OPEC+ họp xem xét sản lượng, khả năng cao vẫn 'chờ đợi và quan sát'
Liên minh OPEC+ sẽ họp xem xét quyết định sản lượng vào ngày 4/6 trong bối cảnh giá dầu thô đang đối mặt sự giằng co cung - cầu và các mối lo kinh tế vĩ mô.
Khả năng cắt giảm thêm sản lượng là không cao
Sau nhiều cuộc họp trực tuyến kéo dài trong suốt đại dịch Covid-19, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, gọi chung là OPEC+, đã trở lại phương thức họp trực tiếp và sẽ tập trung tại Vienna (Cộng hòa Áo) vào ngày 4/6.
Các bộ trưởng OPEC sẽ tập trung cho một cuộc họp riêng biệt nhưng kỳ vọng giải quyết được vấn đề sản lượng vào ngày 3/6 là không cao, bởi họ đang phải đối mặt với thị trường dầu mỏ bị xáo trộn bởi nguồn cung biến động, sự không chắc chắn về nhu cầu và nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn ngay trước mắt.
Kể từ tháng 10/2022, OPEC+, liên minh năng lượng gồm 23 thành viên bao gồm cả hai cường quốc dầu mỏ là Nga và Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), đã cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày nhằm ứng phó với nhu cầu sụt giảm. Một số thành viên OPEC+ cũng đã tuyên bố cắt giảm tự nguyện thêm tổng cộng 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4 vừa qua.
Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ thống nhất các quan điểm và đề xuất của mình trong 24 - 48 giờ trước cuộc họp chính thức vào ngày 4/6 (giờ địa phương), một số đại biểu OPEC+ nói với đài CNBC.
Trong một bình luận mà một số người cho rằng các thành viên OPEC+ có thể sẽ cắt giảm thêm nguồn cung, ngày 23/5 Bộ trưởng năng lượng Saudia Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã cảnh báo các nhà đầu cơ dầu mỏ rằng họ có thể phải đối mặt với những khó khăn hơn nữa trong thời gian tới.
"Tôi tiếp tục lưu ý [các nhà đầu cơ] rằng họ sẽ gặp khó khăn. Họ đã bị tổn thất vào tháng 4. Tôi không cần phải xuống bài của mình, tôi không phải [một] người chơi bài poker…, nhưng tôi phải nói với họ rằng, hãy cẩn trọng", Bộ trưởng năng lượng Saudia Arabia nói.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak sau đó đã chỉ ra rằng ông dự định không đưa ra thêm động thái nào từ cuộc họp OPEC+. Tuy nhiên, ông Alexander Novak nói rằng những phát biểu của ông đã bị hiểu sai khi hạ thấp khả năng cắt giảm sản lượng, theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass.
Nga và Saudi Arabia đã thống nhất lập trường công khai của họ trong liên minh OPEC+ kể từ sau tranh chấp vào tháng 3/2020 dẫn đến quan hệ đối tác dầu mỏ của họ bị sứt mẻ và đi đến cuộc chiến giá dầu.
Moscow và Riyadh sau đó đã hàn gắn mối quan hệ thông qua một thỏa thuận mới của OPEC+ nhằm ứng phó với nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do đại dịch Covid-19. Kể từ đó, họ tiếp tục có chung tiếng nói về các vấn đề của OPEC+.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov trong tuần này đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Cape Town, Nam Phi. Hai bên đã xem xét vấn dề hợp tác giữa hai quốc gia và "các cách thức để củng cố và phát triển quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh việc thảo luận về việc củng cố hành động song phương và đa phương", theo Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.
Về khả năng cắt giảm thêm sản lượng, hai đại biểu giấu tên của OPEC+ chia sẻ với đài CNBC rằng rất khó có thể cắt giảm thêm sản lượng vào cuối tuần này. Trong đó, một đại biểu lưu ý rằng điều đó sẽ vẫn xảy ra trừ khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc vẫn ở mức thấp do kinh tế phục hồi không như mong đợi sau khi gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19 cứng rắn.
Nguồn tin thứ ba của đài CNBC cho biết OPEC+, một liên minh năng lượng thường chú trọng giải quyết hàng tồn kho toàn cầu hơn giá cả, sẽ hài lòng với giá dầu giao kỳ hạn trên mức 75 USD/thùng, còn nguồn tin thứ tư lại cho rằng con số này sẽ dao dộng trong ngưỡng 70 - 80 USD/thùng.
Thực tế, giá dầu Brent giao kỳ hạn tháng 8 đã đạt mức 75,70 USD/thùng vào lúc 10:24 ngày 2/6 tại London, tăng 1,42 USD/thùng so với hôm trước.
Nguồn tin của đài CNBC cũng cho hay, liên minh OPEC+ không "theo đuổi các đợt tăng đột biến" mà tìm kiếm một "thị trường cân bằng", nên nhiều khả năng liên minh này sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược sản xuất "phòng ngừa". Việc cắt giảm sản lượng thêm có nguy cơ tái chọc giận Mỹ, vì Washington đã từng chỉ trích việc cắt giảm nguồn cung gây căng thẳng cho các hộ gia đình.
"Chờ đợi và quan sát"?
Các nhà phân tích của Goldman Sachs kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên sản lượng vào cuối tuần này. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng việc cắt giảm thêm sản lượng của OPEC có "xác suất chủ quan khá lớn là 35%" vì giá dầu "rõ ràng thấp hơn ước tính 80 - 85 USD/thùng của chúng tôi về giá bán kỳ vọng của OPEC".
Còn dựa theo phân tích của hãng tin Reuters và các chuyên gia ngân hàng từ HSBC và Goldman Sachs, khả năng cắt giảm sản lượng hơn nữa của OPEC+ là điều khó có thể xảy ra và nhiều khả năng liên minh này sẽ "chờ đợi và quan sát".
Trái lại, các nhà quan sát thị trường lại cho ra rằng hoạt động sản xuất suy giảm ở Trung Quốc và Mỹ khiến khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC+ lại tăng lên.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính OANDA, cho biết: "Giá dầu đang ổn định sau khi một loạt số liệu sản xuất toàn cầu gây thất vọng đã củng cố khả năng OPEC+ sẽ thực hiện thêm một đợt cắt giảm sản lượng khác".
Đơn cử, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Mỹ do Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố ngày 1/6, đã giảm còn 46,9 điểm trong tháng 5, từ mức 47,1 của tháng 4. Kết quả này đánh dấu tháng thứ bảy liên tiếp chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ nhiều nhất thế giới - ở dưới ngưỡng 50 điểm. Chỉ số PIM dưới 50 điểm chỉ ra rằng ngành/lĩnh vực được khảo sát đã bị suy giảm.
Còn tại Trung Quốc, kết quả khảo sát tư nhân của S&P Global về chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo trong tháng 5 lại tốt hơn kỳ vọng, trái ngược với số liệu chính thức mà Bắc Kinh công bố một ngày trước đó.
Cụ thể, chỉ số PMI Caixin/S&P lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã tăng lên 50,9 điểm trong tháng 5, từ mức 49,5 của tháng 4. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy lĩnh vực/ngành được khảo sát đạt tăng trưởng.
Còn theo số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, chỉ số PMI chính thức trong lĩnh vực chế tạo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua do chỉ đạt 48,8 điểm vào tháng 5, thấp hơn mức 49,2 của tháng 4. Nguyên nhân được chỉ ra là do nhu cầu suy yếu, áp lực gia tăng lên các nhà hoạch định chính sách khi phải tìm cách thúc đẩy sự phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh.