Ông Trump bắt đầu chuyển giao, ông Biden được hưởng đặc quyền gì?
Chính quyền liên bang Mỹ sẽ bắt đầu làm việc với nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau khi lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) chính thức công nhận ông thắng cử.
Tuyên bố ngày 23/11 của Giám đốc GSA Emily Murphy đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới của ông Biden. Trong thông điệp Twitter cùng ngày, đương kim Tổng thống Donald Trump cho biết đã yêu cầu bà Murphy "làm những gì cần phải làm, vì lợi ích tốt nhất của đất nước", ám chỉ ông đã chấp nhận chuyển giao quyền lực cho đối thủ Biden dù khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý chống kết quả bầu cử.
Các đặc quyền của ông Biden
Theo AP, diễn biến mới đồng nghĩa ông Biden và đội ngũ dưới quyền hiện có thể tiếp cận giới chức trong các cơ quan liên bang, chỉ đạo Bộ Tư pháp xúc tiến các biện pháp đảm bảo an ninh cho những thành viên thuộc nhóm chuyển giao, cũng như những người được ông đề cử vào các chức vụ quan trọng trong chính quyền sắp tới.
Tổng thống đắc cử và nhóm phụ trách chuyển giao hiện cũng được phép tiếp cận các tên miền trang web chính thức của chính phủ. Ngoài ra, họ sẽ được hưởng các đặc quyền khác về tài chính và không gian làm việc ngay lập tức.
Cụ thể, GSA hiện sẽ trao 6,3 triệu USD trong các quỹ phân bổ của quốc hội cho nhóm chuyển giao của ông Biden. Bộ máy của ông Biden cũng có quyền sử dụng 16.200m2 diện tích văn phòng liên bang, kể cả các khu vực bảo mật, nơi chính khách Dân chủ này và đội ngũ giúp việc có thể nhận những báo cáo tình báo nhạy cảm.
Tiền và văn phòng làm việc
Không lâu sau khi tuyên bố thắng cử, ông Biden đã nói rõ rằng, tiền do chính quyền liên bang cấp đi kèm với tuyên bố xác nhận chiến thắng của ông không phải mối quan tâm hàng đầu đối với nhóm chuyển giao.
Song, ứng viên Dân chủ và các trợ lý nhấn mạnh, việc GSA chứng thực ông là lãnh đạo tiếp theo của Nhà Trắng có ý nghĩa then chốt, mở đường cho ông có thể bắt đầu tham vấn các chuyên gia chính phủ liên bang một cách hợp pháp về những kế hoạch phân phối vắc-xin phòng ngừa Covid-19, chế phẩm dự kiến sắp tung ra thị trường.
Các quan chức trong chính quyền ông Trump lâu nay cũng từ chối hàng ngày gửi cho ông Biden các báo cáo mật cho đến khi GSA chính thức xướng tên người thắng cử.
Hiện Hội đồng điều phối chuyển giao Nhà Trắng cũng có thể tiến hành các cuộc diễn tập về an ninh nội địa và chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp với nhóm của ông Biden theo quy định của luật pháp.
Ý nghĩa của việc sớm bắt đầu chuyển giao
Việc làm chậm tốc độ chuyển giao quyền lực có thể cản trở chính quyền mới ngay từ lúc ban đầu. Các chuyên gia tin, chính quyền Trump chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn từ việc chậm tuyển dụng nhân sự vì quản lý không tốt quá trình chuyển giao vào năm 2016, sau khi ông Trump gạt bỏ các kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng một ngày sau thắng cử.
Nhận thức được tầm quan trọng, nhóm chuyển giao của ông Biden đã bắt đầu thúc đẩy xây dựng chính quyền mới.
Hôm 23/11, ông Biden thông báo đề cử Antony Blinken làm Ngoại trưởng; Alejandro Mayorkas làm Bộ trưởng An ninh nội địa; Linda Thomas-Greenfield làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và Avril Haines giữ chức Giám đốc Tình báo quốc gia. Ông Biden dự kiến sẽ sớm chính thức thông báo quyết định chọn cựu Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (FED) Janet Yellen làm Bộ trưởng Tài chính.
Ảnh hưởng từ trì hoãn chuyển giao
Hầu hết các tổng thống đắc cử gần đây của Mỹ có khoảng 77 ngày từ thời điểm được chính thức công nhận thắng cử cho đến lễ tuyên thệ nhậm chức.
Ông Biden hiện chỉ có 57 ngày, do đương kim Tổng thống Trump kiên quyết từ chối nhận thua và theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống kết quả bầu cử, trong khi GSA muốn chờ quá trình kiểm phiếu lại của các bang cũng như kết quả các vụ kiện của ông Trump ngã ngũ mới ra kết luận.
Năm 2000, GSA từng trì hoãn công bố tên người thắng cử cho đến khi tranh chấp tái kiểm phiếu ở bang Florida được giải quyết xong vào ngày 13/12. Vào thời điểm đó, Giám đốc GSA dựa vào đánh giá từ một trong những người soạn thảo Đạo luật chuyển giao quyền lực tổng thống năm 1963 rằng, “trong một cuộc đua sát sao, nhà lãnh đạo GSA đơn giản sẽ không đưa ra quyết định".
Báo cáo của Ủy ban 11/9 đổ lỗi sự chậm trễ nói trên đã góp phần dẫn tới việc nước Mỹ chưa chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi thảm họa tấn công khủng bố xảy ra vào ngày 11/9/2001, khiến gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 nạn nhân khác bị thương.