Park Hang-seo và Gong Oh-kyun khác nhau điểm gì?
Mới đây, trên một tờ báo Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo bày tỏ: 'Việc vượt qua vòng bảng (U.23 châu Á) với 1 trận thắng, 2 trận hòa, HLV Gong Oh-kyun đã làm rất tốt ở giải đấu đầu tiên cùng bóng đá Việt Nam (BĐVN). Đến bây giờ, chúng tôi vẫn vỗ tay khen ngợi thành tích hòa U.23 Hàn Quốc và U.23 Thái Lan. Kể cả thua U.23 Saudi Arabia ở tứ kết, nhưng tôi nghĩ ông Gong và U.23 Việt Nam đã làm tốt'.
Nhiều người cho rằng, khác biệt lớn nhất mà ông Gong mang lại là việc chuyển đổi hệ thống chiến thuật từ 3 trung vệ được ông Park áp dụng suốt gần 5 năm qua sang 4 hậu vệ truyền thống. Tôi không cho là vậy, mà điều này đã có sự bàn bạc giữa 2 HLV xứ Hàn và đã nằm trong ý định làm mới lối chơi của người đi trước. Bằng chứng là ở vài thời điểm tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 và trận giao hữu với Afghanistan (diễn ra một ngày trước trận ra quân của U.23 tại Uzbekistan), đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) đã thử nghiệm sơ đồ này, nhưng do chưa đủ thời gian để cầu thủ làm quen nên phải quay về hệ thống quen thuộc.
Vậy sự khác nhau cơ bản giữa 2 HLV Park và Gong là gì? Đó là triết lý chơi bóng, quan điểm tiếp cận trận đấu, đối thủ. Ông Park rất thực tế, trước hết đội bóng phải được phát triển từ việc xây chắc hàng thủ. Lối chơi an toàn này có phần mang tính đối phó, ngăn chặn và chờ đối phương sai lầm. Vì thế, khi U.23 hay ĐTVN phải chơi với thế cửa trên, áp đặt thường lúng túng.
Ngược lại, HLV Gong chọn thứ bóng đá chủ động hơn, không phải kiểu ào ạt xông lên mà là tích cực vây ráp đối phương, pressing tầm cao và chuyển đổi thật nhanh trạng thái từ phòng ngự sang tấn công cũng như ngược lại. Cái hay của HLV Gong là với tuyến giữa 4 người mà một trong số đó là tiền vệ phòng ngự, nhưng U.23 Việt Nam vẫn đủ quân số trên mặt trận tấn công nhờ cự ly đội hình và sự linh hoạt giữa các vị trí. Tuy nhiên, cách chơi này rất tốn sức và tính mạo hiểm cũng rất cao.
Cũng xuất phát từ tinh thần này mà HLV Park chỉ an tâm khi dựa vào bộ khung quen thuộc của mình, trong khi HLV Gong mạnh dạn thay đổi đội hình.
Sự khác biệt này hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi 2 HLV dù cùng trưởng thành từ nền bóng đá xứ kim chi nhưng cách nhau một thế hệ, ông Park vốn là một tiền vệ phòng ngự, còn ông Gong là tiền đạo. Hoàn cảnh và tâm thế đến với BĐVN cũng khác nhau, với HLV Park Hang-seo đã ở cuối sự nghiệp, không còn chỗ đứng ở quê hương. Ngay lúc đầu, ông Park đã phát biểu: “Tôi biết BĐVN đã thay nhiều HLV, có người không tồn tại nổi 1 năm. Người Việt Nam rất yêu bóng đá, nhưng phải là thứ bóng đá chiến thắng”. Còn HLV Gong Oh-kyun chỉ vừa mới bắt đầu, lần đầu tiên đảm nhận ghế HLV trưởng, cần khẳng định mình một cách thuyết phục để tìm kiếm cơ hội; thế nên mới đây trong một phỏng vấn trước câu hỏi chọn bóng đá đẹp hay chiến thắng, ông không ngần ngại trả lời: “Chắc chắn là bóng đá đẹp. Nó quan trọng hơn bóng đá thắng. Nếu cứ quan tâm đến chiến thắng thì cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến thái độ sống, nhân cách, đạo đức. Một khi chúng ta chơi đẹp thì kiểu gì cũng chiến thắng”.
Đã có e ngại với sự không đồng nhất trong triết lý, quan điểm xây dựng lối chơi giữa 2 HLV, U.23 và đội tuyển quốc gia mỗi đội chơi một kiểu thì tính kế thừa và liên tục ra sao? Cũng như sơ đồ 3 trung vệ hay 4 hậu vệ, thực ra không khác quá đâu, hoàn toàn có thể trộn lẫn, dung hòa giữa 2 tư tưởng bóng đá. Và nên nhớ, HLV Gong là người được chính công ty đại diện của ông Park tiến cử, chắc chắn phải có sự xem xét, lựa chọn từ ông, nên bộ đôi cầm quân xứ Hàn như “2 trong 1”.
Có vai trò kết nối giữa HLV các đội tuyển quốc gia là Giám đốc kỹ thuật. Nhưng sau ngày ra mắt 9-9-2020, trong bản hợp đồng có thời hạn đến ngày 31-1-2023, hơn 1 năm qua, người ta không hề thấy chuyên gia người Nhật Bản Yusuke Adachi ở đâu, làm gì?