Ông Trump mang về 1.800 tỉ USD đầu tư sau 2 ngày công du Trung Đông?
Việc chọn Trung Đông làm điểm công du chính thức đầu tiên của nhiệm kỳ hai, ông Trump đang cho người dân trong nước thấy rằng ông có thể mang lại sự chuyển biến cho nền kinh tế - điều đã làm nền tảng cho chương trình 'Nước Mỹ trước tiên' của ông.
Theo các nhà quan sát, chỉ trong 2 ngày của chuyến công du Trung Đông, chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho chuyến đi này đã trở nên rõ ràng: tất cả đều xoay quanh việc kiếm tiền về cho nước Mỹ, theo kênh Channel News Asia.
Các thỏa thuận hàng trăm tỉ USD
Ngay sau khi đến thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 13-5, Tổng thống Trump đã đảm bảo được cam kết đầu tư 600 tỉ USD, bao gồm một thỏa thuận vũ khí khổng lồ trị giá 142 tỉ USD, từ Saudi Arabia.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế King Khalid (Saudi Arabia) ngày 13-5. Ảnh: WHITE HOUSE/X
Giống như nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên khi ông Trump thiết lập mối quan hệ nồng ấm với Saudi Arabia, nhà lãnh đạo Mỹ đã chọn vương quốc này cho chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên sau khi quay trở lại Nhà Trắng vào đầu năm nay.
GS Nader Hashemi của ĐH Georgetown (Mỹ) nhận định rằng có vẻ như tổng thống Mỹ hy vọng sẽ củng cố và phát triển hơn nữa những mối liên kết đó, chủ yếu là về kinh tế, trong nhiệm kỳ hai này.
Trong khi đó, bà Jessica Genauer - giảng viên cao cấp ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Flinders (Úc) - nhấn mạnh sự tập trung của Tổng thống Trump vào lợi ích kinh doanh và tài chính định hình nên chính sách đối ngoại của ông.
“Với việc tập trung vào các quốc gia vùng Vịnh… ông Trump đang cho người dân trong nước thấy rằng ông có thể mang lại sự chuyển biến cho nền kinh tế – điều đã làm nền tảng cho chương trình ‘Nước Mỹ trước tiên’ của ông” - bà Genauer nói.
Bà Genauer bổ sung rằng những khoản đầu tư nước ngoài như vậy cũng sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực mà ông Trump có thể đang phải đối mặt trong nước, xuất phát từ làn sóng áp thuế toàn cầu của ông – điều có thể đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ.
Sau chuyến thăm Saudi Arabia, ông Trump tiếp tục đến Doha (Qatar) - nơi ông được chào đón trên thảm đỏ với những chiếc Tesla Cybertruck màu đỏ và các đội lạc đà hộ tống.
Theo Nhà Trắng, các thỏa thuận được ông Trump và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani ký kết sẽ "tạo ra một cuộc trao đổi kinh tế trị giá ít nhất 1.200 tỉ USD". Trong số các thỏa thuận bao gồm 1 thỏa thuận trị giá 96 tỉ USD với Qatar Airways để mua tới 210 máy bay Boeing 787 Dreamliner và 777X với động cơ GE Aerospace, và 1 tuyên bố về ý định tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác an ninh, nêu rõ hơn 38 tỉ USD đầu tư tiềm năng bao gồm hỗ trợ chia sẻ gánh nặng tại Căn cứ Không quân Al Udeid và năng lực phòng thủ trong tương lai liên quan đến phòng không và an ninh hàng hải.
Giữa những hoạt động kinh doanh trong chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố sẽ dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Syria, nói rằng đã đến lúc đất nước Tây Á này cần tiến về phía trước.
“Mặc dù chuyến đi này chủ yếu xoay quanh các thỏa thuận tài chính và khía cạnh kinh tế, nhưng đồng thời, Tổng thống Trump cũng ý thức được rằng ông cần phải đưa ra một nhượng bộ mang tính địa chính trị cho các đối tác vùng Vịnh để thể hiện thiện chí và củng cố mối quan hệ đó - bà Genauer bình luận.
Israel không nằm trong điểm đến của ông Trump
Tổng thống Trump không lên lịch dừng chân tại Israel trong chuyến công du Trung Đông, khiến nhiều người đặt câu hỏi về vị trí của đồng minh thân cận này trong thứ tự ưu tiên của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa (phải) và Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed bin Salman. Ảnh: WHITE HOUSE/X
GS Hashemi lưu ý rằng mặc dù quyết định này có vẻ là một sự lạnh nhạt, nhưng Mỹ và Israel “đồng thuận” với nhau về hầu hết các vấn đề lớn. Ông Hashemi cho rằng ông Trump khó có khả năng trừng phạt Israel hoặc sử dụng quyền phủ quyết của Mỹ tại Liên Hợp Quốc để ngăn chặn các hành động của nước này ở Gaza.
“Mối quan hệ vẫn rất bền chặt, nhưng ông Trump nhận ra rằng ông không muốn bị kéo vào một cuộc chiến Trung Đông” - GS Hashemi cho hay.
Còn bà Genauer cho rằng mặc dù ông Trump có mối quan hệ cá nhân với Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu, nhưng tổng thống Mỹ biết cách chơi bài của mình.
“Trong trường hợp này, ông Trump biết rằng việc đến Saudi Arabia, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất… sẽ không tạo được hình ảnh tốt nếu ông làm điều đó ngay sau chuyến thăm Israel” - bà Genauer nói.
“Toàn bộ cách tiếp cận của ông Trump đối với địa chính trị… là về nước Mỹ trước tiên – loại chiến thắng kinh tế nào mà Mỹ có thể đạt được… (và cũng là) cách tiếp cận Trump trước tiên” - giảng viên này nói thêm.