Ngành tái chế bước vào kỷ nguyên mới

Ngành tái chế, từ một ngành công nghiệp manh mún, tự phát và lạc hậu, đang dần tái định hình, khẳng định vị thế trong kỷ nguyên mới.

Tái chế nhựa mềm tại nhà máy của Nhựa tái chế Lam Trân. Ảnh: LT

Tái chế nhựa mềm tại nhà máy của Nhựa tái chế Lam Trân. Ảnh: LT

Buổi chiều cuối năm, bên cạnh một cửa hàng tiện lợi, cô ve chai đang bới đống rác được vun thành đống để nhặt ra vài chiếc chai nhựa, lon nước nhôm hoặc bất cứ thứ phế liệu nào có thể bán được ra tiền.

Hàng vạn, hàng triệu chai nhựa, lon nhôm mà người tiêu dùng tiện tay vứt bỏ sau khi sử dụng, tiếp tục một hành trình mới, kể từ khi “rơi vào tay” người đồng nát, ve chai. Chúng được tập kết về những vựa phế liệu và chuyển về các làng nghề tài chế. Tại làng nghề, người ta phân loại phế liệu, rửa sạch trước khi đưa vào dây chuyền tái chế.

Hàng nghìn mô hình người thu gom đồng nát, ve chai – vựa phế liệu – làng nghề tái chế trên khắp đất nước đã hình thành một ngành công nghiệp đồ sộ, cung cấp sinh kế cho hàng triệu lao động phổ thông, giải quyết một lượng không nhỏ rác thải rắn thải ra môi trường.

Ngành công nghiệp ấy, vẫn được công chúng hình dung bằng sự manh mún, lạc hậu, bằng những núi rác khổng lồ, dòng nước thải hôi thối hay làn khói đen kịt từ những ống xả cũ kỹ. Ngành công nghiệp không ít lần bị điểm tên, chỉ mặt là nguyên nhân gây ô nhiễm thứ cấp, bị công chúng, truyền thông lên án, đòi dẹp bỏ.

Tái định hình

Cách nơi người phụ nữ đang thu lượm phế liệu chừng vài km, một khóa tập huấn đang được tổ chức, với người tham gia là chị em đồng nát, ve chai. Họ bỏ một buổi sáng hành nghề để được đào tạo về kỹ năng phòng cháy chữa cháy áp dụng cho nơi ở hoặc các vựa tập kết phế liệu.

Công ty CP VietCycle, đơn vị tổ chức khóa tập huấn, đã có không ít năm đồng hành với lực lượng thu gom rác thải phi chính thức. Gọi đồng nát, ve chai là những “chiến binh xanh”, VietCycle tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng an toàn để cộng đồng này tự tin với nghề, nâng cao thu nhập và điều kiện sống.

Hỗ trợ những người ve chai, đồng nát là bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn hướng đến tái chế đạt chuẩn của VietCycle. Được đào tạo, cung cấp kỹ năng, trang thiết bị lao động, được quan tâm và đóng bảo hiểm xã hội, mạng lưới ve chai của VietCycle có thể thu gom, phân loại kỹ, triệt để hơn các loại phế liệu, bao gồm cả những phế liệu có giá trị thấp như vỏ bao nylon.

Những người đồng nát, ve chai - "chiến binh xanh" trong mạng lưới của VietCycle. Ảnh: VCC

Những người đồng nát, ve chai - "chiến binh xanh" trong mạng lưới của VietCycle. Ảnh: VCC

Thông qua một thỏa thuận hợp tác với Unilever, một phần phế liệu thu gom được thông qua hệ sinh thái của VietCycle sẽ được tái chế tại Công ty CP Thương mại và dịch vụ Nhất Hoàng Gia, nhà tái chế đạt chuẩn được liệt kê trong danh sách do Bộ Tài nguyên và môi trường công bố.

Bên cạnh việc tham gia vào những hệ sinh thái như của VietCycle, người hành nghề ve chai có thể thu mua phế liệu từ các hộ gia đình thông qua một số ứng dụng thu gom rác trên điện thoại thông minh.

VECA là một ứng dụng cung cấp giải pháp như vậy, miễn phí cho cả người mua và người bán. Người có phế liệu muốn bán có thể “đặt” người đến thu mua tận nơi thông qua ứng dụng VECA, với giá cả được niêm yết công khai, minh bạch.

Qua đó, phế liệu được đến đúng nơi cần đến, người đồng nát, ve chai cũng tiết kiệm công sức, không cần phải đi rong cả ngày để tìm kiếm phế liệu.

Tại TP.HCM, một chương trình hợp tác giữa VECA và Coca-Cola Việt Nam đã đưa những chai nhựa PET phế liệu tới nhà máy của Công ty CP Nhựa tái chế DUYTAN (DTR). Tại đây, những chai nhựa được đưa vào dây chuyền bottle to bottle nhập khẩu từ châu Âu, tạo ra hạt nhựa rPET có chất lượng tương đương.

Nhiều mối hợp tác, mối quan hệ cộng sinh giữa nhà sản xuất, nhà thu gom và nhà tái chế như vậy đã và đang được triển khai, dần định hình hệ sinh thái tái chế bài bản. Trong hệ sinh thái đang được tái định hình này, tái chế đạt chuẩn chất lượng, không còn gây ô nhiễm thứ cấp, người thu gom cũng ngày càng chuyên nghiệp, được đảm bảo quyền lợi, được nhìn nhận đúng với giá trị họ đang đóng góp cho xã hội.

Ngành tái chế hiện đại

Nhà máy rộng 65 nghìn ha tại KCN Đức Hòa, tỉnh Long An là nơi DTR xử lý hơn 90 tấn phế liệu nhựa mỗi ngày. Khoảng một nửa số phế liệu này được đưa trở về hạt nhựa nguyên sinh đạt chất lượng cao, có thể dùng cho thực phẩm, được DTR bán cho nhiều nhãn hàng lớn trong nước hoặc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu.

Phân loại chai nhựa trước khi đưa vào dây chuyền tái chế tại DTR. Ảnh: DTR

Phân loại chai nhựa trước khi đưa vào dây chuyền tái chế tại DTR. Ảnh: DTR

Công nghệ cao là lời giải cho bài toán tái chế đạt chất lượng cao của DTR. Doanh nghiệp này cũng là nhà tái chế đầu tiên tại Việt Nam nhận được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao của Bộ Khoa học và công nghệ, mở ra chương mới cho ngành tái chế, rũ bỏ cái bóng lạc hậu, tự phát để trở thành một ngành công nghiệp tiên tiến, hiện đại, đóng vai trò then chốt cho nền kinh tế tuần hoàn.

Tập trung vào công nghệ và giải pháp hiện đại cũng là lựa chọn của Nhựa tái chế Lam Trân. Chuyên tái chế nhựa mềm, thứ phế liệu có giá trị thấp do khối lượng nhỏ và dễ bị nhiễm bẩn, theo ông Phan Đăng Bảo, Trưởng phòng hợp tác và phát triển bền vững của Lam Trân, “làm bài bản ngay từ đầu” là con đường duy nhất.

Thị trường tiêu thụ chính của Lam Trân, tính đến hiện tại, là các thị trường như Mỹ, châu Âu. Nói cách khác, những phế liệu có giá trị kém, qua bàn tay thu gom, phân loại thủ công, qua dây chuyền tái chế hiện đại, đang dược tiêu thụ tại những thị trường tiên tiến, với tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu thế giới.

Bên cạnh vật liệu nhựa, nhiều sản phẩm tái chế của Việt Nam cũng dần tạo được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, trong đó có sản phẩm dệt may tái chế của Công ty CP Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công (TCM).

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT TCM, cho biết, quần áo tái chế của doanh nghiệp này để xuất khẩu sang các thị trường lớn đòi hỏi không chỉ chất lượng mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối.

Bằng cách đáp ứng những tiêu chuẩn đó, ngành tái chế tạo dựng được năng lực cạnh tranh mới, trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nganh-tai-che-buoc-vao-ky-nguyen-moi-d38895.html