Pác Nặm chủ động phòng, chống thiên tai

Với phương châm '4 tại chỗ', huyện Pác Nặm đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

Pác Nặm có hệ thống sông, suối khá dày đặc gồm sông Năng và trên 40 con suối lớn nhỏ, địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc lớn, nhiều núi cao. Vào mùa mưa thường xuất hiện nhiều đợt mưa kéo dài kèm theo dông, lốc, mưa đá nên có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập úng trên địa bàn. Một số tuyến đường thường xuyên bị sạt lở ta-luy do men theo sườn đồi cao hoặc ven sông, suối dễ bị chia cắt, cô lập khi có mưa lũ. Mặt khác, một số công trình phòng, chống thiên tai đã hư hỏng, xuống cấp. Hiện, huyện mới có 03 công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối dài 2,52km được giao cho chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ theo quy định. Hơn nữa, nhận thức của một số ít các hộ dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống thiên tai.

Trong năm 2021, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa lớn kéo dài kèm theo lốc, sét... gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản, hoa màu, các công trình công cộng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đời sống và sinh hoạt của Nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai hơn 6,2 tỷ đồng.

Dự báo tình hình thời tiết năm 2022 diễn biến phức tạp, qua rà soát, toàn huyện có 45 điểm nằm trong vùng có nguy cơ về sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống và ngập úng. Trong đó có 390 hộ nằm trong vùng có nguy cơ về sạt lở đất, đá; 73 hộ có nguy cơ lũ ống, lũ quét và 04 hộ có nguy cơ ngập úng.

Xã Nhạn Môn là địa phương có số hộ nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai nhiều nhất, gồm 140 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở về đất đá tại các thôn Slam Vè, Nặm Khiếu, Ngẳm Váng, Phiêng Tạc, Vy Lạp, Phai Khỉm, Nà Bẻ, Khuổi Ỏ; 02 hộ có nguy cơ ngập lụt. Tại các địa phương khác, những điểm có nguy cơ về thiên tai chủ yếu ở các thôn Khên Lền, Nặm Sai, Nà Chảo, Nặm Cáp xã Công Bằng; thôn Nặm Đăm, Chẻ Pang, Nà Quang, Pù Lường xã Cao Tân; thôn Tân Hợi xã An Thắng; thôn Nặm Mây xã Bộc Bố; thôn Khuổi Bốc xã Xuân La...

Trước tình hình trên, huyện Pác Nặm đã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể, các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất, kết cấu hạ tầng, bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ từ ngày 04/5 đến 31/10 trong năm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, không chủ quan, thiếu ý thức trong phòng, chống thiên tai.

Đồng thời bảo đảm lực lượng tham gia PCTT&TKCN gồm: Lực lượng chuyên trách cấp huyện, lực lượng của ban, ngành, đoàn thể, dân quân, thanh niên xung kích, tình nguyện viên các xã. Hiện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện có 26 người, cấp xã duy trì từ 15 - 20 người; thành lập được đội xung kích cấp xã với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ với số lượng hơn 680 người. Huyện có 21 bộ nhà bạt, hơn 500 áo phao, phao tròn, phao bè các loại, 01 máy bơm nước và một số thiết bị khác như bảo hộ lao động, búa... được phân bổ, bảo quản tại địa phương, đơn vị. Ngoài ra, địa phương có 05 trạm đo mưa phục vụ công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai tại các xã Bộc Bố, Nhạn Môn, Bằng Thành, Xuân La, Cao Tân.

Đồng chí Ma Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình PCTT, gia cố, nâng cấp, duy tu đảm bảo các công trình đê điều. Trước mùa mưa bão, chủ động xây dựng các phương án và chỉ đạo các thành viên của Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người dân các thôn bản, đặc biệt là các vị trí xung yếu, có nguy cơ mất an toàn để Nhân dân nắm được phần nào kiến thức, kỹ năng, biện pháp chủ động ứng phó trong trường hợp có thiên tai xảy ra./.

Thanh Hảo

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202206/pac-nam-chu-dong-phong-chong-thien-tai-61f03e6/