Ông Trump tuyên bố sốc trong chuyến đi đầu tiên của nhiệm kỳ
Trong chuyến đi đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump bất ngờ đe dọa xóa bỏ FEMA. Thực tế tổng thống Mỹ không có thẩm quyền đóng cửa FEMA, điều này đòi hỏi phải có Quốc hội thông qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/1 đã nói tới việc đóng cửa Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA), cho rằng các tiểu bang có thể làm tốt hơn trong việc tự ứng phó với thảm họa.
"Khi gặp phải thảm họa như vậy, tôi nghĩ bạn muốn hành động, cho dù đó là thống đốc đảng Dân chủ hay Cộng hòa, bạn đều muốn tiểu bang của mình tự giải quyết vấn đề", ông Trump phát biểu tại Asheville, Bắc Carolina, nơi bị tàn phá nặng nề trong cơn bão Helene năm ngoái.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ đề xuất FEMA nên biến mất và chúng ta sẽ chi trả trực tiếp - chúng ta chi trả 1% đó cho tiểu bang", ông Trump nói thêm. "Tiểu bang nên tự xử lý vấn đề".
Theo New York Times, ông Trump không có thẩm quyền đóng cửa FEMA, một quyết định như vậy đòi hỏi phải có hành động của Quốc hội. Theo truyền thống, các nhà lập pháp từ cả hai đảng đều ủng hộ FEMA, thừa nhận rằng các quận hoặc tiểu bang của họ có thể cần sự giúp đỡ của cơ quan này bất cứ lúc nào.
FEMA đang quá tải
Tổng thống Trump đã mô tả không chuẩn xác vai trò của FEMA, đó là chỉ hỗ trợ các quan chức tiểu bang và địa phương nếu các quan chức đó không thể tự ứng phó với thảm họa và chỉ theo yêu cầu của thống đốc.
Pete Gaynor, người điều hành FEMA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng công tác ứng phó thảm họa được "thực hiện tại địa phương, do tiểu bang quản lý và được liên bang hỗ trợ". Ông nêu rõ cơ quan này là lực lượng dự phòng chứ không phải là lực lượng ứng phó đầu tiên.
Những tuyên bố của ông Trump tại Bắc Carolina lặp lại những bình luận mà ông đưa ra vào tối 22/1 trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News, rằng "FEMA đang cản trở mọi thứ".
Đề cập đến Oklahoma, ông nói: "Nếu họ bị lốc xoáy hay thứ gì đó tấn công, hãy để Oklahoma giải quyết. Bạn không cần can thiệp - và sau đó chính phủ liên bang có thể giúp họ bằng tiền".
Những bình luận của ông Trump khiến nhân viên của FEMA "cảm thấy bị phản bội và sợ hãi", một nhân viên cho biết với điều kiện giấu tên.
"Nhân viên của chúng tôi đã ở đó vì người dân Mỹ hết lần này đến lần khác", nhân viên này bày tỏ. "Chúng tôi vốn đã phải vật lộn với vấn đề công việc quá tải tại cơ quan này trong khi tuyên bố và cuộc phỏng vấn đó chỉ đẩy cao hơn những suy đoán như vậy".
Project 2025 (tạm dịch: Dự án 2025), bản kế hoạch cho chính quyền Cộng hòa do Heritage Foundation lập ra, kêu gọi đảo ngược gánh nặng tài chính ứng phó với các thảm họa nhỏ để 75% do các tiểu bang gánh chịu và phần còn lại do chính quyền liên bang gánh chịu. Russell Vought, kiến trúc sư trưởng của Dự án 2025, được ông Trump chọn để điều hành Văn phòng Quản lý và Ngân sách, nơi ông sẽ định hình đáng kể ngân sách liên bang.
Heritage Foundation là tổ chức tư vấn đứng sau đề xuất tái cấu trúc chính phủ liên bang nếu đảng Cộng hòa chiến thắng.
Cần cải cách
Giới chức trách quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang thừa nhận rằng cần phải có một số cải cách và FEMA đang quá tải.
"Câu hỏi thực sự là làm thế nào để chia sẻ những gánh nặng đó ở mọi cấp chính quyền", Daniel Kaniewski, viên chức cấp cao thứ hai tại FEMA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và hiện là giám đốc điều hành tại Marsh McLennan, một công ty tư vấn, nêu vấn đề.
Bốn nhà quản lý trước của FEMA - hai người do đảng Dân chủ bổ nhiệm và hai người do ông Trump bổ nhiệm - cũng chung quan đểm đó, kêu gọi các tiểu bang hành động nhiều hơn. Nhưng nhìn chung, các tiểu bang muốn được giúp đỡ nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Ông Trump có thể buộc các tiểu bang phải đảm nhận vai trò lớn hơn.
"Những động thái nhỏ không làm thay đổi kết quả", Roy Wright, người từng giữ các chức vụ cấp cao tại FEMA trong nhiệm kỳ của ông Obama và nhiệm kỳ Trump đầu tiên, nhận định. "Chúng ta cần một cách tiếp cận khác", ông lập luận.
Những tranh luận này diễn ra trong bối cảnh các thảm họa thời tiết khắc nghiệt đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu và ông Trump đã hủy bỏ một số chính sách được thiết kế để giúp Mỹ phục hồi tốt hơn trước các cú sốc về khí hậu.
Tổng thống đã bổ nhiệm Cameron Hamilton, một cựu lính SEAL của Hải quân và cựu giám đốc dịch vụ y tế khẩn cấp tại Bộ An ninh Nội địa, người cũng từng xuất hiện trên Fox News với tư cách là một nhà phân tích quân sự, làm quản lý tạm quyền của FEMA.
Không giống như các lãnh đạo FEMA trước đây, ông Hamilton dường như không có kinh nghiệm quản lý các phản ứng đối với các cơn bão, cháy rừng hoặc các thảm họa khác trên diện rộng.
Phần về thảm họa trong Dự án 2025 do ông Ken Cuccinelli chấp bút. Nhân vật này là phó thư ký tạm quyền của cơ quan chịu trách nhiệm về FEMA trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Ngoài việc chuyển nhiều chi phí hơn cho các tiểu bang đối với các thảm họa nhỏ, bản kế hoạch còn kêu gọi một "khoản khấu trừ" thảm họa - giảm viện trợ liên bang cho các tiểu bang không bảo vệ được cộng đồng trước các thảm họa. Ông Cuccinelli viết rằng sự thay đổi đó sẽ thúc đẩy các tiểu bang "chủ động hơn trong công tác tự chuẩn bị".
Ý tưởng về khoản khấu trừ thiên tai trước đây từng được chính quyền ông Obama đề xuất. Craig Fugate, lãnh đạo FEMA vào thời điểm đó, lập luận rằng các tiểu bang cần có động lực tài chính để áp dụng các quy định xây dựng chặt chẽ hơn, hạn chế xây dựng ở các khu vực có nguy cơ cao và giảm thiểu rủi ro do bão, cháy rừng và các thảm họa khác.
"Chúng tôi không thấy có sự thay đổi nào trong hành vi", ông Fugate nói với Bloomberg News vào năm 2016. "Phải có một cơ chế cưỡng chế".
Tuy nhiên, các tiểu bang đã phản đối ý tưởng về chi phí cao hơn và sau cùng ý tưởng này đã tiêu tan.
Gian nan
Sau khi ông Trump nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2017, lãnh đạo FEMA của ông, Brock Long, đã đề xuất điều chỉnh số tiền viện trợ thiên tai của liên bang mà các tiểu bang có thể nhận được, dựa trên việc có thực hiện các bước như tăng cường các quy định xây dựng hay chưa. Ông Long cũng cho rằng nguồn tài trợ của FEMA nên được thay thế bằng "khoản tài trợ theo khối" - cung cấp cho các tiểu bang một phần chi phí ứng phó và tái thiết sau thảm họa. Điều đó sẽ cho phép các thống đốc "kiểm soát tốt hơn các nguồn lực và nỗ lực phục hồi để đáp ứng các nhu cầu riêng biệt của cộng đồng", ông Long cho biết trong một tuyên bố vào ngày 23/1.
Pete Gaynor, người kế nhiệm ông Long tại FEMA vào năm 2019, cho biết thách thức khi chuyển giao trách nhiệm cho các tiểu bang là khả năng ứng phó với thảm họa của mỗi tiểu bang khác nhau.
Ông Gaynor cho hay chỉ có khoảng một chục tiểu bang, chẳng hạn như Florida, Texas và California, có đủ nhân viên và kinh nghiệm cần thiết để quản lý các thảm họa lớn.
Tuy nhiên, ông cho rằng các khoản tài trợ theo khối có thể giúp giảm chi phí. Thay vì chi trả cho việc phục hồi sau thảm họa đôi khi có thể kéo dài hàng thập kỷ, FEMA sẽ ước tính chi phí phục hồi và gửi tiền cho tiểu bang.
Ông Gaynor đánh giá nếu một tiểu bang xây dựng lại với chi phí thấp hơn, họ có thể đầu tư số tiền chênh lệch vào các biện pháp bảo vệ chống lại các thảm họa trong tương lai, chẳng hạn như xây dựng tường chắn biển hoặc nâng cao các tòa nhà. Nếu chi phí vượt quá ước tính ban đầu, tiểu bang sẽ phải trả thêm chi phí.
Lynn Budd, chủ tịch Hiệp hội Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia, đại diện cho các giám đốc quản lý tình trạng khẩn cấp của tiểu bang, cho biết một số tiểu bang sẽ tiếp nhận các khoản tài trợ theo khối.
Bà Budd, giám đốc Văn phòng An ninh Nội địa và Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Wyoming, nhận định: "Đó là một ý tưởng hấp dẫn".
Bà nêu ra rằng Wyoming, do dân số ít và tương đối ít thảm họa, không có đủ tiền để thuê một số lượng lớn nhân viên để quản lý thảm họa. Nhưng Deanne Criswell, người điều hành FEMA dưới thời chính quyền ông Biden, cho biết bà lo ngại rằng các tiểu bang không có chuyên môn hoặc nguồn lực để xử lý quá trình phục hồi sẽ không thể tái thiết, khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa tiếp theo.