OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Thực tế thế nào? Giá sẽ đi 'tàu lượn' trong phần còn lại của năm 2022

OPEC và OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11. Tuy nhiên, Julian Lee - chiến lược gia dầu mỏ của Bloomberg First Word nhận định, trên thực tế, mức giảm có thể chỉ bằng 1/10 mục tiêu đề ra.

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Thực tế thế nào? Giá sẽ đi 'tàu lượn' trong phần còn lại của năm 2022 (Nguồn: Washington Street Journal)

OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Thực tế thế nào? Giá sẽ đi 'tàu lượn' trong phần còn lại của năm 2022 (Nguồn: Washington Street Journal)

Ngày 5/10, nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) đã đồng ý cắt giảm sản lượng tại một cuộc họp ở Vienna (Áo) ở mức 2 triệu thùng/ngày.

Theo ông Julian Lee, gánh nặng của đợt cắt giảm mới nhất sẽ chỉ được chia sẻ bởi 3 quốc gia là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait. Hầu hết các quốc gia khác đều đã bơm dầu ở mức thấp hơn hạn ngạch.

Ước tính về sản lượng khai thác trong tháng 9 của OPEC+ cho thấy, nhìn chung, nhóm này đang tụt sau mức kế hoạch khoảng 3,6 triệu thùng/ngày.

Khi các quyết định cắt giảm sản lượng mới nhất có hiệu lực vào ngày 1/11, chỉ có 8 quốc gia được yêu cầu bơm ít dầu thô hơn. Ngoài Saudi Arabia, UAE và Kuwait, các khoản cắt giảm nhỏ cũng nên đến từ Nam Sudan, Algeria, Gabon, Iraq và Oman.

Tổng sản lượng mà các quốc gia này được yêu cầu cắt giảm là 890.000 thùng/ngày. Đây vẫn là mức cắt giảm đáng kể, nhưng còn cách xa mức 2 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, ông Julian Lee cho rằng, đừng mong đợi mức cắt giảm nhiều như vậy tại Nam Sudan, Gabon và có thể là cả Iraq.

Dữ liệu của OPEC cho thấy, Nam Sudan luôn vượt quá hạn ngạch mỗi tháng, kể từ tháng 5/2020. Trong thời gian đó, quốc gia này chưa từng giảm sản lượng, dù chỉ một thùng dầu.

Gabon cũng tương tự. Theo dữ liệu của OPEC, trong 29 tháng qua, Gabon chỉ khai thác thấp hơn mức tối đa một lần duy nhất.

Đối với Iraq, ngay sau khi thỏa thuận ngày 5/10 vừa được công bố, Bộ trưởng Dầu mỏ nước này đã ngay lập tức trấn an người mua dầu rằng xuất khẩu của nước này sẽ không bị ảnh hưởng.

Ông Julian Lee nhận định, phát biểu của vị bộ trưởng ngụ ý rằng nước này cũng sẽ không cắt giảm sản lượng.

Như vậy, danh sách các quốc gia sẽ cắt giảm sản lượng sẽ giảm xuống còn 5.

Mức giảm yêu cầu từ Algeria và Oman tổng cộng là 32.000 thùng/ngày. Saudi Arabia và các nước láng giềng sẽ cắt giảm 790.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, số lượng thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng cách tăng sản lượng từ một số thành viên khác trong nhóm.

Nigeria, Angola và Malaysia đều đang phải đối mặt với vấn đề tăng công suất khai thác. Trong nhiều tháng qua, những quốc gia này đã khai thác dầu thấp hơn mục tiêu và vấn đề này khó cải thiện thời gian tới.

Nga cũng đang gặp khó khăn. Trước khi Tổng thống Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quốc gia này gặp khó để theo kịp hạn ngạch được phân bổ. Chiến lược gia Julian Lee nhận thấy, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.

Nhưng Kazakhstan thì khác. Sản lượng khai thác tại quốc gia này đang đạt hơn 560.000 thùng/ngày - dưới mức mục tiêu do sự kết hợp của việc bảo trì theo kế hoạch tại một trong những mỏ dầu lớn nhất đất nước và sự cố rò rỉ khí đốt tại một mỏ khác.

Việc bảo trì hoàn thành vào cuối tuần này sẽ cho phép quốc gia này khai thác khoảng 260.000 thùng/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan cho biết, phần công suất còn lại sẽ được khôi phục trước tháng 11 - vừa kịp để bù đắp mức cắt giảm theo kế hoạch của OPEC+. Nếu đúng theo kế hoạch, sản lượng dầu cắt giảm thực tế - được đo lường từ sản lượng hiện tại - có thể bị thu hẹp còn 230.000 thùng/ngày. Đây không phải con số đáng ngại.

Tuy nhiên, đến tháng 12, tình hình có thể thay đổi hoàn toàn. Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12, nhắm vào hầu hết các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển đến các thành viên của khối.

Nga đã chuyển hướng bán dầu cho các khách hàng mới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhưng các biện pháp trừng phạt cũng sẽ hạn chế các chuyến hàng đến các nước ngoài châu Âu. Đội tàu chở dầu của riêng Nga không đủ lớn để vận chuyển tất cả lượng dầu mà nước này muốn xuất khẩu. Điều đó có thể khiến Moscow buộc phải cắt giảm sản lượng.

Kế hoạch của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về vấn đề giới hạn giá với dầu thô của Nga có thể sẽ tạo cho Điện Kremlin một hướng đi khác, nhưng Moscow dường như kiên quyết không chấp nhận.

Ông Julian Lee khẳng định: "Nếu Điện Kremlin quyết định cắt giảm sản lượng, thay vì chấp nhận mức giá giới hạn thì quyết định của OPEC+ sẽ trở thành hiện thực. Dù kết quả thế nào thì chắc chắn một điều rằng, giá dầu thô sẽ đi 'tàu lượn' trong phần còn lại của năm 2022".

(theo Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/opec-cat-giam-san-luong-dau-thuc-te-the-nao-gia-se-di-tau-luon-trong-phan-con-lai-cua-nam-2022-201530.html