng để củng cố lòng tin, rằng mình xứng đáng là lứa kế cận sau những thành công của lứa quân do HLV Park Hang-seo chọn.
Họ bị sức ép rất lớn và phải có điểm tựa bằng những chiến thắng, chí ít là với đối thủ trong khu vực, để mạnh mẽ vươn mình.
HLV Troussier, chính ông chọn cách xây mới thay vì trộn với đội hình còn một số cầu thủ đang độ chín mà ông Park đã tuyển lựa.
Chiến lược gia người Pháp nói: Cầu thủ phải chịu trách nhiệm với những trận thua. Ông không thay họ thi đấu được. Vẫn có gì đó đúng.
Nhưng hỡi ơi, ông Troussier lại là người dẫn đầu về mặt thống kê với việc, có tỉ lệ thua nhiều nhất trong các HLV ngoại dẫn dắt dội tuyển Việt Nam.
HLV Troussier có 10 trận thua và 4 trận thắng sau 14 trận cầm quân ở đội truyển Việt Nam. Tỉ lệ thua của HLV Troussier là 71,42%. Thật ra trước trận tái đấu Indonesia trên sân Mỹ Đình mà đội Việt Nam buộc phải thắng, thành tích của ông Troussier đã là tệ nhất trong số các HLV ngoại từng nắm đội tuyển nước ta.
Bê bết như HLV Edson Tavares (Brazil), người có 2 nhiệm kỳ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, đã giành 5 trận thắng, 1 trận hòa và 6 trận thua trong tổng cộng 12 trận cầm quân, tỉ lệ thất bại cũng chỉ đến 50%. HLV Henrique Calisto có tỉ lệ thua trận là 42,3%, HLV Park Hang-seo là 25,4%, HLV Alfred Riedl là 32,8% Toshiya Miura có tỉ lệ thua là 28,6%.
Lẽ nào?
Tất cả những trận thua ấy, đều là lỗi từ cầu thủ chứ không phải từ ông HLV có mức lương cao nhất từ xưa đến nay của bóng đá Việt Nam?
Và cuối cùng, ông nói: Có đến 80% số người hâm mộ muốn ông ra đi.
Thì thưa ông, đến 20% mà ông nghĩ rằng ủng hộ ông, sau trận thua 0-3 với Indonesia trên sân Mỹ Đình, cũng chẳng còn nốt.
Vì sao ư?
Vì triết lý dùng người của ông hóa ra, đã bị lung lay. Ông cũng loay hoay lắm chứ nào phải minh triết như cách ông phát biểu.
Ông tung những cầu thủ, mà theo ông là lớn tuổi, là không phù hợp với cách chơi của ông. Để rồi, người hâm mộ phải xem một màn bi hài kịch.
Sự vụng về, sự hời hợt trong cách chơi ở bàn thua thứ 2, 4 cầu thủ ngó nghiêng để đối phương ghi bàn. Bàn thứ 3, Tấn Tài nhứ, nhá rồi… thôi thay vì phòng ngự quyết liệt.
Nói thẳng, dẫu ngay trong đêm 26-3, lãnh đạo VFF đã thương thảo xong (có lẽ mức đền bù 1 phần hợp đồng) để hai bên chia tay nhau trong êm đẹp thì bóng đá Việt đã hết cơ hội đi tiếp ở cuộc chơi mang tên World Cup.
Và nỗi đau sẽ vẫn ở lại với bóng đá Việt. Đau bởi, người hâm mộ luôn bị ru bởi tầm nhìn của VFF thật xa và rộng nhưng cách họ biến phương án thành hiện thực thì lại gây thất vọng.
Ông Philippe Troussier ra đi. Một chiến dịch bóng đá được đầu tư và kỳ vọng tan vỡ. Chỉ có nỗi đau vẫn ở lại với CĐV Việt Nam.
Nhưng VFF không thể ngó lơ trách nhiệm của mình.
Xin nhắc lại: Chọn ông Troussier là VFF. Chấp nhận chiến lược của ông ấy cũng là VFF.
Không tác động, thúc ép chiến lược gia người Pháp để ông có thể có những điều chỉnh hợp lý sau chuỗi thất bại, đặc biệt là sau các trận thua Indonesia, bắt đầu từ Asian Cup 2023, là VFF.
VFF là người chịu trách nhiệm chính với nền bóng đá Việt Nam, chứ không phải một người làm công hưởng lương như ông Troussier.
HLV người Pháp đã out (ra đi), nhưng ai ở VFF sẽ phải chịu trách nhiệm cho chuỗi trận sa sút của đội tuyển Việt Nam.
Có lãnh đạo nào của VFF dũng cảm từ chức?
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-thang-ong-troussier-ra-di-vff-thi-sao-196240327003241248.htm