Ông Trump đang 'nắm đằng chuôi' trong thương chiến
Theo CNN, lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump nhằm chống lại Trung Quốc sẽ dẫn đến việc nền kinh tế của 'quốc gia tỷ dân' bị suy yếu.
Đây là một cuộc chiến lâu dài, và không có một thỏa thuận ‘nửa vời’ trong vấn đề này. Sẽ không chỉ vì động thái Trung Quốc quyết định mua nhiều nông sản của Mỹ như đậu nành và thịt lợn, mà khiến cho ông chủ Nhà Trắng thúc đẩy hai bên nhanh tiến tới bàn đàm phán. Chuyên gia James D.Schultz thuộc CNN cho rằng, đây là một nước đi hoàn toàn đúng đắn.
Những hành động thương mại không mang tính trung thực của Trung Quốc đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua, và đã trải qua rất nhiều đời Tổng thống Mỹ. Thay vì giống như những vị Tổng thống tiền nhiệm, ai đó cần đứng lên và chờ đợi nền kinh tế Trung Quốc dần dần tự ‘hụt hơi’. Và nay điều đó đã xảy ra, khi chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2019 của Trung Quốc đã ở mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đều do cuộc chiến thương mại của nước này với Mỹ, và cũng vì Trung Quốc đã từ bỏ bản thỏa thuận hồi tháng 5/2019.
Ông Peter Navarro, một trong những nhà đàm phán hàng đầu của ông Trump, nhận định rằng có bảy mục trọng tâm trong bản thỏa thuận trên đã chỉ ra những sai trái của Trung Quốc. Cụ thể Trung Quốc đã “thao túng tiền tệ, tấn công mạng, xuất khẩu thuốc giảm đau Fentanyl gây nghiện sang Mỹ, ăn cắp tài sản trí tuệ, bắt buộc chuyển giao công nghệ, bán phá giá sản phầm và trợ cấp cho các doanh nghiệp quốc doanh”.
Bản thỏa thuận thương mại hồi tháng 5 gần như đã hoàn thiện, nhưng sau đó Trung Quốc đã rút lại. Và giờ Trung Quốc sẽ buộc phải lựa chọn, nghĩa là họ có thể nhìn nền kinh tế của mình tiếp tục chống chọi, hoặc ký vào bản thỏa thuận đã được đưa ra. Và cho dù Bắc Kinh có muốn thừa nhận hay không, thì lựa chọn sau sẽ là tốt nhất hiện nay.
Ông Trump đã đoàn kết lại nước Mỹ, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, nhằm đấu lại Trung Quốc. Theo bản thăm dò ý kiến hồi tháng 8/2019 của Havard/CAPS Harris, có tới 67% người tiêu dùng Mỹ tin rằng việc đối đầu với Trung Quốc vì những chính sách thương mại bất công là cần thiết.
Ngoài ra, việc thông qua Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) sẽ là ưu tiên hiện nay của chính quyền Trump. Thỏa thuận thương mại mới này sẽ thay thế cho Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ trước đây, và sẽ dẫn tới việc thương mại công bằng hơn và tăng trưởng kinh tế cho Mỹ. Đồng thời, điều này sẽ làm những lời hứa hồi tranh cử năm 2016 của ông Trump trở thành hiện thực.
Hiệp định USMCA sẽ giúp người nông dân Mỹ buôn bán với Mexico và Canada, bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, điều này sẽ cung cấp các tiêu chuẩn thực thi mạnh mẽ và toàn diện nhất của bất kỳ hiệp định thương mại nào, và đây sẽ là thông điệp rõ ràng nhất gửi tới Trung Quốc.
“Bằng việc đưa khu vực Bắc Mỹ xích lại gần nhau, Hiệp định USMCA sẽ chỉ tăng cường cho Tổng thống sức mạnh nhằm buộc Trung Quốc phải chấm dứt những hành vi lạm dụng thương mại đã diễn ra trong nhiều năm qua”, CNN trích dẫn phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 24/9 cho biết.
Dĩ nhiên, việc đàm phán với Trung Quốc sẽ cần tới thời gian. Đã mất nhiều thập kỷ để một Tổng thống Mỹ quyết định rằng, những chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc đã tới lúc phải dừng lại, và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu Bắc Kinh cố cầm cự càng lâu càng tốt.
Thậm chí Trung Quốc sẽ cố hy vọng và chờ đợi về viễn cảnh ông Trump thua trong cuộc bầu cử năm 2020, và 'quốc gia tỷ dân' sẽ đạt được được một thỏa thuận với chính quyền Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là một canh bạc đầy rủi ro với Bắc Kinh.