Ông Trump tặng 'quà đặc biệt' để xoa dịu thất bại của đồng minh Israel
Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner mới đây đã tặng cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một món quà hết sức thú vị, sau khi lãnh đạo Israel hứng chịu một 'đòn đau' về chính trị trong tuần này.
Trong lúc con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến thăm tới Jerusalem để thúc đẩy kế hoạch hòa bình Trung Đông của mình, Kushner đã tặng cho ông Netanyahu một tấm bản đồ mô tả vùng lãnh thổ bị sáp nhập của Cao nguyên Golan như một phần của đất nước Israel.
Tổng thống Trump đã ký tên dưới tấm bản đồ này và viết chữ "Nice" (tuyệt) cùng với một mũi tên chỉ vào vùng lãnh thổ tranh chấp - mà Israel đã chiếm của Syria vào năm 1967.
Ông Netanyahu cầm trên tay tấm bản đồ mà có chữ ký của ông Trump (Ảnh: Business Insider)
Hồi tháng 3 năm nay, ông Trump đã đi ngược lại chính sách mà Mỹ áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua và bất chấp cộng đồng quốc tế khi ra quyết định công nhận Cao nguyên Golan là một phần lãnh thổ của Israel. Quyết định được đưa ra chỉ vài tuần trước khi kỳ bầu cử ở Israel được tổ chức. Trong kỳ bầu cử đó, đảng Likud cầm quyền của ông Netanyahu giành được 35 trên tổng số 120 ghế trong Quốc hội (Knesset) và giành được thêm nhiệm kỳ thứ năm.
Thế nhưng, đến hôm thứ Tư vừa qua, các nhà lập pháp Israel đã tổ chức bỏ phiếu và nhất trí giải tán Quốc hội để tổ chức một kỳ bầu cử mới, sau khi ông Netanyahu không thể thành lập một Chính phủ liên minh mới. Đây được coi là thất bại đầy cay đắng của ông bởi lần đầu tiên trong lịch sử Israel lại có một vị Thủ tướng không thể thành lập một liên minh.
Tuần làm việc đầy khó khăn của ông Netanyahu cũng gây ra rắc rối cho việc thúc đẩy kế hoạch hòa bình Trung Đông của chính quyền Trump, một kế hoạch mà ông Kushner dẫn đầu. Thủ tướng Israel là một đồng minh quan trọng của ông Trump và đóng vai trò tối quan trọng trong chính sách về Trung Đông của Mỹ.
Thế nhưng giờ đây, tương lai của ông Netanyahu đang rất bất định khi các cuộc bầu cử sớm dự kiến được tổ chức vào tháng 9 năm nay.
Được biết, kế hoạch hòa bình Trung Đông của ông Kushner bị xem là trống rỗng và không tập trung vào giải pháp hai nhà nước - vốn là mục tiêu của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua nhằm chấm dứt xung đột Palestine - Israel. Thay vào đó, ông Kushner lại tập trung vào phát triển kinh tế ở Palestine, và hướng tiếp cận của ông đến nay đã đối mặt với sự phản đối của nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực - trong đó có Jordan.