Ông Trump vẫn còn nhiều vũ khí để thúc đẩy đàm phán Nga-Ukraine
Tối 19/5 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ, tập trung vào các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc trao đổi này được mô tả là 'tích cực' và 'xây dựng', mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng đáng kể.
Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga-Mỹ vừa diễn ra có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ngay trước phiên điện đàm, cả Nga và Mỹ đều đánh giá cao nỗ lực của Tổng thống Trump. Phía Nga cho biết, cuộc điện đàm dựa trên kết quả đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ là rất quan trọng. Trong khi giới chức Mỹ cũng nhận định điện đàm sẽ thành công và có thể giúp giải quyết “một số bế tắc”.
Sau điện đàm, lãnh đạo Mỹ và Nga đều đưa ra các tuyên bố tích cực, trong đó khẳng định Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn và quan trọng hơn là chấm dứt chiến tranh. Mặc dù chưa rõ kết quả các phiên đàm phán sắp tới như thế nào nhưng rõ ràng với sự tham gia trực tiếp của Tổng thống Trump, tiến trình đàm phán đã có những chuyển động nhất định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT
Một dấu hiệu nữa cũng cho thấy vai trò của ông Trump khi cả Nga, Ukraine và châu Âu đều đang nỗ lực vận động tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ đối với các thỏa thuận tiềm tàng. Đặc biệt, Nga và Ukraine hiện đang nỗ lực chứng minh bên kia mới là trở ngại thực sự cho hòa bình, với hy vọng thay đổi quan điểm của ông Trump theo hướng có lợi cho mình, ít nhất là trong một thời gian.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định, điện đàm Mỹ-Nga chưa tạo được điểm đột phá khi không đạt được thỏa thuận về lệnh ngừng bắn, trong khi tuyên bố của ông Trump “hai bên ngay lập tức bắt đầu đàm phán” cũng không có nhiều giá trị khi Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong thời gian qua. Nhiều khả năng chỉ khi nào Tổng thống Trump có thể tổ chức hội đàm trực tiếp với lãnh đạo Nga thì mới có thể đạt được các kết quả cụ thể, nhìn thấy được trong tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Những “vũ khí” giúp ông Trump thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình
Cho đến thời điểm này thì Tổng thống Trump vẫn còn khá nhiều vũ khí để có thể gây sức ép đối với cả Nga và Ukraine và vấn đề quan trọng là vũ khí nào sẽ được lựa chọn và mức độ áp dụng như thế nào. Trong đó, có lẽ đòn bẩy thông qua đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc ngừng ủng hộ vẫn có sức nặng lớn nhất.
Theo giới chức Mỹ, hiện nước này đã chuẩn bị các phương án để gia tăng áp lực kinh tế lên Nga, ví dụ như hạn chế xuất khẩu năng lượng và ngăn chặn doanh thu từ dầu mỏ. Khoảng hơn 70 nghị sỹ cũng bày tỏ ủng hộ một dự luật mới, với các biện pháp trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn, áp thuế tới 500% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước mua dầu, sản phẩm dầu mỏ, khí đốt hoặc urani của Nga.
Tuy nhiên, ông Trump dường như không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Về phía Ukraine, Tổng thống Trump có thể tạm ngừng viện trợ quân sự, ngừng chia sẻ thông tin tình báo, như đã từng diễn ra trước đây.
Bên cạnh đe dọa, công cụ thương mại cũng được sử dụng khi Mỹ cho rằng nếu hai bên có thể đàm phán chấm dứt xung đột thì sẽ có lợi ích kinh tế to lớn. Sau điện đàm với Tổng thống Nga, ông Trump tuyên bố, Nga muốn có các thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Mỹ sau khi xung đột chấm dứt. Ukraine có thể là một bên hưởng lợi lớn về thương mại, trong quá trình tái thiết đất nước. Cách tiếp cận này có thể chưa mang lại kết quả cụ thể vì Nga dường như đang ưu tiên các mục tiêu địa chính trị, mở rộng ảnh hưởng tại Ukraine và các khu vực khác.
Một vũ khí nữa cũng được ông Trump nhắc đến, đó là khả năng Mỹ sẽ từ bỏ vai trò trung gian đàm phán, đứng ngoài xung đột Nga-Ukraine. Đây cũng chính là động thái mà cả Tổng thống Trump và nhiều quan chức Mỹ như Phó Tổng thống Vance hoặc Ngoại trưởng Rubio đề cập đến trước thềm cuộc điện đàm với Nga vừa diễn ra.
Nếu Mỹ chấm dứt vai trò trung gian, đàm phán hòa bình Nga-Ukraine nhiều khả năng sẽ đổ vỡ, xung đột leo thang và có thể lan rộng ra châu Âu đẩy bất ổn khu vực gia tăng.