OPEC+ sẽ siết chặt mục tiêu cắt giảm sản lượng
Các nước thành viên OPEC+ đã giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu thô và nguồn cung ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của liên minh đều tuân thủ nghiêm túc các nghĩa vụ cắt giảm sản lượng. Duy chỉ có Arab Saudi đang cho thấy sự tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình.
Tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận đạt 97%
Trong cuộc họp thường kỳ hàng tháng của Ủy ban giám sát bộ trưởng OPEC+ (JMMC) theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết, tỷ lệ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng trong khuôn khổ OPEC+ trong tháng 7 vừa qua của liên minh đạt 97%. Cũng theo nhận định của các chuyên gia OPEC, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đã phục hồi 90% và sẽ tăng lên 97% vào cuối năm 2020.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman và người đồng cấp Nga Alexander Novak đã báo cáo về tình hình nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang phục hồi cũng như giá dầu tăng, song kêu gọi các bên tham gia thỏa thuận OPEC+ tiếp tục tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng. Các thành viên của liên minh đã nhất trí về sự cần thiết của việc tuân thủ cắt giảm sản lượng vì nhu cầu tiêu thụ hiện nay phục hồi không ổn định và đồng đều do mối đe dọa suy giảm từ làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ hai. Trong thông báo chính thức sau cuộc họp, liên minh OPEC+ đã kêu gọi các nhà sản xuất cảnh giác trước những rủi ro có thể xảy ra bởi Covid-19. Cũng trong thông báo, OPEC+ không đề cập đến sản xuất dầu thô tại Iran và Venezuela, vốn đang ở mức thấp nhất do chịu tác động từ các lệnh cấm vận của Mỹ.
Tất cả các thành viên phải tuân thủ hạn ngạch cắt giảm
Hãng tin Saudi Press cho biết, chỉ vài giờ trước khi cuộc họp bắt đầu, Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz đã điện đàm với Tổng thống Nigeria Muhammad Bukhari, đề nghị Nigeria cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cắt giảm sản lượng trong thỏa thuận OPEC+. Ngoài ra, phía Arab Saudi nhấn mạnh rằng, các thành viên không thực hiện cam kết cắt giảm trong giai đoạn 1 (từ tháng 5-7/2020) phải đưa ra kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn hơn so với các cam kết về hạn ngạch trong giai đoạn 2 của thỏa thuận (từ tháng 8-12/2020) để bù đắp cho việc vi phạm tuân thủ hạn ngạch.
Theo OPEC, các thành viên của liên minh OPEC+ đã cắt giảm 9,4 triệu thùng/ngày so với mức 9,7 triệu thùng/ngày theo hạn ngạch trong tháng 7. Bước sang tháng 8, OPEC+ bắt đầu nới lỏng hạn ngạch cắt giảm từ 9,7 triệu thùng/ngày xuống 7,7 triệu thùng/ngày. Bất chấp nguồn cung dầu thô của liên minh tăng trở lại trong tháng 8, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, trong đó dầu Brent được giao dịch ở mức trên 45 USD/thùng.
Theo giới chuyên gia dầu khí, những nỗ lực rất lớn của OPEC+ đã ngăn chặn được sự sụp đổ giá dầu lần thứ hai, đồng thời góp phần thiết lập lại cân bằng cung cầu trên thị trường. Theo đánh giá của OPEC, sản lượng nguồn cung dầu thô thế giới trong tháng 7 thấp hơn nhu cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày. Tình trạng dư cung trên thị trường đã "hạ nhiệt". Mục đích tiếp theo của OPEC+ là giảm dự trữ dầu thô và sản phẩm dầu mỏ tại các nước OECD và Trung Quốc xuống mức trung bình trong 5 năm trở lại đây. Liên minh OPEC+ thừa nhận rằng, mức dự trữ dầu thô ở châu Á, chủ yếu tại Trung Quốc có tầm quan trọng đối với thị trường dầu mỏ. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, khi nhu cầu năng lượng và giá dầu sụt giảm, Trung Quốc đã tích cực mua dầu trên khắp thế giới, dự trữ một lượng dầu khổng lồ trong nước.
BoA: Giá dầu Brent sẽ tăng lên 60 USD/thùng?
Mặc dù các nhà sản xuất dầu Phương Tây không tham gia thỏa thuận OPEC+, song giá dầu thấp và sự sụt giảm nhu cầu buộc họ phải cắt giảm sản lượng khai thác dầu đáng kể. Theo các chuyên gia OPEC, sản lượng khai thác tại các nước G20 đã giảm từ 3-3,5 triệu thùng/ngày. Sản xuất dầu tại Mỹ trong tháng 5 đã sụt giảm gần 2 triệu thùng/ngày so với tháng 4. Điều này có tầm quan trọng lớn đối với việc cắt giảm nguồn cung và đạt sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ.
Đánh giá gần đây của Bank of America (BoA) cho biết, tỷ lệ tuân thủ cao trong thỏa thuận OPEC+, kết hợp với sản lượng dầu đá phiến của Mỹ giảm và nhu cầu tiêu thụ phục hồi sẽ hỗ trợ giá dầu tăng. Các chuyên gia của BoA tin rằng, bất chấp những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 ở các nước OECD, việc cắt giảm nguồn cung trong OPEC+ và các nhà sản xuất khác đã gây thâm hụt nguồn cung đáng kể so với các dự báo trước đó. Ngoài ra, báo cáo của BoA cũng đề cập đến sự phục hồi tiêu thụ xăng dầu nhanh chóng tại Trung Quốc và Ấn Độ cũng như gia tăng doanh số bán xe ô tô trên toàn thế giới. BoA dự báo, nếu thị trường tránh được làn sóng Covid-19 lần hai thì trong quý IV/2020 sẽ xuất hiện tình trạng thâm hụt nguồn cung và giá dầu Brent sẽ tăng lên 60 USD/thùng vào quý I/2021.
Nhận định
Theo các ý kiến chuyên gia nêu trên có thể thấy quá trình phục hồi tiêu thụ dầu toàn cầu phụ thuộc khá nhiều vào tình hình lây nhiễm làn sóng Covid-19 lần thứ hai vào mùa thu này. Ngoài ra, khả năng "hấp thụ" dầu thô của thị trường Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng giúp thị trường tái cân bằng khi mà OPEC+ đã nới lỏng hạn ngạch cắt giảm sản xuất. Quá trình hồi phục kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra tại nhiều nước trên thế giới nhằm thoát khỏi tình trạng suy thoái và thất nghiệp tăng cao. Điều này cũng sẽ thúc đẩy thị trường tiêu thụ phục hồi nhanh hơn, qua đó đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp giá dầu tăng, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể gia tăng sản xuất trở lại và phía Trung Quốc có thể "xả bớt" dự trữ dầu thô đã tích lũy từ mùa xuân và hè của mình ra thị trường.