Ông Trump hoãn thuế đối ứng, sẽ trực tiếp đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày lên các quốc gia và vùng lãnh thổ, trừ Trung Quốc.

Tối 9-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump thông báo tạm hoãn thực thi thuế đối ứng lên các quốc gia trên toàn cầu trong 90 ngày, trừ Trung Quốc, theo tờ The New York Times.

Ông Trump cho biết ông quyết định tạm hoãn là vì “hơn 75 quốc gia” đã liên hệ với các quan chức Mỹ để đàm phán về vấn đề mất cân bằng thương mại. Các cuộc đàm phán này sẽ tiếp tục trong thời gian tạm hoãn. Trong thời gian này, mức thuế đối ứng áp lên các nước sẽ là 10%.

Ông Trump cho biết ông nâng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125% và lệnh này "có hiệu lực ngay lập tức” do “sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc thể hiện đối với các thị trường toàn cầu”.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Nhà Trắng hôm 9-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Nhà Trắng hôm 9-4. Ảnh: GETTY IMAGES

Trước đó theo kế hoạhc, các mức thuế đối ứng của Tổng thống Trump với loạt quốc gia và vùng lãnh thổ có hiệu lực vào đúng 00 giờ 01 phút ngày 9-4 (giờ Mỹ, tức 11 giờ 01 phút trưa 9-4 theo giờ VN), theo đài CNN.

Đợt áp thuế đầu tiên với mức cơ bản 10% đã có hiệu lực từ cuối tuần trước. Đợt thứ hai áp lên 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có hiệu lực từ ngày 9-4.

Ông Trump sẽ đàm phán trực tiếp về thuế đối ứng

Phát biểu với phóng viên bên ngoài Nhà Trắng sau thông báo hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày, ông Trump cho biết ông có ý định thực hiện "thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người", theo CNN.

“Một thỏa thuận sẽ được thực hiện với Trung Quốc. Thỏa thuận đó sẽ được thực hiện với tất cả mọi người trong số họ, và đó sẽ là những thỏa thuận công bằng. Tôi chỉ muốn công bằng. Đó sẽ là những thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người" - ông Trump cho hay.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tìm cách mô tả động thái hoãn áp thuế đối ứng của ông Trump một chiến thắng và tín hiệu cho thấy năng lực đàm phán của tổng thống Mỹ.

"Không. Tổng thống Trump đã tạo ra đòn bẩy đàm phán tối đa cho chính mình. Chúng tôi vừa bị choáng ngợp vì phản ứng từ hầu hết các đồng minh của chúng tôi, những người muốn đến và đàm phán một cách thiện chí. Chúng tôi mong đợi họ sẽ đưa ra thỏa thuận tốt nhất của họ" - ông Bessent nói.

Khi được hỏi thêm về nguyên nhân dẫn đến việc tạm dừng áp thuế đối ứng và liệu biến động lớn của thị trường có tác động đến động thái này hay không, Bộ trưởng. Bessent cho rằng đó là kết quả trực tiếp của hơn 75 quốc gia đã đến Nhà Trắng để đàm phán và là chức năng của thời gian cần thiết để đạt được từng thỏa thuận.

“Đó chỉ là vấn đề xử lý. Mỗi giải pháp trong số này sẽ được thiết kế riêng. Sẽ mất một thời gian. Và Tổng thống Trump muốn đích thân tham gia, vì vậy đó là lý do tại sao chúng ta có lệnh tạm dừng trong 90 ngày” - ông Bessent nói thêm.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng cho biết động thái hoãn áp thuế của ông Trump là một chiến thuật đàm phán.

 Tàu chở hàng neo đậu tại cảng Jersey (bang New Jersey, Mỹ). Ảnh: AFP

Tàu chở hàng neo đậu tại cảng Jersey (bang New Jersey, Mỹ). Ảnh: AFP

Về đàm phán thuế đối ứng, phía Washington cho biết đã lên lịch đàm phán với các phái đoàn từ Hàn Quốc và Nhật, trong khi đó Thủ tướng Ý Giorgia Meloni dự kiến sẽ đến Mỹ vào tuần tới, theo đài CNN.

Ngày 8-4, chính quyền Tổng thống Trump tiết lộ đang xúc tiến một thỏa thuận năng lượng lớn với Nhật, Hàn Quốc và có thể cả Đài Loan, liên quan đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Alaska. Theo tờ Nikkei Asia, Washington dường như muốn nói rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho việc giảm thuế quan trong quan hệ thương mại song phương.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài CNBC, Bộ trưởng Scott Bessent cho biết Tổng thống Trump sẽ trực tiếp tham gia vào các vòng đàm phán nhằm xem xét điều chỉnh thuế quan dựa trên từng đối tác cụ thể. “Tôi cho rằng sẽ có nhiều trao đổi qua lại. Chẳng hạn, một thỏa thuận năng lượng lớn tại Alaska, với sự tham gia của Nhật, có thể cả Hàn Quốc và Đài Loan – họ sẽ mua phần lớn và tài trợ cho dự án này” - ông Bessent cho hay, đồng thời nhấn mạnh kết quả của các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào những gì các đối tác thương mại sẵn sàng đưa lên bàn.

Ngày 7-4, Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng EU sẽ phải cam kết mua 350 tỉ USD năng lượng của Mỹ để được miễn trừ khỏi mức thuế đối ứng, theo tờ Politico.

Vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” thuế quan

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung những ngày qua bước vào giai đoạn căng thẳng chưa từng có, khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không ngần ngại tung đòn thuế quan trả đũa.

“Châu Á đang phải gánh chịu phần lớn tác động từ việc Mỹ tăng thuế. Những đòn thuế này sẽ đẩy nhanh quá trình phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu. Thay vì vận hành dựa trên hiệu quả kinh tế, dòng vốn và thương mại sẽ ngày càng bị chuyển hướng dựa trên sự liên kết chính trị và các cân nhắc chiến lược”

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong

 Các đòn thuế quan ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc gây lo ngại đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới. Ảnh: GETTY IMAGES

Các đòn thuế quan ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc gây lo ngại đẩy cuộc chiến thương mại lên một nấc thang mới. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Trump hôm 2-4 tuyên bố áp mức thuế đối ứng 34% với hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 9-4. Bắc Kinh lập tức phản ứng dữ dội. Ngày 3-4 Trung Quốc cảnh báo sẽ trả đũa để “bảo vệ lợi ích cốt lõi” và đến ngày 4-4 nước này tuyên bố áp mức thuế tương tự 34% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Ngày 7-4, ông Trump tiếp tục gia tăng áp lực, cảnh báo sẽ áp thêm 50% thuế bổ sung nếu Trung Quốc không rút lại động thái áp thuế 34%, đồng thời tuyên bố hủy bỏ mọi cuộc đối thoại song phương nếu Bắc Kinh không thay đổi lập trường. Phía Trung Quốc tuyên bố sẽ không khuất phục trước bất kỳ sức ép nào từ Washington, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

Ngày 8-4, chính quyền ông Trump ra đòn mạnh tay, áp tổng cộng 104% thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (trong đó 34% thuế đối ứng ban đầu, 50% thuế bổ sung, 20% thuế trước đó), chính thức có hiệu lực từ ngày 9-4.

Ngày 9-4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo áp thuế đối ứng trả đũa 84% lên hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10-4, theo trang web của Bộ này (mof.gov.cn). Mức thuế đối ứng 84% Bắc Kinh vừa công bố bằng đúng mức 84% mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc đợt này.

Bộ Tài chính Trung Quốc chỉ trích hành động phía Mỹ là "sai lầm nối tiếp sai lầm, xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền lợi của Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, đe dọa sự ổn định của trật tự kinh tế toàn cầu". Bộ Thương mại Trung Quốc đưa thêm 12 thực thể Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và bổ sung 6 cái tên vào "danh sách không đáng tin cậy".

Trước đó cùng ngày 9-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cảnh báo nếu Washington tiếp tục theo đuổi cuộc chiến thuế quan, Bắc Kinh “sẽ chiến đấu đến cùng, theo tờ China Daily.

Giữa đêm 9-4 (giờ VN), ông Trump cho biết ông nâng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125% và lệnh này "có hiệu lực ngay lập tức”. Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng về động thái mới này.

Theo giới quan sát, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc và các động thái đáp trả từ phía Bắc Kinh sẽ khiến căng thẳng thương mại hai bên leo thang hơn. Diễn biến này khả năng sẽ tạo biến động lớn thị trường, gây ra làn sóng sa thải tại cả hai quốc gia, làm chậm tốc độ tăng trưởng của hai nước.

Về góc độ toàn cầu, vòng xoáy "ăn miếng trả miếng" thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất và nhì thế giới - sẽ tác động mạnh đến chuỗi cung ứng và kéo tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Các con số từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể mang đến hình dung rõ hơn về tác động: Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 43% quy mô nền kinh tế toàn cầu và gần 48% sản lượng sản xuất toàn cầu.

Theo chuyên gia Colin Grabow từ Viện nghiên cứu Cato (Mỹ), thiệt hại kinh tế có thể giảm nếu ông Trump thay đổi chính sách, nhưng "chắc chắn không thể khôi phục hoàn toàn".

Chứng khoán châu Á giảm mạnh sau khi thuế đối ứng có hiệu lực

Ngay sau khi mức thuế đối ứng mới của Mỹ chính thức có hiệu lực vào ngày 9-4, thị trường chứng khoán châu Á chứng kiến một đợt bán tháo dữ dội.

Chỉ số Nikkei của Nhật rơi hơn 5%, trong khi đồng yen tăng 1%. Theo đài CNBC, cổ phiếu tại Đài Loan cũng giảm 5,8% trong phiên giao dịch chiều 9-4.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm gần 2%. Thị trường Hong Kong cũng không thoát khỏi làn sóng hoảng loạn, với chỉ số Hang Seng giảm hơn 1,5%.

Trong nỗ lực kích thích tăng trưởng, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã hạ lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), còn 6%, ngay sau khi Mỹ bắt đầu áp dụng thuế đối ứng. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ hiện đang bị đánh thuế 26%.

Ngoài ra, cổ phiếu tại Úc biến động mạnh sáng 9-4, khiến hàng chục tỉ USD vốn hóa bị “bốc hơi” khỏi thị trường. Tình trạng bán tháo lan rộng sang cả New Zealand.

Tại Mỹ, kể từ khi ông Trump công bố danh sách các nước chịu thuế đối ứng hôm 2-4, hàng nghìn tỉ USD vốn hóa thị trường Mỹ đã bốc hơi. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã bốc hơi gần 6.000 tỉ USD giá trị chỉ trong 4 ngày, đánh dấu mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi chỉ số này ra đời vào những năm 1950.

Theo hãng tin Reuters, những đòn thuế mạnh tay này không những khiến thị trường chứng khoán toàn cầu khốn đốn mà còn làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu tồn tại suốt nhiều thập niên, gây lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Công ty tài chính JPMorgan mới đây tăng dự báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái lên 60% vào cuối năm 2025, nếu chính sách thuế của ông Trump được thực thi trọn vẹn.

DƯƠNG KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ong-trump-hoan-thue-doi-ung-se-truc-tiep-dam-phan-post843371.html