Pá Mỳ bao giờ hết khó

ĐBP - Cách trung huyện gần 40km, Pá Mỳ là xã vùng cao và cũng là xã khó khăn bậc nhất ở huyện Mường Nhé đến thời điểm hiện tại. Bao năm qua, dù được Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, song do nhiều nguyên nhân nên đời sống kinh tế của người dân chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo cao với gần 90%.

Những ngôi nhà đơn sơ ở bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ.

Để đến được Pá Mỳ, có 3 tuyến đường chính, một là đi từ xã Quảng Lâm; hai là đi từ xã Nậm Kè hoặc đi từ xã Mường Toong. Trong số 3 con đường này, hiện nay mới duy nhất tuyến đường Quảng Lâm - Huổi Lụ - Pá Mỳ đang được thi công xây dựng, song so với các con đường còn lại để đến được trung tâm huyện thì tuyến đường này xa hơn nhiều. Bởi vậy, hễ có việc gì bà con thường đi theo nhánh ra Nậm Kè hoặc ra Mường Toong rồi đi trung tâm huyện. Thế nhưng, điều đáng nói là cả 2 tuyến đường này về cơ bản là đường đất. Thời tiết nắng ráo còn đỡ, hễ mưa có thể mất nửa ngày, thậm chí là cả ngày mới đến được huyện. Khó khăn là vậy, nhưng bao năm qua, những tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Ông Trần Mỹ Nam, Chủ tịch UBND xã bộc bạch: Bà con ý kiến nhiều lắm, mỗi lần tiếp xúc cử tri là một lần bà con bày tỏ nguyện vọng sớm được đầu tư 2 trục đường này. Mà không chỉ tuyến đường huyết mạch, hiện nay, trong tổng số 10 bản của xã, đường ô tô cũng mới chỉ đến được 4 bản (đi lại trong mùa khô).

Không chỉ khó khăn về giao thông, việc phát triển kinh tế trên địa bàn xã cũng là bài toán đang được cấp ủy, chính quyền tìm lời giải. Theo nhận định của Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ, với diện tích đất đai rộng, việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt cũng là hướng đi cơ bản để xóa đói giảm nghèo. Bởi thế, những năm qua, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền xã đã tích cực vận động bà con sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để bà con được tiếp cận các nguồn vốn vay, UBND xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với ngân hàng, như: Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ký ủy thác vay vốn để người dân mua con giống phát triển chăn nuôi, trồng trọt; vận động nhân dân đầu tư vốn phát triển kinh tế hộ, tập trung chăn nuôi đại gia súc; tập huấn, đào tạo nghề cho người dân…

Mặc dù vậy, qua nắm bắt của chúng tôi, do ý thức tự vươn lên của người dân nơi đây còn hạn chế khiến công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền gặp rất nhiều khó khăn. Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các cuộc họp bản, đồng thời đến từng bản tư vấn lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương... nhưng đa số người dân tiếp thu không hiệu quả. Một phần do bà con chưa hiểu rõ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên không mấy mặn mà, nhất là đối với các giống cây ăn quả, giống lúa mới. Bởi thế cho nên, nhiệm kỳ vừa qua, năng suất lúa mùa chỉ đạt 46 tạ/ha, sản lượng 138 tấn, thấp hơn 87 tấn so với Nghị quyết Đại hội đề ra. Đối với lúa nương, năng suất đạt 15 tạ/ha, sản lượng 615 tấn, thấp hơn 186 tấn so với Nghị quyết.

Đường vào Pá Mỳ còn gian nan, vất vả.

Cùng với việc định hướng cho nhân dân sản xuất cây lương thực, đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế, xã tạo điều kiện cho nhiều hộ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh vật nuôi, nhưng đa số học viên tham gia chưa áp dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, trong tư duy của người dân, phần lớn vẫn chưa xóa bỏ được tập quán thả rông gia súc, gia cầm; hệ thống chuồng trại xây dựng chưa đúng quy cách, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Anh Tẩn Lở Kiêm, trưởng bản Huổi Lụ 2 chia sẻ: Trước đây, khi chưa tách bản, thì Huổi Lụ 2 và Huổi Lụ 3 có gần 100 hộ. Năm 2014, bản tách ra làm đôi thì Huổi Lụ 2 còn 30 hộ nhưng 100% là hộ nghèo. Dù cố gắng làm ăn nhưng do tư duy sản xuất của bà con chưa bắt kịp nhịp sống mới nên việc chăn nuôi hiệu quả không cao, cơ bản việc trồng cây gì, nuôi con gì ở đây chỉ mang tính chất tự cung tự cấp.

Không dừng lại ở những khó khăn trên, một trong những yếu tố nữa khiến cho đời sống nhân dân Pá Mỳ “chậm tiến” đó là điện lưới quốc gia. Cho đến nay, toàn xã mới chỉ có 6/10 bản được sử dụng điện lưới quốc gia; thậm chí việc được sử dụng nước sinh hoạt ở xã vẫn còn thiếu thốn. 5/10 bản có đường nước sinh hoạt là thông tin mà chúng tôi tổng hợp được. Như vậy, chỉ nói riêng những vấn đề cấp bách cần được có: Điện, đường, trường, trạm thì Pá Mỳ đã thiếu 2 phần trong số đó, là không có hoặc chưa được đầu tư đồng bộ.

Có thể nói, việc tìm lời giải cho bài toán giảm nghèo ở Pá Mỳ là việc cấp bách, đến nay đang được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do như: Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, dân cư phân bố không đồng đều... đặc biệt, người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được trách nhiệm của bản thân để vươn lên… đang là lực cản khiến công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Pá Mỳ khó lại chồng khó. Để từng bước xóa đói giảm nghèo, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã cũng cần có giải pháp quyết liệt hơn trong tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng cần triển khai nhiều hơn các giải pháp nhằm giúp nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Đặc biệt, sự tự nhận thức của người dân biết vươn lên trong cuộc sống là yếu tố quyết định để địa phương giảm nghèo hiệu quả.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/197859/pa-my-bao-gio-het-kho