Ông Trump bất ngờ đổi giọng và những chia rẽ nhằm chấm dứt xung đột Ukraine

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ đi xa đến đâu trong cuộc đối đầu với Nga về vấn đề Ukraine và liệu ông có sẵn sàng tăng cường viện trợ quân sự - bao gồm cả tên lửa tầm xa cho Kiev hay không.

Tổng thống Trump đổi giọng

Mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đã giảm sút rõ rệt trong nhiệm kỳ mới mặc dù ông Trump vẫn chưa tiết lộ mức độ ông sẽ gây sức ép buộc Nga chấm dứt cuộc giao tranh dai dẳng với Ukraine.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã ngừng nói về sự "thiên tài" hay "thông minh" trong chiến lược của ông Putin. Trong một sự thay đổi đáng chú ý về các tuyên bố, ông Trump thay vào đó cảnh bảo rằng vị Tổng thống Nga mà ông từng khen ngợi là "rất thông minh" đang dẫn dắt đất nước của mình đến bờ vực hủy hoại bằng cách kéo dài xung đột.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

"Ông ấy nên đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu dục vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Ông cũng nhận định: "Tôi nghĩ ông ấy đang phá hủy nước Nga nếu không đạt được một thỏa thuận. Nga sẽ gặp rắc rối lớn".

Lý do đằng sau tông giọng này khá đơn giản. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt giao tranh trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Hạn chót đó đã qua, nghĩa là thời hạn cho ông Trump thực hiện cam kết của mình đang được đếm ngược dần.

Ông Trump cần cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán. Ukraine đã sẵn sàng mặc cả, ông Trump nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới 3 ngày sau lễ nhậm chức. Còn Nga thì sao?

"Điều này bạn sẽ phải hỏi Nga", ông Trump nói.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Nga trong chính quyền cựu Tổng thống Obama - Michael McFaul: "Sau khi nghe ông Trump nói về ông Putin trong gần 1 thập kỷ, đây là điều quan trọng nhất mà ông ấy từng nói".

Đại sứ quán Nga chưa trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ NBC News.

Các biện pháp gây sức ép với Nga

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst và các quan chức khác, Nga vẫn chưa quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình chừng nào quân đội của họ tiếp tục giành được lãnh thổ ở phía Đông Ukraine, mặc dù với tốc độ chậm và trong khi đó, Ukraine vẫn chiếm giữ lãnh thổ ở khu vực Kursk bên trong nước Nga.

"Tổng thống Putin không muốn đàm phán ngay bây giờ vì quân đội của ông ấy đang trên đà tiến công. Ông ấy muốn chiếm thêm lãnh thổ Ukraine trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu", ông Herbst nói.

Sergii Leshchenko, cố vấn cho chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky, trả lời phỏng vấn của NBC News rằng: "Ukraine sẵn sàng đàm phán nhưng đó phải là một cuộc đàm phán. Không phải tối hậu thư của Nga. Trong trường hợp này, Ukraine đã thể hiện ý chí đàm phán nhưng Nga thì không".

Hiện chưa rõ ông Trump sẽ đi xa đến đâu trong cuộc đối đầu với Nga về vấn đề Ukraine và liệu ông có sẵn sàng tăng cường viện trợ quân sự - bao gồm cả tên lửa tầm xa cho Kiev hay không.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tạm hoãn việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine vào tuần trước nhưng không rõ lý do chính xác là gì, một nguồn tin hiểu biết về vấn đề này cho hay. Các chuyến hàng đã được tiếp tục kể từ đó.

Việc tước vũ khí của Ukraine sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực chiến đấu của Kiev trong cuộc giao tranh với Nga. Khi được hỏi về việc tạm dừng hỗ trợ Ukraine, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng đã chỉ ra những bình luận của ông Trump về Ukraine trong lần xuất hiện tại Phòng Bầu dục hôm 3/2.

Tại đó, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông sẵn sàng viện trợ tài chính cho Ukraine để đổi lấy đất hiếm của nước này.

"Chúng tôi đang đổ vào đây hàng trăm tỷ USD. Ukraine có nguồn đất hiếm tuyệt vời. Tôi muốn đảm bảo an ninh cho nguồn đất hiếm và họ sẵn sàng làm điều đó", ông Trump nói.

Brian Hughes, Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết trong một tuyên bố: "Như Tổng thống Trump đã chia sẻ ngày hôm qua, Mỹ cần thu hồi bất kỳ khoản tiền nào đã chi cho viện trợ Ukraine. Các cuộc thảo luận vào cuối tuần tập trung vào cách tốt nhất để đảm bảo việc hoàn trả đó, song mốc thời gian cụ thể vẫn chưa được thiết lập".

Chia rẽ trong chính quyền ông Trump

Các cố vấn và thành viên trong Nội các của ông Trump đã chia rẽ về mức độ gây áp lực với các bên. Trong đó, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg muốn sử dụng ảnh hưởng của Mỹ để gây sức ép với Tổng thống Putin, các cựu quan chức Mỹ và Ukraine cùng 1 nguồn tin thân cận với chính quyền Kiev cho hay.

Những người khác ủng hộ việc cắt giảm hàng tỷ USD viện trợ mà Mỹ đã cấp cho Ukraine dưới thời chính quyền ông Biden như một cách để nhanh chóng để chấm dứt xung đột. Những người chỉ trích cách tiếp cận đó thì cho rằng, điều này chẳng khác nào buộc Ukraine đầu hàng Nga.

Trước khi trở thành Phó Tổng thống, Thượng nghị sĩ JD Vance là người hoài nghi sâu sắc khoản ngân sách chính quyền ông Biden cấp cho Ukraine.

"Tại sao lại chi 130 tỷ USD cho Ukraine khi chúng ta thậm chí còn không thể trả các hóa đơn của chính mình ở trong nước?", ông Vance nói trong một bài phát biểu. Ông cũng gọi chính phủ Ukraine là "tham nhũng nhất" ở châu Âu và có thể là trên toàn thế giới.

Ông Kellogg chia sẻ với NBC News trong một tuyên bố rằng: "Đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống đang thống nhất quan điểm".

"Khi cần thiết, Tổng thống sẽ sử dụng mọi đòn bẩy sức mạnh của Mỹ để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài trong 3 năm qua này", ông Kellogg nói.

Một người phát ngôn của ông Vance đã từ chối bình luận hôm 4/2 về lập trường của ông đối với việc viện trợ của Mỹ cho Ukraine.

Ông Trump đã nêu một số ý tưởng hỗ trợ Ukraine khi xung đột vẫn tiếp diễn. Trong một bài đăng trên mạng xã hội 2 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Trump cảnh báo ông sẽ áp thuế quan và trừng phạt các mặt hàng của Nga vào Mỹ cũng như các quốc gia khác nếu ông Putin không đàm phán chấm dứt xung đột.

Vấn đề chính của cách tiếp cận đó là trao đổi thương mại giữa Mỹ và Nga đã giảm mạnh, khiến thuế quan không còn là một biện pháp hiệu quả nữa. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, năm ngoái, Mỹ nhập khẩu khoảng 2,9 tỷ USD hàng hóa từ Nga. Ngược lại, năm 2021, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, con số này là gần 30 tỷ USD.

"Đó hoàn toàn là sự đánh lạc hướng", cựu quan chức an ninh quốc gia của chính quyền ông Biden cho hay khi nhận định về đe dọa áp thuế của ông Trump.

"Chúng tôi đã hoàn toàn tách rời nền kinh tế Mỹ với nền kinh tế Nga. Vì thế, khả năng gây tổn hại cho Nga bằng thuế quan là rất nhỏ", cựu quan chức này nói.

Một lựa chọn khác là ông Trump sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga thay vì tiền thuế của người dân Mỹ để tiếp tục bổ sung nguồn cung vũ khí cho Ukraine. William Taylor, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho biết 300 tỷ USD dự trữ của Nga đang nằm trong các ngân hàng châu Âu và Mỹ sẽ góp một khoản lớn trong việc hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Kiev.

"Những gì ông Trump có thể làm là gây sức ép buộc châu Âu tịch thu các khoản dự trữ đó và chuyển chúng vào tài khoản của Ukraine, đồng thời cho phép Kiev sử dụng số tiền đó để mua vũ khí từ Mỹ và tiếp tục điều hành chính phủ của họ", cựu Đại sứ Taylor cho biết. Theo ông: "Tổng thống Trump hiểu nền kinh tế Nga rất mong manh và dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt tiếp theo. Do đó, ông ấy biết mình có ảnh hưởng với ông Putin".

Những người ủng hộ Ukraine lo sợ ông Trump sẽ từ bỏ đất nước này khi trở lại nắm quyền. Trong cuộc tranh luận giữa ông Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm ngoái, ông Trump không nói liệu ông có muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột hay không. Nhưng giờ đây, khi ông Trump đã nhậm chức, một số người từng nghi ngờ ông sẽ trở thành một nhà trung gian hòa giải công bằng đã được khích lệ khi thấy, ít nhất là đội ngũ của ông sẽ không "bán đứng" Ukraine.

"Tôi nghĩ ông ấy đã bắt đầu nhận ra việc giải quyết vấn đề này khó khăn như thế nào và Nga sẽ không hành động mang tính xây dựng trừ khi chúng ta gây thêm áp lực. Một lý do khiến tuyên bố của ông Trump thay đổi là sự chuyển đổi từ nỗ lực vận động tranh cử sang vai trò quản lý", một quan chức Mỹ giấu tên tham gia vào chính sách Nga và Ukraine cho hay.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: NBC News

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-bat-ngo-doi-giong-va-nhung-chia-re-nham-cham-dut-xung-dot-ukraine-post1152960.vov