Ông Trump xới tung mọi thứ để tạo nên trật tự thế giới mới?
Tổng thống Donald Trump đã thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của Washington chỉ trong 4 tuần ngắn ngủi, khiến Mỹ không còn là đồng minh đáng tin cậy đối với nhiều quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Viện Sáng kiến Đầu tư Tương lai ở Miami Beach, ngày 19/2. (Ảnh: AP)
Tốc độ choáng váng
Nhóm quan chức hàng đầu của Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ với Nga trong cuộc đàm phán tại Ả-rập Xê-út vừa qua, khiến các đồng minh châu Âu sửng sốt. Ngay sau đó, ông Trump gọi Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky là “độc tài”, trong khi tiếp tục giữ khoảng cách với châu Âu trong tiến trình đàm phán với Nga.
Ông đã đình chỉ hoạt động của cơ quan viện trợ hàng đầu của Mỹ ở các nước đang phát triển, nơi Trung Quốc muốn tạo chỗ đứng. Kế hoạch của ông Trump nhằm tiếp quản Dải Gaza và di dời người Palestine khỏi vùng đất này đã xóa bỏ nỗ lực của Washington trong nhiều thập kỷ nhằm làm trung gian cho giải pháp hai nhà nước.
Và kế hoạch tăng thuế quan của ông báo hiệu dấu chấm hết cho thời đại toàn cầu hóa mà Mỹ từng đi đầu. Không ai nghĩ ông Trump sẽ xử lý các vấn đề toàn cầu như những người tiền nhiệm của mình, nhưng cũng ít ai ngờ ông lại hành động nhanh chóng như vậy để định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ ra khỏi con đường mà nước này đã đi theo kể từ năm 1945, Wall Street Journal viết trong bài đăng ngày 19/2.
Kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, hệ thống liên minh do Mỹ dẫn dắt đã tạo nên sức mạnh và vai trò của Mỹ trên toàn cầu. Bằng cam kết bảo vệ các đồng minh ở châu Âu, Trung Đông và châu Á, Mỹ đảm nhận vai trò bảo lãnh cho thương mại tự do và ổn định toàn cầu, một nhiệm vụ trước đây là để chống lại Liên Xô và gần đây để cạnh tranh với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump có quan điểm khác: Các đồng minh lấy của Mỹ nhiều hơn những gì họ cho đi. Thay vì dựa vào quân đội và chiếc ô hạt nhân của Mỹ để giữ an ninh, các quốc gia khác nên chi nhiều hơn cho quân đội của họ và đền đáp Mỹ bằng kinh tế để nhận được sự bảo vệ. Quan điểm của ông Trump dựa trên tư duy về giao dịch, thắng - thua về chính sách đối ngoại.
Một số ý kiến ủng hộ cách làm này.
“Không phải Tổng thống Trump đang từ bỏ trật tự hậu Thế chiến II, mà là chúng ta không còn ở thời kỳ hậu Thế chiến II nữa và chúng ta phải chấp nhận rằng bối cảnh địa - chính trị đã thay đổi".
Victoria Coates - phó chủ tịch phụ trách an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản
Tiếp nối những gì đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã bổ sung thêm một số yếu tố mới vào chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ 2: Kế hoạch mở rộng biên giới của Mỹ và đơn phương sáp nhập lãnh thổ ở nước ngoài.
Trước khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã nói đến chuyện đòi lại kênh đào Panama, giành lấy đảo Greenland từ Đan Mạch và biến Canada thành bang thứ 51. Khi ông nhắc lại sau khi nhậm chức, những ý tưởng có vẻ xa vời trở thành điều có thể xảy ra, đồng thời gửi đi tín hiệu mới tới các quốc gia trên toàn thế giới.
“Sẽ rất khó để đảo ngược những gì đang được thực hiện trong chính sách đối ngoại của Mỹ hoặc thuyết phục các đồng minh rằng điều này sẽ không bao giờ lặp lại. Sự tin tưởng và có thể đoán trước của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng”, Richard Haass, chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là cựu quan chức cấp cao trong các chính quyền Cộng hòa, nhận xét.
Tuần trước, ông Trump đồng ý đàm phán với Nga, chấm dứt giai đoạn Nga bị phương Tây cô lập.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth sau đó cho biết, tiến trình đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không bao gồm việc đưa Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mang lại chiến thắng cho Mátxcơva ngay cả khi tiến trình đàm phán chưa bắt đầu.
Ông Hegseth sau đó đã sửa lời, nhấn mạnh rằng mọi lựa chọn vẫn ở trên bàn, nhưng các đồng minh của Mỹ ngay lập tức cảm thấy Washington dưới thời ông Trump không quan tâm nhiều đến sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich tuần trước, Phó Tổng thống JD Vance chỉ trích các đồng minh châu Âu vì những gì ông cho là phá hoại nền dân chủ.
Các chính phủ châu Âu yêu cầu được tham gia vào bàn đàm phán Ukraine - Nga, nhưng Mỹ nói rằng họ không thể tham dự dù quan điểm của châu Âu vẫn được xem xét.
“Những gì đang xảy ra là tạo nên thách thức nghiêm trọng đối với nền tảng của trật tự thế giới hậu Thế chiến II. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng về tương lai của đất nước này và thế giới này như bây giờ”, Chuck Hagel, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và là bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Obama, đánh giá.
Khoảng cách xuyên Đại Tây Dương ngày càng rộng hơn.
Ngày 18/2, sau khi cuộc đàm phán Mỹ - Nga diễn ra tại Ả-rập xê-út kết thúc, ông Trump nói rằng Kiev là bên gây ra cuộc xung đột.
Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đang nhắc lại quan điểm của Điện Kremlin. Ông Trump đáp trả bằng cách gọi ông Zelensky là "lãnh đạo độc tài không qua bầu cử".

Cuộc đàm phán Nga - Mỹ diễn ra tại Ả-rập Xê-út ngày 18/2. (Ảnh: RFM)
Những khoảng trống
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Brian Hughes cho biết: "Sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã tạo ra cơ hội đàm phán đầu tiên sau nhiều năm và ông ấy đã làm được điều này chỉ sau 4 tuần nhậm chức. Ông ấy không bỏ sót bất kỳ điều gì liên quan đến việc tìm ra giải pháp hòa bình cho Ukraine - điều mà chính quyền trước đã thất bại thảm hại".
Justin Logan, giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, cho rằng đã đến lúc Mỹ hành động theo cách buộc châu Âu phải tự lo nhiều hơn.
"Tổng thống Trump đang thực hiện tầm nhìn của người Mỹ từ thời Dwight Eisenhower - người đã bày tỏ lo ngại từ năm 1959 rằng thái độ thờ ơ của châu Âu đối với an ninh của chính mình đang biến 'Chú Sam' thành 'Chú ngốc'", ông nói.
Lập trường của Mỹ về đối ngoại đã thay đổi từ trước khi diễn ra cuộc đàm phán với Nga.
Trong những tuần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Trump đã đình chỉ hoạt động của USAID, đóng băng hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài cho các chương trình điều trị AIDS, theo dõi đại dịch và cung cấp dịch vụ chăm sóc bà mẹ.
Hàng loạt chương trình từ Mỹ Latinh đến châu Phi và châu Á đã phải dừng, làm xói mòn nhiều năm xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Mỹ và các đối tác của mình tại nhiều khu vực đang phát triển.
Đảng Dân chủ và các nhân viên cứu trợ nước ngoài cho rằng cách này chỉ có lợi cho đối thủ của Mỹ ở những nơi mà Mỹ đã bỏ rơi.
Trung Quốc nói với các nhà lãnh đạo ở Nepal rằng Bắc Kinh sẵn sàng lấp vào khoảng trống tài trợ ở quốc gia này mà USAID để lại.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận xét: "Nó để lại một khoảng trống mà Trung Quốc, Nga và các đối thủ của chúng ta sẽ lấp đầy".
Trong khi đó, các quan chức chính quyền Trump cho biết cách tiếp cận của tổng thống đã mang lại những chiến thắng ban đầu. Việc nói về giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama đã khiến tổng thống Panama từ bỏ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Tây bán cầu.
Và mặc dù đưa ra đề xuất di dời người Palestine khỏi Dải Gaza để Mỹ tái thiết, ông Trump vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc họp mà các quan chức chính quyền cho biết đang hiệu quả với các nhà lãnh đạo Trung Đông, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Vua Abdullah II của Jordan.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người chỉ trích Tổng thống Trump đều cho rằng ông đang thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ một cách không thể đảo ngược.
John Bolton - cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu và là người đã quay lưng lại với ông chủ cũ của mình, cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ đương nhiệm “không có đủ hệ tư tưởng mạch lạc để phá hủy trật tự toàn cầu”.