Ông Văng Viên Thông, sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế Repeet: Chọn lối hẹp để đi đường dài

Với sự điều hành của ông Văng Viên Thông, Công ty cổ phần Thương mại Nam Anh đầu tư mạnh cho việc phát triển thương hiệu thời trang tái chế Repeet và có nền tảng để tiến những bước xa hơn.

Ông Văng Viên Thông, sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế Repeet

Ông Văng Viên Thông, sáng lập thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế Repeet

Thời trang từ vật liệu tái chế

Thời gian gần đây, Repeet, thương hiệu thời trang “Made in Vietnam” khá nổi trên thị trường nội địa. Repeet đặc biệt ở chỗ toàn bộ nguyên liệu sản xuất các sản phẩm quần, áo, khăn tắm, bít tất, phụ kiện… đều được làm từ vật liệu tái chế.

“Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, chúng tôi sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam”, ông Văng Viên Thông, CEO Công ty cổ phần Thương mại Nam Anh, sáng lập thương hiệu Repeet chia sẻ.

Dù ra mắt chưa lâu, nhưng Repeet đã bước đầu xây dựng được chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ…

Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,9 triệu tấn nhựa các loại, nhưng chỉ 1,28 triệu tấn (chiếm 33%) trong số này được thu gom và tái chế. Với khả năng nghiên cứu, phát triển và sử dụng công nghệ, Công ty Nam Anh đã cùng các đối tác xử lý được rác thải nhựa thành nguyên liệu cho ngành may mặc.

Công ty Nam Anh được ông Thông thành lập năm 2006, với lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là cung ứng sợi, vải và sản phẩm may mặc, thế mạnh là nghiên cứu và phát triển về sợi, vải, cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu.

Bước tiến mới xuất hiện vào năm 2019, Công ty Nam Anh hợp tác với Itochu, một “ông lớn” trong ngành dệt may Nhật Bản. “Chúng tôi là nhà phân phối sợi tại thị trường Việt Nam cho Itochu. Đây là loại sợi được Itochu sản xuất từ quần áo polyester cũ thành sợi polyster mới”, ông Thông cho biết.

Được biết, doanh nhân Văng Viên Thông sinh năm 1975 tại An Giang, tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Trường đại học Cần Thơ. Trước khi mở Công ty Nam Anh, ông từng có 15 năm làm việc cho doanh nghiệp 100% vốn của Malaysia, chuyên sản xuất sợi nhân tạo tại TP.HCM, nên có nhiều kinh nghiệm về phát triển nguyên liệu.

Đặc biệt, việc các tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn cho tái chế nguyên liệu và thời trang bền vững đã thôi thúc ông Thông phải làm điều gì đó để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển ngành thời trang xanh theo xu hướng mà các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật Bản hướng tới.

Thương hiệu thời trang bền vững Repeet được ông Thông sáng lập năm 2021 với suy nghĩ như thế. Liên tiếp những năm gần đây, Công ty Nam Anh đã cụ thể hóa ý tưởng theo đuổi thời trang bền vững bắt đầu bằng việc hợp tác với một nhà máy của Hà Lan đang đầu tư sản xuất hàng may mặc nguyên liệu tái chế tại TP.HCM.

“Điểm đặc biệt của doanh nghiệp này là sở hữu công nghệ nhuộm độc đáo - nhuộm vải không dùng nước”, ông Thông kể.

Chọn đi đường hẹp

Trong bối cảnh thời trang nhanh và giá rẻ vẫn chiếm ưu thế, việc sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất sản phẩm thời trang bền vững Repeet như cách Công ty Nam Anh lựa chọn là lối đi hẹp, không dễ tiếp cận thị trường và nhiều khó khăn bởi chi phí làm sản phẩm bền vững thường cao hơn.

“Đối với Công ty Nam Anh và thương hiệu Repeet, việc xanh hóa sản xuất không chỉ là xu hướng, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội”, ông Thông bày tỏ.

Do những yêu cầu ngày càng khắt khe từ các nhà mua hàng về thời trang bền vững, dù sớm hay muộn, các nhà cung ứng đều phải đi theo huớng này. Nhiều thị trường lớn, điển hình là EU, đã đưa ra yêu cầu về thời trang bền vững, xanh hóa, có thể tái chế… với các nhà cung ứng, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp muốn đi đường dài, trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thì thay đổi là điều bắt buộc. Bắt nhịp xu hướng Net Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, Repeet đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, giảm rác thải nhựa xả ra môi trường, tối ưu việc tiêu thụ nước trong sản xuất dệt may.

Trong 10 năm làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, thấy được nhu cầu về thời trang bền vững gia tăng hàng năm, tôi có thêm nguồn cảm hứng để khai thác nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế rác thải từ nhựa đang gia tăng từng ngày tại Việt Nam.

- Doanh nhân Văng Viên Thông

Là doanh nghiệp kinh doanh, đặt mục tiêu lớn về hiệu quả hoạt động, Công ty Nam Anh luôn hướng đến việc tạo nên một chuỗi cung ứng kiểm soát chặt chẽ được từng khâu, về nguyên liệu, từ sợi, nghiên cứu phát triển về vải đến may mặc và thương hiệu. Ở vai trò nào, ông Thông cũng mong muốn làm hết mình, làm tốt nhất có thể.

“Khi không nắm vững về vật liệu, thì tính cạnh tranh sẽ yếu hơn, nên cách đi của Công ty Nam Anh là làm thật chắc từ những viên gạch đầu tiên. Chúng tôi luôn tập trung ý tưởng trong từng khâu phát triển sợi, vải, cập nhật những công nghệ mới để đưa đến các sản phẩm mới nhất cho khách hàng”, ông Thông nói.

Chọn đi đường hẹp, nhưng ông Thông thừa nhận mình may mắn, bởi có duyên làm việc với những tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm và tận dụng được mối quan hệ tốt đẹp nhằm tạo đà cho sự phát triển của doanh nghiệp sau này. “Thật ra ý tưởng lập doanh nghiệp là do sếp cũ của tôi gợi ý”, ông Thông kể.

Ngay sau khi thành lập Công ty Nam Anh, ông còn được lãnh đạo công ty cũ giới thiệu cho một nhóm khách hàng Nhật. Ông đã lựa thời cơ để học hỏi và tận dụng được nhiều cơ hội quý giá, từ khâu sản xuất, đến phát triển tệp khách hàng, nhờ vào sự giới thiệu và ủng hộ của những đồng nghiệp cũ.

Đó cũng là lý do Công ty Nam Anh là nhà nghiên cứu, phát triển và sản xuất sợi, vải, nhưng không đầu tư nhà máy sản xuất. Chính các doanh nghiệp mà ông Thông từng có thời gian gắn bó, làm việc và hợp tác đang là đối tác sản xuất vải cho Công ty.

Chắc chân với vai trò là nhà nghiên cứu, phát triển, sản xuất vải và là nhà phân phối tại Việt Nam của các đối tác nước ngoài, Công ty Nam Anh có cơ hội đầu tư mạnh trở lại cho việc phát triển thương hiệu thời trang tái chế Repeet và có nền tảng để tiến những bước xa hơn.

Tham vọng đường dài

Những ngày cuối năm 2024, cả Công ty Nam Anh chạy đua nước rút cho những kế hoạch của năm 2025 và xa hơn nữa. Với tham vọng dài hơi, xây dựng những thương hiệu thời trang Việt Nam không chỉ tại thị trường nội địa, mà cả ở nhiều thị trường nước ngoài, ông Thông đã mở xong văn phòng đại diện tại Hàn Quốc và tương lai gần là Nhật Bản.

Ông Thông nói, với vai trò là nhà xuất khẩu hàng may mặc, việc mở văn phòng đại diện giúp doanh nghiệp tiếp cận được các thương hiệu và nhà cung cấp Hàn Quốc. Còn ở vai của nhà cung cấp vải, văn phòng đại diện sẽ giúp Công ty Nam Anh đến gần hơn các nhà mua hàng nước này để thấu hiểu, qua đó giới thiệu danh mục vải tới họ.

“Việt Nam là điểm dừng chân của các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may nước này đều đã hiện diện tại Việt Nam. Công ty Nam Anh mong sẽ là một phần trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này”, ông Thông kỳ vọng.

Cùng với đó, Công ty Nam Anh sẽ tiếp tục cho ra đời một thương hiệu thời trang làm từ nguyên liệu tái chế cho những người trẻ Việt Nam, dự kiến ra mắt vào tháng 6/2025, bên cạnh một thương hiệu sản xuất theo nhượng quyền từ Nhật Bản để bán tại thị trường nội địa.

“Tầm nhìn xa hơn, Công ty Nam Anh tính đến chuyện đầu tư nhà máy sản xuất để gia tăng tính chủ động trong khâu hoàn thiện sản phẩm. Việc có nhà máy riêng, cộng với khâu nghiên cứu, thiết kế mẫu mã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa giá trị trong chuỗi sản xuất dệt may”, ông Thông chia sẻ.

Tiên phong trong tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam thành các sản phẩm may mặc bền vững, nhà sáng lập Repeet mong mỏi sẽ có nhiều đối tác cùng chí hướng, chung tay mang lại lợi ích về môi trường, mở ra một mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của ngành dệt may nội địa và toàn cầu.

Năm 2025, TP.HCM kỷ niệm 50 năm giải phóng. Ông mơ ước những điều gì cho thành phố này - nơi ông đang sinh sống và phát triển doanh nghiệp?

Khi quốc tế nhắc đến Paris, Milan, New York, Seoul, Tokyo, ai cũng hiểu ngay đây là những thành phố thời trang tiêu biểu của thế giới. Là một thành phố năng động và hội tụ rất nhiều thương hiệu về thời trang sáng tạo, tôi mong TP.HCM cũng sớm trở thành một điểm đến về biểu tượng của thời trang.

Hãy thử hình dung doanh nghiệp của ông trong tầm nhìn 5-10 năm tới?

Fashion platfom chính là điều tôi mong muốn làm được trong tương lai để Việt Nam có nhiều và nhiều hơn nữa thương hiệu thời trang được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến.

Chặng đường đi tới mơ ước đó cần có những nền tảng gì?

Đó là sức mạnh kết nối. Nếu chỉ dùng sức mạnh của riêng mình thì sẽ khó, nhưng cộng hưởng được sức mạnh của tập thể, kết nối được đối tác trong từng mắt xích, thì sẽ mau tới đích. Đặc biệt, lĩnh vực dệt may liên quan đến thiết kế và sáng tạo, càng cần kết nối để cùng nhau phát triển.

Hải Yến

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ong-vang-vien-thong-sang-lap-thuong-hieu-thoi-trang-tu-vat-lieu-tai-che-repeet-chon-loi-hep-de-di-duong-dai-d242665.html