Ông Trump từng dọa áp thuế ô tô châu Âu vì vấn đề Iran
Lời đe dọa của ông Trump bị giới chức châu Âu so sánh như một vụ 'tống tiền', và một lần nữa khoét sâu vào rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Ngày 16-1, báo The Washington Post cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa sẽ áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ châu Âu nếu bộ ba Anh - Pháp - Đức (nhóm E3) không chính thức tuyên bố Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (JCPOA).
Tổng thống Mỹ đã gửi các thông điệp đến trực tiếp các nước Anh, Pháp, Đức mà không thông qua đại sứ quán, đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu từ châu Âu nếu nhóm E3 không ủng hộ quan điểm của Mỹ trong vấn đề hạt nhân của Iran.
Hãng thông tấn Tasnim trong cùng ngày 16-1 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã xác nhận thông tin về lời đe dọa của ông Trump là có thật.
Mỹ và châu Âu là các đồng minh truyền thống nhưng có quan điểm khác nhau về cơ chế giải quyết bất đồng này. Washington coi đây là điều kiện để áp đặt trừng phạt lên Iran sau 65 ngày kể từ ngày cơ chế được kích hoạt, còn nhóm E3 coi đây là cơ hội cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận.
Ông Jemery Shapiro, một chuyên gia Mỹ chuyên về các vấn đề châu Âu, mô tả “đe dọa thuế quan là một chiến thuật giống như mafia và đó không phải là cách thức vận hành đặc trưng của mối quan hệ giữa các đồng minh”.
Một quan chức Mỹ nói với tờ The Washington Post rằng người Mỹ biết châu Âu đã đưa ra quyết định lên án Iran và kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng trước khi Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa.
“Sự đồng thuận ở châu Âu liên quan đến yêu cầu giữ Tehran ở lại thỏa thuận JCPOA đã có từ vài tuần trước, được thúc đẩy bởi các hành vi leo thang căng thẳng và sự vi phạm thỏa thuận hạt nhân của Iran”, quan chức này cho biết.
Trong khi đó, các quan chức châu Âu chỉ trích cách ông Trump đe dọa chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Họ coi lời đe dọa của ông Trump giống như một vụ “tống tiền” và điều này một lần nữa khoét sâu vào rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Bất bình trước cách hành xử của ông Trump, châu Âu đã cân nhắc đến khả năng rút lại kế hoạch kích hoạt cơ chế giải quyết bất đồng vì lo sợ sẽ bị coi là “cấp dưới” của Mỹ nếu thông tin này rò rỉ ra ngoài.
Tuy nhiên đến cuối cùng, vì “không muốn tỏ ra yếu đuối” trước Iran, họ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch ban đầu và giữ bí mật về lời đe dọa này, một quan chức châu Âu cho biết.
Ngày 14-1, nhóm E3 đã nhất trí triển khai cơ chế giải quyết bất đồng được quy định trong JCPOA, mở đường điều tra việc việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hay không.
Dù vậy, ba nước này tuyên bố sẽ không tham gia chiến dịch của Tổng thống Trump “gây áp lực tối đa” với Iran. Theo các quốc gia này, động thái của ông Trump khiến Iran không được hưởng lợi từ việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, khiến nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo này càng thêm khó khăn.