Ông Trump nói Ukraine 'nuốt lời' và những rạn nứt bên trong thỏa thuận khoáng sản

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang 'cố gắng rút lui' khỏi thỏa thuận khoáng sản trong khi những điều khoản trong thỏa thuận này vẫn chưa được Washington và Kiev hoàn toàn nhất trí.

Mỹ cáo buộc Ukraine “nuốt lời” và phản ứng của Kiev

Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang "cố gắng rút lui" khỏi thỏa thuận khoáng sản dự kiến sẽ được hai nước nhất trí sớm nhất là vào tuần này, đồng thời cho biết nhà lãnh đạo Ukraine sẽ phải đối mặt với "vấn đề lớn" nếu ông không ký thỏa thuận. Tuy nhiên, Ukraine nhấn mạnh, các điều kiện của thỏa thuận đã thay đổi đáng kể trong những ngày gần đây.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

"Tôi thấy ông ấy đang cố gắng rút lui khỏi thỏa thuận đất hiếm. Và nếu ông ấy làm vậy, ông ấy sẽ gặp một số vấn đề. Những vấn đề rất lớn", ông Trump nói với báo giới, đồng thời cho biết: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận về đất hiếm và bây giờ ông ấy nói, 'các bạn biết đấy, tôi muốn đàm phán lại thỏa thuận".

"Ông ấy muốn trở thành thành viên NATO. Ông ấy sẽ không bao giờ trở thành thành viên NATO. Ông ấy hiểu điều đó. Vì vậy, nếu ông ấy muốn đàm phán lại thỏa thuận, ông ấy sẽ gặp vấn đề lớn", ông Trump nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky nói với các phóng viên vào tối 1/4 tại Kiev rằng, "tư cách thành viên NATO không phải là một phần của thỏa thuận này và chưa bao giờ là như vậy", đồng thời nói thêm rằng Ukraine "sẵn sàng ngừng bắn vô điều kiện".

Tuần trước, ông Zelensky cũng cho biết, các điều kiện của thỏa thuận đang được đàm phán "liên tục thay đổi" nhưng nhìn chung, Ukraine có cảm giác tích cực đối với một thỏa thuận trong tương lai.

Theo Bộ ngoại giao Ukraine, Kiev đã nhận được bản dự thảo mới của văn bản vào 28/3. Đề xuất mới được CNN xem do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra và vượt xa bản dự thảo ban đầu, đặc biệt là về các quyền lợi của Mỹ trong tương lai và việc hoàn trả cho các khoản hỗ trợ trước đây.

Ngày 1/4, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết họ đã tổ chức một vòng tham vấn về phiên bản mới và cả hai bên đang nỗ lực "để đạt được một văn bản có thể chấp nhận được cho việc ký kết".

Tổng thống Ukraine cho biết hôm 27/3 rằng hai nước đã nhất trí về một "thỏa thuận khung" và sau đó một thỏa thuận đầy đủ sẽ được đưa ra sau đó, bao gồm nhiều nghiên cứu và phê chuẩn hơn tại Quốc hội Ukraine. Tuy nhiên, sau đó, phía Mỹ đã thay đổi lập trường để đưa ra "một thỏa thuận đầy đủ ngay lập tức", ông Zelensky nói.

"Còn quá sớm để nói về một thỏa thuận đã được thay đổi nhiều lần. Nhưng tôi không muốn Mỹ có cảm giác rằng Ukraine phản đối thỏa thuận nói chung. Chúng tôi đã liên tục thể hiện những tín hiệu tích cực của mình. Chúng tôi ủng hộ hợp tác với Mỹ", ông Zelensky nói.

Một thỏa thuận khoáng sản ban đầu đã không được ký kết sau cuộc họp gây tranh cãi tại Phòng Bầu dục giữa ông Trump với ông Zelensky vào tháng 2. Tuy nhiên, nó đã được khôi phục dưới hình thức đề xuất mới, cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn với các khoáng sản đất hiếm của Ukraine, 2 nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận và dự thảo đề xuất cho hay.

Tuy nhiên, thỏa thuận này không có những nội dung liên quan đến một trong những ưu tiên của Ukraine, đó là các đảm bảo an ninh cụ thể trong cuộc xung đột với Nga. Các nguồn tin cho biết, thỏa thuận sẽ được áp dụng cho tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu khí trên toàn Ukraine.

Những khác biệt bên trong thỏa thuận khoáng sản Ukraine

Một phần quan trọng của đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp Ukraine đóng góp vào quỹ đầu tư chung giữa Mỹ và Ukraine sẽ được giám sát bởi một hội đồng gồm 5 người, bao gồm 3 thành viên từ Washington và 2 thành viên từ Kiev, gây ra lo ngại rằng Ukraine sẽ nhượng quyền kiểm soát toàn diện các tài sản quan trọng cho Mỹ.

Bản dự thảo mà CNN có được nêu rõ rằng khoản viện trợ trước đây của Mỹ cho Ukraine sẽ được "coi là đóng góp" vào quỹ đối tác - điều mà Kiev tuyên bố sẽ không đồng ý, vì điều đó tức là Ukraine sẽ không được hưởng lợi từ bất kỳ khoản doanh thu nào cho đến khi Mỹ thu hồi được toàn bộ số tiền viện trợ.

Thỏa thuận được đề xuất sẽ trao cho Mỹ "quyền chào hàng đầu tiên" cho tất cả các dự án tài nguyên thiên nhiên và dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trong tương lai. Thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản nêu rõ, Ukraine phải nỗ lực ngăn chặn việc bán các khoáng sản quan trọng cho bất kỳ bên mua nào mà Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ xác định là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" của Washington.

Chính quyền ông Trump đã lập luận rằng thỏa thuận khoáng sản tiềm năng sẽ là lý do chính khiến Mỹ tiếp tục đầu tư vào Ukraine khi Washington theo đuổi mục tiêu chấm dứt xung đột. Ông Trump cũng đề cập đến thỏa thuận khoáng sản đất hiếm như một cách để Mỹ được bồi thường cho khoản viện trợ và hỗ trợ quân sự được gửi tới Ukraine.

“Thỏa thuận khoáng sản mang đến cho Ukraine cơ hội hình thành mối quan hệ kinh tế lâu dài với Mỹ. Đây là nền tảng cho an ninh và hòa bình lâu dài. Nó sẽ củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta và mang lại lợi ích cho cả hai bên”, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia James Hewitt nói với CNN, đồng thời khẳng định: "Thỏa thuận này sẽ giúp Ukraine thịnh vượng và phản ánh cam kết trước đây cũng như hiện tại của Mỹ với Ukraine".

Trong khi đó, Washington và Moscow cũng đã bắt đầu các cuộc đàm phán liên quan đến hợp tác về kim loại đất hiếm và các dự án khác tại Nga. Điện Kremlin cho biết hôm 31/3 rằng chưa có văn bản nào được ký kết, nhưng có sự quan tâm đến việc hợp tác.

Động thái này diễn ra khi ông Trump tiếp tục thúc đẩy chấm dứt xung đột, bày tỏ sự thất vọng công khai với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tuần trước.

"Tôi đã rất tức giận khi ông Putin bắt đầu nói về uy tín của ông Zelensky bởi vì điều đó không đúng chỗ", ông Trump nói với NBC News trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ám chỉ đến bình luận của nhà lãnh đạo Nga về việc Ukraine nên được đặt dưới một "chính quyền tạm thời" trong khi hai quốc gia hướng tới một lệnh ngừng bắn.

Theo ông Trump: "Lãnh đạo mới tức là bạn sẽ không có một thỏa thuận trong một thời gian dài đúng không. Tôi rất tức giận về điều đó. Nếu không đạt được thỏa thuận và nếu tôi nghĩ đó là lỗi của Nga thì tôi sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp với Nga".

Khi được hỏi vào 30/3 trên Không lực Một rằng liệu có thời hạn chót để Tổng thống Putin đồng ý với một thỏa thuận hay không, ông Trump trả lời: "Đó là thời hạn chót về mặt tâm lý. Nếu tôi nghĩ họ đang lợi dụng chúng ta, tôi sẽ không vui về điều đó".

Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan, người đã có chuyến thăm bất ngờ tới Florida vào cuối tuần để gặp ông Trump và chơi golf với ông cho biết, ông đã nói với người đồng cấp Mỹ rằng nên đặt ra hạn chót.

Sau cuộc họp của hai nhà lãnh đạo tại Florida, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói với các phóng viên rằng sự kiên nhẫn của ông Trump với Nga sắp cạn kiệt.

“Ngày 20/4 sẽ là thời điểm tốt để ngừng bắn hoàn toàn mà không có bất kỳ điều kiện nào… Bởi vì cần phải có thời hạn, vì đây là lễ Phục sinh và vì Tổng thống Donald Trump sẽ tại nhiệm được 3 tháng”, ông Stubb cho hay.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ong-trump-noi-ukraine-nuot-loi-va-nhung-ran-nut-ben-trong-thoa-thuan-khoang-san-post1188967.vov