OpenAI nâng cao trải nghiệm cho người dùng miễn phí ChatGPT
Công ty OpenAI ngày 16/12 đã công bố tính năng tìm kiếm trực tuyến hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) trên ứng dụng ChatGPT, hiện đã có sẵn cho tất cả người dùng. Đây là một bước đi quan trọng trong việc gia tăng sức ép đối với sự thống trị của Google trong thị trường tìm kiếm trực tuyến.
Kể từ tháng 10 vừa qua, OpenAI đã tích hợp khả năng tìm kiếm vào ChatGPT với tên gọi “ChatGPT Search”, nhưng chỉ mở tính năng này cho những người dùng trả phí. Giờ đây, công ty quyết định mở rộng tính năng này cho tất cả người dùng miễn phí đã đăng nhập ChatGPT. Người dùng sẽ nhận được những câu trả lời nhanh chóng, kịp thời cùng các liên kết tới các nguồn web liên quan – những thông tin trước đây yêu cầu người dùng phải sử dụng công cụ tìm kiếm truyền thống.
Trong một video giới thiệu về tính năng mới của ChatGPT, Giám đốc sản phẩm của OpenAI Kevin Weil cho biết: "Chúng tôi đang mang tính năng tìm kiếm đến tất cả người dùng ChatGPT đã đăng nhập, nghĩa là tính năng này sẽ có sẵn trên mọi nền tảng mà bạn sử dụng ChatGPT".
Tính năng tìm kiếm trên ChatGPT cũng giống với kết quả tìm kiếm mà Google hay Google Maps cung cấp, nhưng không có các quảng cáo gây nhiễu. Giao diện này cũng có những nét tương đồng với Perplexity, một công cụ tìm kiếm khác sử dụng AI, cung cấp một phiên bản tìm kiếm giống Google nhưng có tính năng hiển thị các nguồn tham khảo ngay trong câu trả lời.
Ông Adam Fry, người đứng đầu bộ phận sản phẩm ChatGPT Search, cho biết: "Chúng tôi thực sự chỉ đang nỗ lực để những trải nghiệm ChatGPT mà bạn đã quen thuộc trở nên tốt hơn, với thông tin cập nhật từ các trang web".
Điều đặc biệt trong lần cải tiến này là OpenAI không phát hành một sản phẩm mới riêng biệt mà tích hợp trực tiếp tính năng tìm kiếm vào trong ChatGPT. Người dùng có thể kích hoạt tính năng tìm kiếm mặc định hoặc bật thủ công thông qua biểu tượng tìm kiếm trên web. Trước đây, các chatbot AI như ChatGPT hay Claude của Anthropic đều có hạn chế về việc cung cấp thông tin cập nhật, bởi dữ liệu của chúng thường bị gián đoạn theo thời gian và điều này khiến chúng không thể cung cấp các câu trả lời theo thời gian thực. Trong khi đó, Google và Microsoft đã kết hợp các câu trả lời do AI tạo ra với kết quả tìm kiếm từ web.
Việc tích hợp tìm kiếm trực tuyến vào ChatGPT sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi về mối quan hệ giữa OpenAI và Microsoft, một trong những nhà đầu tư lớn của OpenAI. Microsoft hiện cũng đang cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của công cụ tìm kiếm Bing, nhằm cạnh tranh trực tiếp với Google.
Giám đốc điều hành của OpenAI Sam Altman đã định hướng công ty đi theo con đường trở thành một “đại gia trên Internet”. Mới đây, OpenAI đã đạt được mức định giá khổng lồ lên tới 157 tỷ USD trong một vòng gọi vốn, với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như Microsoft, Nvidia (cùng của Mỹ), SoftBank (Nhật Bản) – những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ và AI.
Tuy nhiên, việc thu hút người dùng mới bằng tính năng tìm kiếm cũng đồng nghĩa với việc OpenAI sẽ phải đối mặt với chi phí khổng lồ, khi mà nhu cầu tính toán của công ty sẽ ngày càng gia tăng.