Ông Trump và ông Putin bỏ qua hòa đàm ở Istanbul: Tổng thống Ukraine có tham dự?
Giữa bối cảnh cả ông Trump và ông Putin đều không tham dự cuộc hòa đàm ở Istanbul, hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Zelensky có tham dự cuộc gặp hay không bởi trong tuyên bố hôm 13/5, ông nhấn mạnh sẽ không xem xét gặp bất kỳ đại diện nào khác của Nga vì 'mọi thứ đều phụ thuộc vào Tổng thống Putin'.
Ông Trump và ông Putin bỏ qua hòa đàm ở Istanbul
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự vòng đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Moscow và Kiev vào thứ Năm (15/5) mà nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine trong 3 năm qua. Thay vào đó, Điện Kremlin sẽ cử một nhóm chuyên gia đàm phán giàu kinh nghiệm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Moscow đã công bố thành phần chính thức của phái đoàn tham dự đàm phán với Ukraine, theo đó người đứng đầu phái đoàn sẽ là ông Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Nga và cũng là nhân vật được coi là kiến trúc sư chính cho chiến lược tuyên truyền của Điện Kremlin. Thành phần phái đoàn còn bao gồm: Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Nga (GRU) Igor Kostyukov và Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin. Việc lựa chọn các quan chức cấp cao có kinh nghiệm trong cả ngoại giao, quân sự và tình báo được xem là tín hiệu cho thấy Moscow muốn kiểm soát chặt chẽ nội dung và phạm vi của vòng đàm phán lần này.
Trước đó, hôm 11/5, ông Putin đã đề xuất tổ chức đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào thứ Năm (15/5) “mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào".
Sau thông báo từ phía Nga, một quan chức Mỹ xác nhận rằng ông Trump sẽ không tham dự dù trước đó vài ngày, ông từng nói đang cân nhắc chuyến đi này.
Mặc dù ông Putin chưa từng xác nhận sẽ tham gia trực tiếp, việc cả hai Tổng thống Nga và Mỹ đều vắng mặt đã làm giảm kỳ vọng vào một đột phá lớn trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua ở Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó đã thách thức ông Putin hãy tới bàn đàm phán “nếu không sợ" như một cách thể hiện với ông Trump ai mới là người thực sự mong muốn hòa bình. Một quan chức Ukraine xác nhận ông Zelensky đang trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố chỉ tham gia đàm phán nếu ông Putin có mặt.
Ông Trump đã kêu gọi hai bên ký kết lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày nhằm tạm dừng cuộc xung đột lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Một nghị sĩ Nga hôm 14/5 cho biết các cuộc đàm phán cũng có thể bao gồm việc trao đổi tù binh quy mô lớn.
Ông Zelensky ủng hộ việc thực hiện ngay lập tức một lệnh ngừng bắn 30 ngày, trong khi ông Putin lại cho rằng cần phải bắt đầu bằng một cuộc đàm phán để thảo luận các điều kiện cho lệnh ngừng bắn đó.
Liệu Tổng thống Zelensky có tham dự?
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Volodymyr Zelensky có tham dự cuộc gặp hay không bởi trong tuyên bố hôm 13/5, ông nhấn mạnh rằng sẽ không xem xét gặp bất kỳ đại diện nào khác của Nga vì “mọi thứ đều phụ thuộc vào Tổng thống Putin".
“Tôi đã nói rõ rằng vào ngày 15/5, tôi sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẵn sàng gặp ông Putin. Việc kết thúc xung đột chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp với ông ấy", Tổng thống Zelensky phát biểu trong một cuộc họp báo. Ông cũng cho biết, Kiev sẽ quyết định các bước đi tiếp theo trong cuộc hòa đàm với Nga dựa trên thành phần đàm phán của Moscow.
Ngày 14/5, Washington Post dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết, các quan chức Mỹ và châu Âu đã thuyết phục Tổng thống Zelensky tham dự cuộc đàm phán hòa bình sắp tới tại Istanbul, bất chấp việc Nga né tránh công bố danh sách đại diện.
Khi Moscow liên tục trì hoãn công bố thông tin, ông Zelensky đã chuẩn bị hủy việc Ukraine tham gia đàm phán, các nhà ngoại giao chia sẻ với Washington Post. “Ông Zelensky lúc đó không thấy có lý do gì để tiếp tục chuyến đi”, một nhà ngoại giao cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức châu Âu và Mỹ, bao gồm Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff đã thuyết phục ông Zelensky rằng việc tham dự sẽ mang lại lợi thế truyền thông và ngoại giao cho Ukraine. Lập luận được đưa ra là, nếu Ukraine có mặt còn Nga thì không, Moscow sẽ bị xem là không nghiêm túc với tiến trình hòa bình, còn nếu cả hai cùng tham dự, đây sẽ là cơ hội đạt được một thỏa thuận ngừng bắn thực chất.
“Tôi đang chờ xem ai sẽ đại diện cho phía Nga, rồi sau đó sẽ quyết định bước đi phù hợp của Ukraine. Cho đến giờ, những tín hiệu từ họ trên truyền thông vẫn chưa thuyết phục", ông Zelensky nói.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm hội đàm và tái khẳng định cam kết của Ukraine đối với tiến trình đàm phán trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tại thành phố cảng Antalya.
Ông Rubio, ông Witkoff và Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg sẽ đại diện Mỹ tham gia cuộc gặp trong khi Tổng thống Donald Trump sẽ không tham dự.
Sự không chắc chắn xoay quanh cuộc đàm phán ở Istanbul cũng gây khó khăn cho các nỗ lực điều phối lệnh trừng phạt chống Nga, các quan chức chia sẻ với Washington Post.
Ukraine, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan ban đầu từng cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn nếu Nga không chấp nhận đề xuất ngừng bắn vô điều kiện. Ông Trump cũng tuyên bố Mỹ sẽ tham gia lệnh trừng phạt chung đó nhưng khi ông Putin từ chối lệnh ngừng bắn và thay vào đó đề xuất đối thoại trực tiếp, ông Trump lại kêu gọi Ukraine tham gia đàm phán.
“Chúng tôi có sự phối hợp với phía Mỹ về trừng phạt và đã có những tín hiệu tích cực. Nhưng cuối cùng, mọi thứ vẫn phụ thuộc vào tình hình của ngày hôm đó", một quan chức châu Âu nhận định.
Nga và Ukraine hiện đang có lập trường quá khác biệt, đến mức không rõ nếu các cuộc đàm phán diễn ra, thì nội dung thực chất sẽ là gì.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 13/5 tuyên bố rằng bất kỳ kết quả nào khác ngoài một thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện đều sẽ bị coi là thất bại. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không loại trừ khả năng trong quá trình đàm phán có thể đạt được một lệnh ngừng bắn mới, nhưng mục tiêu chính của các cuộc đối thoại là giải quyết “những nguyên nhân gốc rễ” của xung đột.