Pà Cò (Hòa Bình): 'Vẫn còn những phụ nữ không có vị trí trong gia đình'
Bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn là những vấn đề 'nóng' đang được các cấp ngành xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nỗ lực giảm bớt, xóa bỏ. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, những tập tục lâu đời vẫn còn ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương và cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn nữa.
Xã Pà Cò là nơi đồng bào dân tộc Mông chiếm 99,5%, với 7 chi hội phụ nữ và 494/494 hội viên là hội viên dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Sùng A Màng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã chia sẻ về vấn đề này.
Xin ông cho biết những vấn đề nổi cộm liên quan đến bình đẳng giới trong dân tộc thiểu số ở địa bàn xã Pà Cò?
Vấn đề nổi cộm ở Pà Cò hiện nay là trình độ của chị em phụ nữ còn hạn chế, người chủ hộ gia đình luôn là đàn ông, chị em phụ nữ không có quyền hoặc ít có quyền trong gia đình. Vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình rất thấp, thậm chí không có. Quyền sở hữu về tài sản đất đai đều do đàn ông quản lý. Trong gia đình, người đàn ông nói gì người đàn bà phải nghe. Từ xưa đến nay không thay đổi được, kể cả ngày nay khi người dân học hành đã cao hơn thì phụ nữ phần lớn vẫn là vị trí không được tôn trọng.
Bất bình đẳng giới có ảnh hưởng lớn nhất khi phụ nữ bị sai khiến. Trước đây, quan niệm việc phụ nữ phải nghe theo lời đàn ông trong gia đình là đương nhiên và các cuộc xung đột trong gia đình không nhiều, vì phụ nữ luôn ở vị thế cam chịu. Còn ngày nay, nhiều phụ nữ có nhận thức hơn, dẫn đến đòi quyền bình đẳng. Bạo lực lại xảy ra ở những người có học thức do người đàn ông không "dạy" được vợ nên đã xảy ra xung đột.
Trước đây, chúng tôi đã từng giải quyết vụ việc cặp vợ chồng cãi nhau, dẫn đến đánh nhau. Hai vợ chồng đều ngoài 30 tuổi và có học thức. Mặc dù đã được hòa giải mâu thuẫn và có cả cơ quan công an vào cuộc nhưng người vợ vẫn tự tử. Đây là trường hợp rất đáng tiếc. Và còn có trường hợp 2 vợ chồng có quyền sở hữu đất đai do bố mẹ để lại, bất đồng quan điểm về việc chia đất nên dẫn đến tranh cãi. Điều này cho thấy khi người phụ nữ có nhận thức, có kiến thức, họ sẽ không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào đàn ông. Chính vì vậy, cần thay đổi tư duy của người đàn ông.
Hiện nay, địa phương đã có những biện pháp, chính sách gì để tuyên truyền, vận động bình đẳng giới?
Những việc chúng tôi làm là "trọng tài" hòa giải. Cùng với người có uy tín trong dòng họ, chúng tôi phân tích Luật Bình đẳng giới, nam nữ đều có quyền, được ăn ở, có chế độ như nhau. Phụ nữ có chế độ thai sản, được làm những công việc nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng sức khỏe. Đồng thời, người chồng trong gia đình cũng cần trang bị kiến thức để chăm sóc vợ sau sinh.
Do phụ nữ DTTS ít học, cho nên cứ học từ lớp 9 trở lên là chúng tôi khuyến khích tham gia vào các tổ chức xã hội để tuyên truyền về bình đẳng giới. Chính vì vậy, so với trước đây, tình trạng bất bình đẳng giới đã giảm đi, nhận thức về bình đẳng giới cũng thay đổi rất nhiều.
Ví dụ, trước đây trong gia đình người H'Mông thì đàn ông ăn trước ở trong phòng khách, phụ nữ ăn sau ở dưới bếp. Nhưng bây giờ thì cả gia đình cùng ngồi ăn quây quần, vui vẻ, trò chuyện. Đó là một cái đổi mới rất cụ thể.
Vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là nạn tảo hôn vẫn còn trong người DTTS. Có nhiều trường hợp dưới 14 tuổi đi lấy chồng, làm mẹ, sức khỏe sinh sản giảm sút, con cái còi cọc, đời sống kinh tế khó khăn, trẻ em sinh ra thì không có giấy khai sinh, không có thẻ BHYT, không được đi học.
Chúng tôi đang nỗ lực đưa nam giới tham gia các tổ chức bình đẳng giới để tiếp thu tư tưởng mới, xóa bỏ lạc hậu, hiểu được giá trị của bình đẳng giới, như tham gia vào Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân...
Riêng đối với tình trạng tảo hôn, xã có những "con số" đáng chú ý gì, thưa ông?
Nhân khẩu ở Pà Cò có 3.074 người, trong đó người DTTS chiếm 12%. Tảo hôn là vấn đề phức tạp mà chúng tôi ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp tuyên truyền. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã cũng đã chỉ đạo các Chi hội phụ nữ lập danh sách đối với nữ giới từ 10 - 18 tuổi và sàng lọc các cháu có nguy cơ tảo hôn do điều kiện kinh tế gia đình. Ban Chỉ đạo tảo hôn sẽ đến gặp gỡ bố mẹ, ông bà em đó để tuyên truyền.
Đối với Đoàn Thanh niên, chúng tôi giao lập danh sách các nam thanh niên từ 10 - 20 tuổi đến để gặp gỡ, tâm sự với những trường hợp không đủ điều kiện để đi học tiếp, có nguy cơ lấy vợ sớm để tuyên truyền, vận động.
Ngoài ra, chúng tôi còn tuyên truyền đến các phụ huynh, bởi họ vẫn mang tư tưởng "bố mẹ đặt đâu con ngồi đó". Cần phải thay đổi tư tưởng này từ các ông bố, bà mẹ trong gia đình.
Trước đây, nạn tảo hôn rất nhiều nhưng mấy năm gần đây thì đã giảm hẳn do người dân được tuyên truyền trực tiếp. Trước đây là 20-30 cặp tảo hôn/năm. Năm 2022, 2023 mỗi năm chỉ còn 6 cặp tảo hôn. Đó là một kết quả không quá cao, nhưng rất đáng để nỗ lực.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!