'Ông vua truyện cổ tích' từng sống chật vật vì nhuận bút eo hẹp

'Rất có thể người dịch tiếng Anh sách của tôi lại được nhiều tiền hơn tôi, tác giả. Nhưng nói cho cùng, tôi vẫn sống được, mặc dù chật vật', Andersen viết trong tự truyện.

Tôi viết rất sung sức. Các sáng tác của tôi, ở đất nước của tôi, giờ đây đã được xếp vào loại những tác phẩm luôn được đón đọc, do đó cứ viết một tác phẩm mới là tôi lại nhận được một khoản tiền nhiều hơn.

Nhưng kỳ thực, nếu bạn xét đến giới độc giả hạn hẹp của Đan Mạch, theo quan điểm của Heiberg và tờ Nguyệt san thời đó, tôi không được thừa nhận là một văn sĩ, bạn sẽ thấy rằng số tiền tôi nhận được không thể nào hào phóng. Nhưng tôi phải sống.

 Văn hào Andersen trong phòng làm việc. Ảnh: Ripley's copenhagen.

Văn hào Andersen trong phòng làm việc. Ảnh: Ripley's copenhagen.

Tôi nhớ lại Charles Dickens đã ngạc nhiên như thế nào khi biết về số tiền mà tôi đã nhận được cho cuốn Người ứng tác. “Anh được bao nhiêu?” Dickens hỏi. “Mười chín bảng Anh!” tôi đáp. “Cho một tay sách?”. “Không”, tôi nói, “cho cả cuốn sách”. “Chắc chúng ta đang hiểu lầm nhau rồi”, anh nói tiếp.

“Anh không có ý nói rằng anh chỉ nhận được mười chín bảng cho cả cuốn Người ứng tác đấy chứ? Đó là giá của một tay sách chứ gì!”. Tôi rất tiếc phải nói với anh ấy rằng không phải vậy, và tôi chỉ nhận được nửa bảng Anh cho một tay sách. “Tôi không tin nổi”, anh thốt lên, “nếu như không phải chính anh nói ra".

Chắc chắn là Dickens không biết gì về hoàn cảnh của chúng ta ở Đan Mạch, và đã tính nhuận bút theo mức mà anh đã nhận được cho các tác phẩm của mình ở Anh. Rất có thể người dịch tiếng Anh sách của tôi lại được nhiều tiền hơn tôi, tác giả. Nhưng nói cho cùng, tôi vẫn sống được, mặc dù chật vật.

Viết, luôn luôn viết, để sống, tôi cảm thấy điều đó sẽ hủy hoại mình, và những nỗ lực của tôi để tìm việc làm khác đều thất bại. Tôi đã cố xin việc ở thư viện hoàng gia. H. C. Ørsted nhiệt tình ủng hộ việc tôi đi gặp giám đốc thư viện Hauch. Ørsted viết cho tôi một thư xác nhận và sau khi đề cập đến “giá trị của H.C. Andersen với tư cách là một con người văn chương”, ông kết thúc bằng câu: “Anh ấy là người ngay thẳng, đặc biệt là có quy củ và chính xác, hai tính chất mà nhiều người nghĩ rằng không thể có ở một văn sĩ, nhưng những người biết rõ anh ấy sẽ công nhận điều đó!”.

Song những lời tiến cử của Ørsted cũng chẳng có tác dụng gì. Ông giám đốc thư viện đã từ chối tôi một cách lịch sự, nói rằng người tài năng như tôi không thể làm công việc tầm thường như thế trong thư viện. Tôi đã cố gắng tìm việc ở Hiệp hội Quảng bá Xuất bản, sau khi đã lên kế hoạch và thiết kế một cuốn niên giám phổ thông của Đan Mạch, giống như cuốn niên giám Gubitz nổi tiếng của Đức, thời đó ở Đan Mạch chưa hề có một cuốn niên giám phổ thông nào.

 Bảo tàng Andersen ở Đan Mạch. Ảnh: Smithsonianmag.

Bảo tàng Andersen ở Đan Mạch. Ảnh: Smithsonianmag.

Tôi nghĩ rằng những khắc họa thiên nhiên của tôi trong Người ứng tác đã chứng tỏ khả năng của tôi đối với loại sản phẩm này và loạt Truyện thần tiên lúc đó tôi đã bắt đầu xuất bản có thể cho họ thấy rằng tôi cũng biết kể chuyện nữa.

Ørsted rất hài lòng với kế hoạch này và ủng hộ hết mình, nhưng ủy ban hiệp hội quyết định rằng việc này quá tốn công sức và quá khó khăn đối với họ. Nói cách khác, họ không tin tưởng vào khả năng của tôi, nhưng sau đó một cuốn niên giám kiểu như vậy đã được xuất bản với một người chủ biên khác, dưới sự bảo trợ của chính hiệp hội này.

Tôi đã phải cam chịu cảnh nghèo túng nhưng tôi không muốn nói về điều đó ở đây. Tuy nhiên, tôi vẫn suy nghĩ như thời còn bé rằng lúc ta gặp khó khăn nhất thì Chúa sẽ giúp! Tôi có số may mắn và vận may đó là Chúa!

Một hôm, tôi đang ngồi trong căn buồng nhỏ của mình thì có người gõ cửa. Một người lạ có dung mạo đẹp và dễ mến đứng trước mặt tôi: Bá tước Conrad Rantzau Breitenburg, người gốc Holstein và là Thủ tướng Đan Mạch. Ông yêu thi ca, say mê vẻ đẹp nước Italy và muốn được làm quen với tác giả cuốn Người ứng tác.

Đọc sách tôi, trí tưởng tượng của ông đã bị kích thích mạnh mẽ. Ông đã nói về cuốn sách của tôi rất nhiệt tình, trước triều đình và trong các giới quan hệ cá nhân.

Ông là người quý phái, hòa nhã, có học thức cao và tính cách thực sự hào hiệp. Thời trẻ, ông đã ngao du rất nhiều, và đã có một thời gian dài sống ở Tây Ban Nha và Italy, cho nên những nhận xét của ông có ý nghĩa lớn đối với tôi. Không dừng lại ở đó, ông đã đi tìm tôi. Ông lặng lẽ bước vào căn buồng nhỏ của tôi, cảm ơn tôi về cuốn sách, nài nỉ tôi đến thăm nhà ông, thẳng thắn hỏi tôi rằng liệu ông có thể giúp gì được cho tôi không.

Tôi nói thoáng qua về áp lực của việc phải viết để sống, và không thể tự do ngao du để phát triển trí tuệ và tinh thần. Ông đã bắt tay tôi một cách thân thiện, và hứa hẹn sẽ là một người bạn có ích, và ông đã làm đúng như thế.

Collin và H. C. Ørsted đã âm thầm liên kết với ông, và trở thành những người tác động đến Vua Frederick VI giúp cho tôi. Dưới thời Vua Frederick VI, từ nhiều năm qua đã có một thể chế làm rạng danh chính phủ Đan Mạch, cụ thể là, ngoài số tiền đáng kể được cấp mỗi năm làm chi phí đi lại cho các văn nhân và họa sĩ trẻ, còn có một khoản trợ cấp nhỏ dành cho những văn nghệ sĩ nào không được hưởng lương chức vụ gì.

Những tác giả lớn nhất của chúng ta đều nhận được khoản hỗ trợ này - Oehlenschläger, Ingemann, Heiberg, Christian Winther và nhiều người khác. Hertz lúc đó cũng vừa được nhận một khoản tiền như vậy, và cuộc sống tương lai của anh vì vậy càng được bảo đảm hơn.

Đó là niềm hy vọng của tôi, tôi ước ao mình cũng được gặp may tương tự và đúng như vậy. Vua Frederick VI đã cấp cho tôi hai trăm daler mỗi năm. Lòng tôi tràn ngập sự biết ơn và niềm vui. Tôi không còn bị buộc phải viết để sống. Tôi đã có chỗ dựa vững chắc phòng khi ốm đau. Tôi không còn phụ thuộc nhiều vào những người chung quanh nữa.

Cuộc đời tôi đã sang trang mới.

Hans Christian Andersen / Omega Books và NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ong-vua-truyen-co-tich-tung-song-chat-vat-vi-nhuan-but-eo-hep-post1328708.html