Ông Viên thanh long
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở thôn Trực Trang, xã Bát Trang (An Lão, Hải Phòng) thoát được nghèo, vươn lên cuộc sống khá giả nhờ trồng cây thanh long ruột trắng. Người có công đầu trong vận động bà con thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển từ cấy lúa sang trồng thanh long là ông Hoàng Văn Viên, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Trực Trang.
Tiên phong đi đầu để tạo niềm tin
Ông Hoàng Văn Viên sinh năm 1955, là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1972-1975, sau đó tiếp tục tái ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979.
Sau khi xuất ngũ, ông Viên sinh sống tại quê nhà. Năm 2011, ông được người dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Vốn xuất thân từ con nhà nông nên ông Viên thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân “một nắng hai sương”, vì vậy, trên cương vị người đứng đầu thôn, ông luôn trăn trở làm sao để giúp cuộc sống của bà con trở nên khấm khá.
Thời điểm đó, thành phố Hải Phòng đang khuyến khích các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên ông Viên tìm hiểu và quyết định vận động bà con trồng thanh long ruột trắng. Chia sẻ lý do chọn cây thanh long, ông Viên cho biết: “Năm 2015, tôi có dịp vào thăm người họ hàng ở tỉnh Ninh Thuận và thấy trong đó mọi người trồng thanh long cho giá trị kinh tế cao.
Ngày đó, trong thôn cũng có một số hộ dân trồng thanh long tự phát với diện tích nhỏ và cây sinh trưởng, phát triển tốt nên tôi nghĩ thổ nhưỡng, khí hậu ở đây phù hợp để cây thanh long phát triển”.
Ý tưởng của ông Viên được cấp ủy, chi bộ thôn ủng hộ. Tuy nhiên, người dân Trực Trang quanh năm quen với cây lúa nên làm sao để vận động bà con thay đổi tư duy đồng ý chuyển sang trồng thanh long không phải việc làm một sớm một chiều. Để tạo niềm tin cho người dân trong thôn, ông Viên nghĩ mình phải là người tiên phong.
Nghĩ là làm, ông bàn với vợ chuyển hai sào ruộng cấy lúa sang trồng gần 120 gốc thanh long ruột trắng. Ngoài ra, ông vận động thêm một số hộ gia đình thân cận cùng trồng thử nghiệm. Ông Viên nhớ lại: “Do chưa có kiến thức, kinh nghiệm trồng cây nên tôi nhờ người họ hàng trong tỉnh Ninh Thuận ra giúp đỡ. Ngoài ra, tôi tìm đọc thêm các cuốn sách hướng dẫn về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Cũng may là thổ nhưỡng phù hợp nên chỉ hơn một năm sau khi trồng, cây thanh long đã bắt đầu bói quả”.
Ông Viên cho biết thêm: “Thanh long trồng ở Trực Trang tuy quả không to như ở một số địa phương trong miền Nam nhưng ưu điểm là vỏ mỏng, ăn rất ngọt, mỗi năm cho thu hoạch từ 7 đến 10 vụ. Thời điểm năm 2016, chúng tôi bán với giá khoảng 25.000-30.000 đồng/kg. Nếu so với cấy lúa thì trồng thanh long cho giá trị kinh tế cao gấp 4-5 lần. Ngoài ra, trồng thanh long không tốn nhiều chi phí ban đầu, cây ít bị sâu bệnh và rất dễ chăm sóc”.
Có được thành quả ngay từ năm đầu trồng thử nghiệm, ông Viên tổ chức họp thôn để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, ông phát huy vai trò của các tổ chức như: Hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên cùng tham gia vận động. Bản thân ông Viên cũng rất tích cực đến các gia đình, nhất là những hộ làm nông nghiệp, cuộc sống còn khó khăn để khuyên nhủ, động viên.
Thực tiễn giá trị của cây thanh long mang lại cùng với nhiệt huyết của ông Viên đã tạo được sự đồng thuận cao đối với người dân trong thôn. Năm 2017, hơn 300 hộ dân trong thôn đăng ký cam kết chuyển đổi gần 40ha diện tích từ cấy lúa sang trồng thanh long ruột trắng.
Nhận được sự đồng thuận của mọi người, ông Viên càng thêm tự tin, phấn khởi. Ngày đó, người dân Trực Trang quen với hình ảnh ông trưởng thôn quần xắn ống cao, thường xuyên có mặt ngoài ruộng hướng dẫn bà con cách cải tạo đất, làm giàn, trồng cây. Thậm chí, những kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thanh long còn được ông Viên lồng ghép trong những buổi họp thôn, xóm, hội nghị quân dân chính... Những vườn thanh long cũng từ đó dần hình thành và ngày càng mở rộng diện tích. Nhiều hộ gia đình đã chuyển toàn bộ diện tích đất cấy lúa sang trồng thanh long ruột trắng. Có người gọi ông là ông Viên thanh long!
Thay đổi phương thức canh tác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Sau gần 3 năm trồng thanh long, ông Viên thấy một số vườn trong thôn có hiện tượng bị nấm mốc, cây chậm phát triển, đặc biệt là quả thanh long không còn to, mọng như trước, dẫn đến khó tiêu thụ. Sau khi tìm hiểu, đồng thời tham khảo ý kiến một số cán bộ nông nghiệp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hải Phòng, ông Viên biết được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do người dân sử dụng phân vô cơ bón cho cây trong thời gian dài dẫn đến cây bị lão hóa.
Được cán bộ chuyên môn huyện tư vấn, ông Viên tiếp tục vận động bà con chuyển sang sử dụng phân hữu cơ là các loại mùn, cây xanh, chất thải gia súc, gia cầm ủ mục để chăm cây. Vốn đang được người dân tin tưởng nên khi ông Viên đề xuất chuyển đổi phương thức canh tác, hàng trăm hộ gia đình với gần 30ha diện tích trồng thanh long đồng ý chuyển sang chăm sóc theo phương pháp mới.
Hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ trông thấy rõ rệt ngay từ những vụ đầu. Các vườn thanh long bón phân hữu cơ cho thu hoạch nhiều lứa và năng suất tăng gấp đôi so với sử dụng phân bón vô cơ. Đặc biệt, chất lượng quả thanh long được nâng lên, mã đẹp, mọng, rất ngọt và bán được giá, dễ tiêu thụ. Thấy vậy, nhiều gia đình bắt đầu chuyển hẳn sang trồng thanh long theo phương pháp dùng phân bón hữu cơ. Đến nay, địa phương có gần 80ha diện tích trồng thanh long theo phương pháp này.
Theo chân ông Viên, chúng tôi đến thăm một số gia đình trồng thanh long ở Trực Trang. Dọc các trục đường trong thôn, những vườn thanh long với diện tích hàng nghìn mét vuông được người dân chăm sóc cẩn thận đang vào vụ thu hoạch. Những ngôi nhà khang trang được xây dựng giữa vườn thanh long rộng mênh mông là minh chứng cho hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà địa phương thực hiện trong những năm qua.
Dừng chân ở nhà anh Vũ Văn Thùy, một trong những hộ dân tiêu biểu thoát nghèo nhờ trồng thanh long ruột trắng, anh Thùy chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi đi làm công nhân, cuộc sống vất vả mà thu nhập chả dư dả gì. Năm 2017, ông Viên đến vận động gia đình trồng thanh long ruột trắng nên chúng tôi cưa vải để trồng thử. Thấy cây thanh long phát triển tốt, giá bán cao nên gia đình chuyển toàn bộ hơn 1 mẫu ruộng trồng lúa sang trồng thanh long. Hiện nay, gia đình tôi đang có hơn 700 gốc thanh long. Với giá bán khoảng 18.000-20.000 đồng/kg, mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng tôi thu lãi gần 200 triệu đồng”.
Do số lượng hộ dân trồng thanh long hữu cơ nhiều nên đòi hỏi phải có đầu ra để tiêu thụ sản phẩm. Năm 2020, được sự tư vấn, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, ông Viên đề xuất thành lập hợp tác xã và ngay trong năm ấy “Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang” ra đời.
Ông Viên tâm sự: “Mọi người bầu tôi làm giám đốc nhưng mình tuổi cao, sức khỏe yếu, lại không giỏi kinh doanh nên tôi từ chối, nhường lại cho lớp trẻ. Có hợp tác xã vừa hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, phân bón cho bà con, vừa là cầu nối bao tiêu sản phẩm, giúp đầu ra luôn ổn định, cuộc sống của bà con được nâng lên đáng kể nên tôi cũng mừng”.
Nhiều năm được ông Viên giúp đỡ nên hiện nay người dân trong thôn Trực Trang đã nắm bắt, làm chủ được kỹ thuật, có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây thanh long ruột trắng.
Anh Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Trực Trang cho biết: “Mặc dù những năm gần đây hoa quả nói chung, trong đó có thanh long bị rớt giá nhưng nhờ chăm sóc tốt nên các vườn được mùa, sản lượng tăng cộng thêm việc đầu ra tiêu thụ ổn định giúp người dân thu lãi hơn nhiều so với cấy lúa. Chúng tôi đang vận động bà con tiếp tục mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là sử dụng phân bón hữu cơ và chong đèn để kích thích thanh long ra trái vụ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con. Hiện tại, sản phẩm “Thanh long Bát Trang” đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, đang phấn đấu được công nhận là sản phẩm OCOP của thành phố trong thời gian tới”.
Đóng góp của ông Viên trong nhiều năm trên cương vị trưởng thôn đã đưa cây thanh long ruột trắng trở thành cây trồng chủ đạo tại Trực Trang, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho bà con. Diện mạo của Trực Trang cũng nhờ đó mà đổi thay từng ngày. Mới đây, thôn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Những năm qua, ông Viên thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, biểu dương. Ông cũng là một trong 3 cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018-2023, được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.