Pantsir-ME sẽ tăng sức mạnh chiến hạm 'Tia chớp' Việt Nam
Phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa -pháo phòng không Pantsir-ME đã lần đầu tiên được ra mắt công chúng tại Triển lãm Hải quân quốc tế năm nay ở St Petersburg.
Cách đây không lâu, báo Việt Nam đã đăng tải một bài viết trong đó tác giả có những dẫn chứng đầy thuyết phục về việc, nên trang bị tổ hợp tên lửa — pháo phòng không Pantsir-ME (phiên bản hải quân của tổ hợp tên lửa —pháo phòng không lục quân Pantsir C14) cho 4 tàu tên lửa Molniya mà Việt Nam đặt mua ở Nga cũng như cho các tàu Molniya được đưa vào biên chế Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, theo tác giả bài báo, "… không loại trừ khả năng loạt 4 chiếc Molniya mà Việt Nam đang đàm phán đóng thêm với Vympel Nga sẽ được tích hợp Pantsir-ME. Bên cạnh đó, Pantsir-ME có thể trở thành giải pháp thay thế các tổ hợp phòng không Palma-SU trang bị cho các tàu hộ vệ Gepard 3.9 2.000 tấn của Việt Nam. Hi vọng rằng, trong tương lai nếu có đặt đóng thêm các tàu Gepard 3.9 thứ 5-6, Việt Nam sẽ lựa chọn Pantsir-ME hay là tổ hợp phòng không hiện đại hơn như Shtil và Redut".
Phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa —pháo phòng không Pantsir-ME đã lần đầu tiên được ra mắt công chúng tại Triển lãm Hải quân quốc tế năm nay ở St Petersburg. Tổ hợp này cũng đã được giới thiệu trên gian trừng bày của Viện thiết kế thiết bị (KBP) Tula mang tên Shipunov trong khuôn khổ Triển lãm kỹ thuật — quân sự quốc tế (Army 2017).
Pantsir-ME không phải là tổ hợp tương tự đầu tiên ở Nga. Sputnik đã yêu cầu ông Aleksander Zhukov, nhà thiết kế trưởng của KBP về các tổ hợp tên lửa pháo- phòng không hải quân, nói về lịch sử dẫn đến sự ra đời của tổ hợp tên lửa này ở Liên Xô và Nga:
"Ông Arkady Shipunov, tổng công trình sư của KBP, đã đề xuất ý tưởng kết hợp tên lửa, súng pháo binh và hệ thống quản lý trong một tổ hợp. Nhiệm vụ chính của vũ khí như vậy là phản ứng cực nhanh: sau khi phát hiện mục tiêu chỉ mất mấy giây để bắt đầu bắn vào nó. Nhiệm vụ thứ hai — khả năng tiêu diệt mục tiêu với xác suất gần 100% (tức là đảm bảo tiêu diệt mục tiêu). Kết quả này chỉ có thể đạt được nếu tổ hợp phóng một hoặc hai quả tên lửa phòng không và sau đó bắn đạn pháo ở cự ly ngắn để đảm bảo thành công.
Nguyên tắc này đã được sử dụng trong hệ thống tên lửa phòng không lục quân Tunguska đang được trang bị cho quân đội. Song song với đề án đó đã xuất hiện ý tưởng thiết kế một tổ hợp tương tự dành cho Hải quân, nhà thiết kế cho biết. Ở Nga tổ hợp này được gọi là Kortik, tên xuất khẩu là Kashtan. Các chuyên gia đã bắt đầu phát triển dự án này trong năm 1980, rồi vào năm 1988 tổ hợp đã được trang bị cho quân độ và đang bố trí trên một số tàu của Hải quân Nga (bao gồm tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov", tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng "Pyotr Velikiy "). Ngoài ra, Nga cung cấp phiên bản xuất khẩu của tổ hợp này cho nước ngoài".
Ông Aleksander Zhukov ghi nhận, trước đây hệ thống phòng không của tàu chiến đã bao gồm những thành phần riêng biệt: đại bác — ở một nơi, tên lửa — nơi khác, hệ thống điều khiển hỏa lực — ở nơi thứ ba, hệ thống đo lường độ nghiêng — nơi thứ tư. Trong nhiều trường hợp các hệ thống này do những công ty khác nhau sản xuất. Còn Kortik (Kashtan) là một tổ hợp thống nhất, trong đó có cả pháo với tốc độ bắn 160 vòng/giây, hệ thống điều khiển tên lửa và hệ thống điều khiển hỏa lực được phát triển trong một phòng thiết kế. Kích thước tổ hợp rất gọn nhẹ nhờ đó nó có thể được trang bị cho nhiều loại tàu. Tổ hợp có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 8-10 km và ở độ cao từ 5 mét đến 6 km.
Tuy nhiên, các phương tiện tấn công trên không phát triển thường xuyên, vì thế cần phải nâng cao hiệu quả hỏa lực của các hệ thống tên lửa phòng không, để các tên lửa có tốc độ cao hơn, để pháo phản ứng nhanh hơn và có tầm bắn xa hơn, để tổ hợp có thời gian phản ứng ngắn hơn. Kết quả là các chuyên gia đã thiết kế một tổ hợp mới Pantsir-ME.
Nhà thiết kế Aleksander Zhukov cho biết thêm:
"Tổ hợp này sử dụng tên lửa phòng không với tầm bắn lên tới 20 km, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 15 km. Nếu quả tên lửa phòng không đầu tiên không tiêu diệt được mục tiêu thì sẽ phóng quả tên lửa thứ hai. Trong trường hợp những mục tiêu "sống sót" đang tiến gần tàu (khoảng cách từ 3km đến 300m), tổ hợp bắt đầu"làm việc" một cách tự động với pháo 30mm có tốc độ bắn cực nhanh. Hệ thống radar đa chức năng với ăng ten mảng pha theo dõi mục tiêu và hướng dẫn các tên lửa và pháo. Hệ thống quang học bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa và kênh điều khiển laser.
Nhờ đó tổ hợp Pantsir-ME có thể tấn công chính xác mục tiêu, dù bị tác động bởi mọi hình thức gây nhiễu nào đi nữa. Cần phải nhấn mạnh, tổ hợp mới gọn nhẹ hơn so với các mẫu trước đây. Thiết bị của nó gồm những nguyên tố thế hệ thứ 4-5: số lượng dụng cụ đã giảm đi. Tổ hợp bao gồm một mô-đun điều khiển và bốn mô-đun chiến đấu. Trong mô-đun điều khiển bố trí trạm phát hiện và chỉ định mục tiêu, có khả năng theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu. Mỗi mô-đun chiến đấu có thể tấn công 8 mục tiêu bằng tên lửa và 7-8 mục tiêu bằng pháo, đủ để bảo vệ một tàu chiến lớn. Trên tàu chiến cỡ nhỏ (lớp từ 300 — 500 tấn trở xuống) có thể bố trí một mô-đun chiến đấu, và sử dụng thiết bị có sẵn trên tàu để nhắm mục tiêu.
Điều đáng chú ý là tổ hợp Pantsir-ME phóng tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến. Một đợt phóng như vậy giá rẻ hơn 15 lần so với đợt phóng tên lửa "thông minh" với đầu đạn tự dẫn. Ông Aleksander Zhukov có thái độ khá bi quan khi đánh giá những "lợi thế" của tên lửa với đầu đạn tự dẫn hoạt động theo nguyên tắc "phóng và lãng quên". Đây là lý do tại sao:
"Không có tên lửa nào có thể đảm bảo 100% việc tiêu diệt mục tiêu. Làm thế nào có thể "lãng quên" về mục tiêu đang bay và chỉ sau một vài giây sẽ tiếp cận chiếc tàu của bạn? Cần phải ngay lập tức phóng tên lửa thứ hai, cần phải theo dõi mục tiêu, mà đầu đạn tự dẫn không thể làm như vậy. Ngoài ra, các tên lửa phòng không "thông minh" có một số hạn chế về tốc độ. Khi bay với tốc độ cao trong bầu khí quyển dày đặc (ở độ thấp), đầu đạn tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến giảm phạm vi theo dõi mục tiêu, còn đầu đạn tự dẫn với đầu dò quang học chỉ đơn giản "bị mù" do chất khí nóng lên".
Theo Sputnik