Pakistan kêu gọi Ấn Độ 'hành động có trách nhiệm' với nguồn nước sông Ấn
Ấn Độ cho biết chính phủ Pakistan đã chính thức kêu gọi nước này xem xét lại quyết định đình chỉ Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT). Islamabad cho rằng nếu Hiệp ước tiếp tục bị hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa, khu vực Nam Á có thể đối mặt với khủng hoảng nhân đạo, ảnh hưởng sinh kế của hàng triệu người dân.
Ngày 14/5, phía Ấn Độ xác nhận việc Bộ trưởng Tài nguyên nước Pakistan Syed Ali Murtaza, trong một lá thư gửi người đồng cấp Ấn Độ, đã bày tỏ thiện chí thảo luận về các điều khoản cụ thể của Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT) mà New Delhi đang đơn phương đình chỉ. Đây là lần đầu tiên Pakistan công khai đề xuất đàm phán lại một số nội dung của hiệp ước nhằm làm dịu căng thẳng.

Đập thủy điện Baglihar được xây dựng trên Sông Chenab tại Vùng lãnh thổ Jammu & Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: ANI
Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông, Pakistan cũng cáo buộc việc Ấn Độ dừng tuân thủ Hiệp ước Nước sông Ấn là hành vi vi phạm cam kết quốc tế, có thể đẩy hàng triệu người dân nước này vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt tại các vùng nông nghiệp sống dựa vào hệ thống sông Ấn. Islamabad cho rằng hành động của New Delhi là “thiếu cân nhắc”, đi ngược lại nguyên tắc hợp tác bền vững và có nguy cơ gây ra “khủng hoảng nhân đạo và môi trường” ở quy mô khu vực.
Hiệp ước Nước sông Ấn, ký năm 1960 dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thế giới, đã thiết lập cơ chế chia sẻ và điều phối nước của 6 dòng sông lớn trong hệ thống sông Ấn giữa hai nước. Trong hơn sáu thập niên qua, dù trải qua ba cuộc chiến tranh và nhiều khủng hoảng ngoại giao, Hiệp ước này vẫn giúp hai quốc gia Nam Á duy trì cơ chế phối hợp ổn định, bao gồm trao đổi dữ liệu thủy văn và tổ chức các cuộc họp kỹ thuật thường kỳ.
Tuy nhiên, sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại vùng lãnh thổ liên bang Kashmir khiến 26 người thiệt mạng, Ấn Độ cáo buộc Pakistan “tài trợ khủng bố xuyên biên giới”. Ngay sau đó, Ấn Độ đã đình chỉ Hiệp ước và ngưng chia sẻ dữ liệu dòng chảy của các con sông với Pakistan.
Phía Pakistan cho biết họ đã gửi thông báo khẩn đến Ngân hàng Thế giới và Liên Hợp Quốc, đồng thời không loại trừ khả năng đưa vụ việc ra Tòa án Công lý Quốc tế nếu New Delhi không rút lại quyết định. Islamabad nhấn mạnh: “Nước không thể bị vũ khí hóa hay sử dụng như công cụ gây sức ép chính trị. Đây là quyền sống còn của hàng chục triệu người dân Pakistan”.
Trong khi đó, Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường cứng rắn. Bộ Ngoại giao nước này mới đây tuyên bố Hiệp ước nước sông Ấn sẽ tiếp tục bị đình chỉ cho đến khi Pakistan “từ bỏ một cách đáng tin cậy và không thể đảo ngược mọi hình thức hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới”. Trong bài phát biểu trước toàn quốc ngày 12/5, Thủ tướng Narendra Modi cũng khẳng định thông điệp cứng rắn: “Nước và máu không thể chảy cùng nhau”.
Dù xung đột vũ trang giữa Ấn Độ và Pakistan đã kết thúc với lệnh ngừng bắn đạt được vào ngày 10/5, căng thẳng địa chính trị tại Nam Á vẫn chưa thực sự lắng dịu. Các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên, việc làm suy yếu các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho ổn định khu vực. Viện Tài nguyên Toàn cầu (WRI) gần đây đã xếp cả Ấn Độ và Pakistan vào nhóm các quốc gia chịu “căng thẳng về nước cao”.
Giới quan sát khu vực kêu gọi hai bên cần nối lại đối thoại với sự hỗ trợ trung gian của các thể chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới. Việc bảo vệ Hiệp ước Nước sông Ấn không chỉ nhằm duy trì nguồn nước ổn định cho hàng triệu người dân, mà còn góp phần duy trì hòa bình chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á.