Paris bỏ lỡ cơ hội trả lại sự trong lành cho sông Seine

Theo bà Jade Lindgaard, tác giả cuốn sách 'Paris 2024', thủ đô của nước Pháp đã bỏ lỡ cơ hội để kêu gọi sự đồng thuận từ phía cộng đồng cư dân nhằm làm sạch sông Seine.

 VĐV Claire Michael không khỏe sau khi bơi trên sân Seine. Ảnh: CNN.

VĐV Claire Michael không khỏe sau khi bơi trên sân Seine. Ảnh: CNN.

Thế vận hội Olympic luôn là một sự kiện quốc tế thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Tuy nhiên, đi cùng sự thúc đẩy kinh tế là những hệ lụy không nhỏ đối với thành phố đăng cai. Tại Paris, việc tổ chức Thế vận hội Olympic 2024 đã được nhìn nhận như một bài toán khó. Thành phố này phải chi số tiền lớn nhằm làm sạch sông Seine - một trong những biểu tượng của Paris. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, Paris vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu này trước thời hạn.

Bất cập trong quá trình chuẩn bị cho Olympic 2024

Nhà báo Jade Lindgaard (biên tập viên về môi trường tại trang tin Mediapart) đã chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội 2024. Trong cuốn sách Paris 2024, Lindgaard nhấn mạnh rằng những dự án liên quan đến Thế vận hội thường bị áp đặt từ phía quản lý, thiếu sự tham gia và đồng thuận của cộng đồng địa phương.

Để được đăng cai tổ chức thế vận hội, các thành phố nhận nhiệm vụ quan trọng này phải đáp ứng tiêu chuẩn do Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đặt ra. Tuy nhiên các tiêu chuẩn này gắt gao đến mức dù thực hiện trong bốn năm vẫn chưa thể hoàn thiện. Chính vì vậy, nhiều khâu đánh giá thực trạng địa điểm tổ chức bị bỏ qua, dẫn tới các quyết định thiếu tính khách quan. "Chúng ta sẽ không bao giờ có đủ thời gian để chuẩn bị cho Olympic", bà Lindgaard nói.

Nhà báo Lindgaard còn nhận thấy nhiều hệ lụy tiêu cực của chạy nước rút chuẩn bị cho Thế vận hội Paris 2024. Tiêu biểu là việc thay đổi quy hoạch để phát triển cơ sở hạ tầng cho sự kiện quốc tế này, từ việc phá hủy khu đất công viên đến việc di dời chỗ ở của 1.500 người dân, phần lớn trong số đó là những người nghèo và dễ bị tổn thương.

 Xây dựng cơ sở hạ tầng tại Paris phục vụ cho Olympic 2024. Ảnh: Xinhua.

Xây dựng cơ sở hạ tầng tại Paris phục vụ cho Olympic 2024. Ảnh: Xinhua.

Bên cạnh đó, một trong những dự án lớn khác liên quan đến Thế vận hội Paris 2024 là Le Grand Paris. Đây là chương trình tái phát triển lớn nhất trong lịch sử thành phố, bắt đầu từ đầu thập niên 2010 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy. Mục tiêu của Le Grand Paris là kết nối các khu vực trung tâm với vùng ngoại ô, thúc đẩy sự phát triển cân bằng và bền vững. Việc mở rộng tuyến metro số 14, liên kết sân bay Orly ở phía nam với làng Olympic ở phía bắc qua ga Saint-Denis - Pleyel mới, là một ví dụ điển hình.

Tác giả Paris 2024, Jade Lindgaard nhấn mạnh rằng Le Grand Paris có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, nhưng việc ra quyết định thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương có thể dẫn đến việc công trình làm ra không gắn liền với nhu cầu thực của người dân mà chỉ được sử dụng nhất thời cho Thế vận hội 2024.

Cơ hội làm sạch sông Seine

Một trong những mục tiêu quan trọng của Paris trước thềm Thế vận hội Paris 2024 là làm sạch sông Seine. Công tác phục vụ tổ chức các cuộc thi bơi lội tự do và ba môn phối hợp trong dòng sông này. Chính quyền đã đầu tư 1,4 tỷ euro để giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, dù công việc đã được đẩy nhanh, sông Seine vẫn chưa đạt được mức độ sạch như mong đợi.

Nhà báo Lindgaard chỉ ra rằng chủ đề “làm sạch sông Seine” trên truyền thông đã bị các câu chuyện bên lề, scandal người nổi tiếng làm lu mờ. Hơn hết, việc truyền thông về quá trình này cũng không đủ minh bạch. "Đúng là sông Seine ít bị ô nhiễm hơn trước đây, nhưng nó vẫn chưa sạch! Hơn nữa, thời hạn tổ chức Olympic đề ra đã khiến chính quyền nói giảm nói tránh nhiều thứ trong báo cáo mức độ ô nhiễm hiện tại”, nhà báo Lindgaard chia sẻ.

 Các vận động viên tham gia bơi tự do tại sông Seine. Ảnh: France 24h.

Các vận động viên tham gia bơi tự do tại sông Seine. Ảnh: France 24h.

Cô cho rằng chính quyền thành phố Paris đã bỏ lỡ cơ hội để thu hút cư dân vào một cuộc thảo luận thực sự về tương lai của dòng sông. Những câu hỏi cần được đặt ra cho công chúng như: "Tại sao nó lại bị ô nhiễm? Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi thói quen để cải thiện tình hình?". Tác giả cuốn sách Paris 2024 cũng dẫn ví dụ về Berlin, nơi mà các cuộc thảo luận về việc làm sạch sông Spree diễn ra hiệu quả. Tại đây, ý kiến người dân được tổng hợp và chính quyền sẽ đưa ra một quyết định tốt nhất dựa trên sự thu thập đó.

Câu hỏi còn lại là: "Điều gì sẽ xảy ra sau Thế vận hội. Nếu không có sự thúc đẩy của Thế vận hội, liệu những nỗ lực làm sạch sông Seine có tiếp tục?". Tác giả Lindgaard lo ngại rằng vấn đề này cũng bị phớt lờ trên truyền thông. Người dân không có không gian cho một cuộc thảo luận về thách thức hệ sinh thái đô thị phải đối mặt.

Những vấn đề trên không chỉ dừng lại ở Thế vận hội 2024. Trước đó, nước Pháp đã chuẩn bị để đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2030 tại hai vùng Auvergne-Rhône-Alpes và Provence-Alpes-Côte-d'Azur. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở dãy Alps khiến lớp tuyết ngày càng mỏng, các kế hoạch xây dựng mới tiếp tục đe dọa môi trường tự nhiên.

Nhà báo môi trường Lindgaard khẳng định rằng người dân đang đứng trước ngã rẽ: hoặc giảm thiểu du lịch và tìm cách bảo tồn hệ sinh thái núi để hỗ trợ cư dân, hoặc tiếp tục xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn được nhà nước hỗ trợ để tạo ra tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.

Dù có nhiều vấn đề được ghi nhận về mô hình Olympic và hiện trạng thiếu ứng cử viên đăng cai, một số chính trị gia vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi Thế vận hội với mục tiêu đạt được những mục tiêu như vậy. Paris, với những thất bại trong việc làm sạch sông Seine, chỉ là một ví dụ điển hình về cách mà Thế vận hội có thể mang lại cả cơ hội và thách thức, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân nhắc kỹ lưỡng vai trò của dân chủ trong việc hoạch định chiến lược vĩ mô.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/paris-da-bo-lo-mot-co-hoi-de-tra-lai-song-seine-su-trong-lanh-post1490506.html