Thế giới dậy sóng và phản ứng trước loạt thuế mới của Mỹ
Các nước đồng loạt phản ứng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mới, đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu lên cao.
Các chính phủ trên toàn cầu đang phản ứng mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, kèm theo thuế quan tương hỗ đối với các mặt hàng bị xem là có rào cản cao đối với hàng Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong sự kiện "Làm nước Mỹ giàu có trở lại" tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào ngày 2/4. Ảnh: Nhà Trắng
Ngày 3/4, Trung Quốc kêu gọi Mỹ lập tức hủy bỏ các mức thuế mới và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích quốc gia. Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích chính quyền ông Trump phớt lờ những thành quả đạt được qua các cuộc đàm phán thương mại đa phương và khẳng định Mỹ từ lâu đã hưởng lợi từ thương mại quốc tế.
Bộ này nhấn mạnh: "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền lợi của mình".
Trước đó hôm 2/4, ông Trump tuyên bố mức thuế bổ sung 34% đối với Trung Quốc, ngoài mức 20% đã áp từ đầu năm, nâng tổng mức thuế lên 54%.
Nhật Bản
Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto gọi mức thuế này là "cực kỳ đáng tiếc" và khẳng định Tokyo sẽ yêu cầu Washington miễn trừ. Nhật Bản hiện đối mặt với mức thuế tương hỗ 24%.
Hàn Quốc
Quyền Tổng thống Han Duck-soo đã chỉ thị triển khai biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành ô tô, sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Hàn Quốc.
Thủ tướng Mark Carney khẳng định Canada sẽ "đáp trả mạnh mẽ" bằng các biện pháp đối phó.
Hàng hóa từ Canada và Mexico vẫn không bị áp thuế tương hỗ do thuế fentanyl 25% trước đó của ông Trump vẫn còn hiệu lực. Ngoài ra, thuế 10% đối với năng lượng và kali của Canada cũng tiếp tục áp dụng. Các sản phẩm tuân thủ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) vẫn được miễn thuế vô thời hạn.
Mexico
Tổng thống Claudia Sheinbaum tuyên bố Mexico sẽ không đáp trả bằng thuế quan mà thay vào đó công bố một "chương trình toàn diện" vào ngày 3/4.
Úc
Thủ tướng Anthony Albanese khẳng định Úc sẽ đàm phán với Mỹ để xóa bỏ thuế quan mà không cần sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.
Ông cũng bác bỏ ý tưởng áp dụng thuế tương hỗ vì cho rằng điều đó sẽ làm tăng giá cả sinh hoạt tại Úc. "Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc chạy đua xuống đáy, dẫn đến giá cả tăng cao và tăng trưởng chậm lại", ông nói.
Liên minh châu Âu (EU)
Ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, tuyên bố EU sẽ phản ứng bằng "các biện pháp hợp pháp, chính đáng, tương xứng và quyết đoán". Ông hy vọng phản ứng mạnh mẽ từ EU sẽ buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Bộ trưởng Thương mại Ireland Simon Harris khẳng định EU sẽ có biện pháp bảo vệ công dân, lao động và doanh nghiệp của mình. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Bồ Đào Nha Pedros Reis kêu gọi một phản ứng "kiên quyết nhưng thông minh".
Chính phủ Brazil, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, cho biết họ đang xem xét "mọi hành động có thể" để đảm bảo tính công bằng trong thương mại song phương, bao gồm việc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cùng ngày, Quốc hội Brazil thông qua dự luật thiết lập khung pháp lý cho phép nước này thực hiện các biện pháp đối phó, bao gồm thuế quan, đối với các hành động thương mại đơn phương nhắm vào hàng hóa và dịch vụ của Brazil.