Ông Yoon Suk-yeol mất nhiều đặc quyền sau khi bị phế truất
Sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ra quyết định phế truất, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra hình sự và mất nhiều đặc quyền.
Tòa công bố phán quyết phế truất Tổng thống Yoon sau 111 ngày Quốc hội Hàn Quốc thông qua động thái luận tội ông vì ban bố lệnh thiết quân luật chớp nhoáng vào đêm 3/12/2024, khi động thái này bị xem là vi phạm Hiến pháp.
Theo Korea Times, sau khi bị phế truất, phần lớn đặc quyền của tổng thống cũng sẽ bị thu hồi. Cụ thể, khi còn tại chức, ông Yoon sẽ tránh bị truy tố hình sự ngoại trừ các trường hợp nổi loạn hoặc phản quốc, nhưng đặc quyền này sẽ không còn sau khi ông bị phế truất.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Tòa án Hiến pháp hồi tháng 2. Ảnh: Korea Times
Ông Yoon cũng sẽ không còn các thư ký hoặc tài xế riêng. Ngoài ra, ông không được hưởng mức lương hưu tương đương 95% lương tổng thống. Ông sẽ không được chôn cất tại khu nghĩa trang quốc gia như Nghĩa trang quốc gia Seoul.
Ông Yoon còn phải rời khỏi dinh tổng thống ở Hannam-dong, trung tâm thủ đô Seoul. Song, hiện vẫn chưa có thời gian cụ thể về hạn chót ông phải rời đi.
Trước đây cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã phải chuyển về sống ở nhà riêng sau 2 ngày Tòa án Hiến pháp ra quyết định phế truất bà vào ngày 10/3/2017.
Ông Yoon được cho sẽ trở lại sống ở nhà riêng tại quận Seocho, phía nam Seoul. Tuy nhiên, việc chuyển đi chưa thể diễn ra ngay lập tức do vướng công tác đảm bảo an ninh.
Dù bị phế truất nhưng ông Yoon sẽ tiếp tục được bảo vệ an ninh. Các biện pháp an ninh cũng được áp dụng đối với vợ ông - bà Kim Keon Hee. Hoạt động bảo vệ an ninh có thể được tiến hành trong 5 năm và có thể kéo dài thành 10 năm nếu cần thiết. Tuy nhiên, nếu ông Yoon bị bắt giam trong thời gian diễn ra một cuộc điều tra hình sự, công tác bảo vệ an ninh sẽ tạm dừng.
Hiện tại, ông Yoon đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra hình sự như cáo buộc nổi loạn liên quan tới việc ban bố thiết quân luật cuối năm ngoái. Nhà chức trách Hàn Quốc cũng có thể khôi phục các cuộc điều tra về nhiều bê bối khác, kể cả liên quan tới bà Kim và nhà môi giới chính trị Myung Tae-kyun.
Trong năm 2024, vợ ông Yoon trở thành tâm điểm tranh cãi vì cuộc trò chuyện qua điện thoại vào năm 2022 với ông Myung, người tự xưng là nhà môi giới chính trị. Đây là lần đầu tiên chứng cứ về việc bà Kim có thể gây ảnh hưởng đến bầu cử được công khai.
“Ngay khi cuộc điều tra này diễn ra, khả năng cao ông Yoon có thể bị bắt. Ngoài lạm dụng quyền lực, ông Yoon còn đối mặt với nhiều lời buộc tội khác. Khi cuộc điều tra ông Myung mở rộng, sự chú ý nhằm vào ông Yoon là không tránh khỏi”, nhà bình luận chính trị Park Sang-byung cho hay.