Pakistan: Giải cứu thành công nhóm học sinh mắc kẹt trên cáp treo ở độ cao 270m

Quân đội và lực lượng cứu hộ Pakistan phải làm việc liên tục trong điều kiện khó khăn để giải cứu 7 học sinh và một giáo viên mắc kẹt trong cáp treo lủng lẳng ở độ cao 270m.

Hiện trường giải cứu nhóm học sinh và giáo viên mắc kẹt trong cáp treo. (Nguồn: AFP)

Hiện trường giải cứu nhóm học sinh và giáo viên mắc kẹt trong cáp treo. (Nguồn: AFP)

Theo truyền thông địa phương, nhóm học sinh bị mắc kẹt từ lúc 7h sáng 22/8, khi đang trên đường đến trường bằng cáp treo. Nguyên nhân sự cố được cho là do một trong những sợi dây của đường cáp treo bắc qua vùng núi Battagram bất ngờ bị đứt.

Hoạt động giải cứu mang rủi ro cao vì cáp treo lơ lửng ở độ cao trên 270m giữa khe núi.

Các đặc công quân đội phải rất chật vật mới có thể leo từ trực thăng xuống cáp treo do gió lớn nguy hiểm. Đồng thời, họ cũng lo sợ cánh quạt trực thăng sẽ làm đứt nốt sợi dây cáp còn lại.

Chiều muộn cùng ngày, hai học sinh đầu tiên được kéo từ cáp treo lên trực thăng, sau đó được đưa xuống đất.

Tuy nhiên, hoạt động cứu hộ bằng trực thăng buộc phải gián đoạn do gió lớn và trời tối. Sau khi bổ sung đèn pha, dây cáp và các thiết bị bảo đảm an toàn khác, nỗ lực cứu hộ mới được tiếp diễn.

"Hoạt động của đội cứu hộ diễn ra rất chậm và nhiều rủi ro. Họ phải cứu từng người một, từ từ, cẩn thận", cư dân địa phương Abdul Nasir Khan thuật lại.

Giáo viên cùng hai học sinh là những người cuối cùng được giải cứu lúc 23h đêm.

"Tất cả học sinh đều được giải cứu thành công và an toàn", Thủ tướng Pakisan Anwaar-ul-Haq Kakar vui mừng chia sẻ trên Twitter nửa đêm qua. "Tinh thần đồng động của quân đội, lực lượng cứu hộ, chính quyền cùng người địa phương rất tuyệt vời", ông Kakar viết thêm.

Theo giới chức, một số học sinh và cha mẹ các em đã khóc nức nở khi đoàn tụ. "Mọi người đều cầu nguyện cho giây phút đó", Nazir Ahmed, sĩ quan cấp cao của cảnh sát địa phương, cho biết.

Các học sinh bị mắc kẹt đều ở độ tuổi từ 10-16, trong đó có một em ngất xỉu vì mắc bệnh tim. Giáo viên đi cùng các em chỉ được xác định tên là Gulfraz, 20 tuổi.

Cáp treo là phương tiện di chuyển phổ biến nhất tại miền núi của Pakistan. Ở Battagram, có khoảng 150 trẻ đến trường bằng cáp treo mỗi ngày.

(theo Ngôi sao)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pakistan-giai-cuu-thanh-cong-nhom-hoc-sinh-mac-ket-tren-cap-treo-o-do-cao-270m-239378.html