PanNature kêu gọi Facebook và Youtube chung tay ngăn chặn buôn bán rùa hoang dã qua mạng
PanNature và Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á vừa gửi Thư ngỏ tới Facebook và YouTube với hi vọng hai nền tảng mạng xã hội lớn này kiểm soát người dùng, ngăn chặn buôn bán rùa hoang dã trái phép, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo PanNature, dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền đang cận kề, người Việt ta thường có nhu cầu mua những đặc sản ngon lạ để ăn Tết hoặc những món quà đặc biệt để biếu tặng. Đáp ứng nhu cầu này, thị trường buôn bán động vật hoang dã tiềm ẩn khả năng cũng sẽ sôi động hơn. Và tổ chức này quyết định phải hành động.
PanNature đã gửi thư tới 2 nền tảng mạng xã hội Facebook và Youtube kêu gọi chung tay ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã cho mục đích sử dụng, bao gồm cả mục đích sáng tạo nội dung có liên quan đến các loài động vật hoang dã.
Tại Việt Nam hiện nay, có nhiều tổ chức bảo tồn rùa đang hoạt động, bên cạnh đó, nạn "diệt chủng" nhiều loài rùa hoang dã vẫn chưa được loại bỏ.
PanNature là tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên.
Panature muốn giúp người sử dụng mạng xã hội không trở thành người buôn bán động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh tiếp tay và bị lợi dụng trở thành công cụ quảng bá cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Đặc biệt, nhân dịp này, Panature cũng công bố những thống kê riêng của tổ chức này về tình hình buôn bán động vật hoang dã qua mạng.
Với Facebook, nhóm nghiên cứu đã thống kê được tổng số 96 trang Facebook và 200 nhóm Facebook cập nhật thường xuyên hoạt động về nuôi nhốt và buôn bán rùa và phụ kiện tính tới năm 2021. Trong số đó, có tới 93 trang và 151 nhóm chuyên rao bán rùa, phụ kiện phục vụ nuôi rùa, bên cạnh các trang nhóm chia sẻ thú nuôi rùa và kết nối người chơi.
Khảo sát kỹ hơn 20 nhóm và một trang chuyên buôn bán rùa trên Facebook, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 671 lượt rao bán 17 loài rùa bản địa của Việt Nam. Trong số các loài rùa được rao bán phổ biến, có các loài đang được đánh giá ở mức Cực kỳ nguy cấp và Nguy cấp theo Sách Đỏ IUCN, như rùa núi vàng (Indotestudo elongata), rùa sa nhân (Cuora mouhotii – 86 lượt) và rùa rùa cổ sọc (Mauremys sinensis).
Nghiên cứu cũng thống kê được 1.811 cá thể rùa bản địa được rao bán ở tất cả các bài đăng, sau khi đã trừ số lượng cá thể trong các bài đăng lặp lại trong 20 trang nhóm được khảo sát sâu này. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, các bài đăng còn có sự hậu thuẫn của Facebook thông qua việc cho phép quảng cáo.
Cần lưu ý rằng, các loài rùa được rao bán không được công bố về nguồn gốc xuất xứ, trong khi tất cả 17 loài rùa bản địa này đều thuộc Phụ lục I và II của Công ước về Thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) – bị cấm và hạn chế khai thác các quần thể hoang dã vì mục đích thương mại, đồng thời được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật Việt Nam.
Với YouTube, nhóm nghiên cứu thống kê được 230 kênh YouTube liên quan đến quảng bá thú chơi rùa cảnh và hoạt động buôn bán rùa còn tồn tại trong 2021. Trong đó, có 92 kênh YouTube về rùa có cập nhật video mới trong năm 2021 với 930 video xuất bản trong năm này.
Theo phân tích sâu với 930 xuất bản năm 2021, bên cạnh các video chia sẻ kinh nghiệm nuôi rùa và quảng bá thú chơi rùa, có 97 video có rao bán rùa. Nhóm nghiên cứu thống kê được 39 loài rùa xuất hiện trong các video, và xác định được 10 loài là loài rùa bản địa quý hiếm của Việt Nam nằm trong sách Đỏ IUCN.
Các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã hy vọng các nền tảng mạng xã hội có thể quản lý, ngăn chặn buôn bán rùa qua mạng.
Trong số 10 loài này, Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp (CR), 7 loài ở mức Nguy cấp (EN) và 2 loài Sắp nguy cấp (VU) – cần ưu tiên bảo vệ. Tổng số rùa bản địa xuất hiện trong các video là 586 cá thể. Đặc biệt, các loài rùa nguy cấp được rao bán này không được công bố về nguồn gốc xuất xứ, trong khi tất cả 10 loài rùa bản địa trên đều thuộc Phụ lục I và II của Công ước về Thương mại quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) – bị cấm và hạn chế khai thác các quần thể hoang dã vì mục đích thương mại, đồng thời được ưu tiên bảo vệ theo pháp luật Việt Nam.
Mặc dù, Facebook và YouTube đều có những chính sách rà soát, quản lý nội dung riêng nhằm hạn chế tình trạng buôn bán động vật trên các nền tảng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động buôn bán trên Facebook và YouTube vẫn diễn ra phổ biến, với nhiều "chiêu trò" của người sử dụng nhằm lẩn tránh sự kiểm duyệt.
Vì vậy, để kết quả và khuyến nghị của báo cáo được lan tỏa và thực hiện, PanNature và Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã gửi Thư ngỏ tới Facebook và YouTube và đề xuất hai nền tảng mạng xã hội lớn này có các cơ chế hữu hiệu hơn nhằm kiểm soát người dùng buôn bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc xuất xứ, tránh tiếp tay và bị lợi dụng trở thành công cụ quảng bá cho các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép.