Oreshnik, 'siêu tên lửa' mà Nga vừa phóng vào Ukraine là gì?
Nga tuyên bố các hệ thống phòng không hiện đại trên thế giới, bao gồm của Mỹ và châu Âu, không thể đánh chặn loại tên lửa đạn đạo mới Oreshnik mà nước này vừa phóng vào thành phố Dnipro ở miền trung Ukraine.
Tốc độ gấp 10 lần âm thanh
Nga đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung mới, tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnipro, miền trung Ukraine vào ngày 21/11 để đáp trả việc Kiev sử dụng tên lửa của Mỹ và Anh tấn công vào lãnh thổ Nga.
Vài giờ sau cuộc tấn công, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ xuất hiện trên truyền hình Nga để nói về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này. Ông mô tả đây là tên lửa đạn đạo tầm trung mới có thể bay tới mục tiêu với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
"Các hệ thống phòng không hiện đại hiện có trên thế giới và các hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ tạo ra ở châu Âu không thể đánh chặn được những tên lửa như vậy", ông Putin tuyên bố.
Cuộc tấn công đánh dấu lần đầu tiên một loại tên lửa như vậy được sử dụng trong cuộc xung đột. Ông Putin cho biết tên lửa này được gọi là "Oreshnik", trong tiếng Nga có nghĩa là "cây phỉ", và cuộc thử nghiệm chiến đấu đầu tiên của nó "đã diễn ra thành công".
Vào tháng 7, ông cho biết Nga sẽ bắt đầu sản xuất tên lửa tầm trung để "phản ánh" kế hoạch triển khai vũ khí như vậy của Mỹ. Trong bài phát biểu hôm 21/11, ông cho biết Nga đã phát triển Oreshnik để đáp trả việc Mỹ phát triển và triển khai tên lửa có tầm bắn tương tự.
Có thể là biến thể của RS-26 Rubezh?
Tên lửa tầm trung, hay IRBM, có thể bay trong phạm vi từ 500 đến 5.500 km. Các quan chức quân sự Ukraine cho biết tên lửa được phóng từ khu vực Astrakhan của Nga trên Biển Caspi, cách 800 km về phía đông.
Theo ông Putin, tên lửa này, vũ khí siêu thanh mới nhất của Nga, có thể đạt tới mục tiêu ở tốc độ Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh), khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây trở nên vô dụng.
Ông Matthew Savill, Giám đốc khoa học quân sự tại Viện Royal United Services, lưu ý rằng tên lửa được sử dụng hôm 21/11 có tầm bắn "vượt xa bất kỳ tên lửa nào từng được thấy trong cuộc xung đột này cho đến nay và có thể là lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu".
Ông cho biết tên lửa này có khả năng phóng nhiều đầu đạn với tốc độ cực cao, mặc dù chúng kém chính xác hơn tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Về tuyên bố của ông Putin rằng các hệ thống phương Tây không thể đánh chặn tên lửa, ông Savill cho biết "rất khó để phòng thủ" ngay cả đối với các hệ thống Patriot tiên tiến của Mỹ.
Bà Sabrina Singh, Phó Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, mô tả Oreshnik là biến thể của tên lửa đạn đạo RS-26 của Nga. RS-26 là tên lửa nhiên liệu rắn nặng 40 tấn, nằm giữa hai loại hiệp ước. Tùy thuộc vào góc bắn, RS-26 có thể bay xa hơn 5.470 km một chút. Điều đó khiến nó trở thành ICBM.
Truyền thông Ukraine cũng cho rằng "Oreshnik" có thể là biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung RS-26 Rubezh. Sự mơ hồ trong cách đặt tên là phổ biến trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Ví dụ, tên lửa hành trình Kh-101 thường được gọi là Izdeliye 504 (Sản phẩm 504) trong các tài liệu nội bộ, mặc dù Kh-101 là tên gọi phổ biến hơn.