Hermes là tổ hợp tên lửa thế hệ mới nhất của Nga, có thể sử dụng để chống lại xe tăng, xe thiết giáp, máy bay, thậm chí cả tàu thuyền cỡ nhỏ. Hermes có chế độ "Top attack", tức là từ bên trên tấn công đột nóc vào nơi xe tăng được bọc giáp mỏng nhất.
Cơ chế hoạt động của Hermes như sau: radar (hay UAV) sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Sau đó tên lửa được phóng đi với tốc độ 1.300 m/s, bay đến khu vực đã định rồi tự tìm kiếm đối tượng tấn công ở đó.
Khi xác định chính xác tọa độ của mục tiêu và véc tơ chuyển động (đối với trực thăng còn thêm cả độ cao), tên lửa Hermes ngóc lên cao, sau đó lao bổ nhào thẳng đứng xuống, không để đối phương có cơ hội trốn thoát.
Uy lực của phần chiến đấu với trọng lượng 30 kg thuốc nổ TNT, cộng thêm động năng lớn thu được do tốc độ siêu thanh làm tên lửa Hermes tương đương một quả bom nặng 250 kg trút xuống đầu đối phương.
Radar kết hợp hệ thống trinh sát quang điện tử với hai kênh truyền hình và ảnh nhiệt, khí tài laser chỉ thị mục tiêu/đo xa cùng thiết bị tự động bám mục tiêu cho phép sử dụng Hermes cả ngày lẫn đêm. Tức là chỉ cần phát hiện, bấm nút “khóa”, sau đó nhấn nút “phóng và quên”.
Trong khi đó, Pantsir-S là tổ hợp tên lửa - pháo phòng không tầm thấp nổi tiếng nhất của Nga, đang được triển khai tại nhiều chiến trường trên khắp thế giới, từ Syria, Libya, cho tới Iraq...
Vũ khí trang bị cho Pantsir-S bao gồm tên lửa đánh chặn 57N6 có tầm bắn 20 km được điều khiển qua sóng radio, đi kèm pháo liên thanh 2A38 cỡ 30 mm có tốc độ bắn 2.500 phát/phút, cự ly tác chiến tối đa 4 km.
Mới đây đại diện của tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga đã cung cấp một thông tin đáng chú ý, đó là tên lửa phòng không 57N6 trang bị cho tổ hợp Pantsir-S và tên lửa chống tăng được sử dụng bởi tổ hợp Hermes về cơ bản là giống hệt nhau.
Chính vì vậy, phiên bản mới nhất của hệ thống phòng không Pantsir-S là Pantsir-SM sẽ được trang bị các tên lửa tương tự, cho phép chúng tiêu diệt thành công không chỉ mục tiêu trên không mà còn cả phương tiện mặt đất của đối phương.
Cho đến nay, hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S của Nga đã được thử nghiệm chống lại mục tiêu mặt đất, khi khẩu pháo liên thanh 2A38 với đạn xuyên giáp và đạn nổ phá mảnh đầy uy lực bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách vài km.
Nhưng để chống lại phương tiện bọc thép hạng nặng thì sử dụng đạn pháo cỡ nhỏ rõ ràng không hiệu quả, cho nên Nga mong muốn cải thiện đáng kể khả năng của Pantsir-S bằng cách tích hợp cho nó tên lửa chống tăng thuộc tổ hợp Hermes.
Phương án của Nga có nhiều nét tương đồng với IM-SHORAD của Mỹ, khi tích hợp trên nền tảng xe bọc thép bánh lốp Stryker tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire và tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, khiến nó thành hệ thống vũ khí đa năng.
Tuy nhiên hệ thống Pantsir-SM của Nga có nhiều ưu việt hơn, khi được trang bị radar và khí tài quang điện tử tối tân, hai loại tên lửa mạnh mẽ hơn nhiều và tầm xa vượt trội, ngoài ra cơ số đạn mang theo cũng lớn hơn.
Ngoài phục vụ quân đội Nga, phiên bản Pantsir-SM tích hợp tên lửa chống tăng Hermes dự báo sẽ còn nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều khách hàng trên khắp thế giới.
Việt Dũng