Patrick-Édouard Bloch: Từ ký ức với vua cha đến mong ước trở về cội nguồn

Những câu chuyện về vua Bảo Đại hay các con chính thức của ông đã được báo chí nói nhiều. Nhưng câu chuyện về người con thứ 13, cũng là con út của vị vua cuối cùng triều Nguyễn thì không phải ai cũng biết.

Ông Patrick-Édouard Bloch, con trai út của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn,vua Bảo Đại, trong buổi gặp gỡ với phóng viên TTXVN tại Pháp. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Ông Patrick-Édouard Bloch, con trai út của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn,vua Bảo Đại, trong buổi gặp gỡ với phóng viên TTXVN tại Pháp. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Cuộc gặp gỡ tình cờ của phóng viên TTXVN tại Pháp đã mang lại một góc nhìn thú vị về cuộc sống cá nhân của con trai út của cựu hoàng An Nam, Patrick-Édouard Bloch và mối liên hệ của ông với nguồn gốc hoàng tộc.

Tại căn hộ sang trọng bên bờ sông Ill chảy qua thành phố Strasbourg xinh đẹp, ông Patrick-Édouard Bloch, con trai út của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, vua Bảo Đại, tiếp chúng tôi trong phòng khách được bài trí bằng những kỷ vật, tranh ảnh phương Đông và phương Tây. Bức ảnh vua cha Bảo Đại và mẹ ông, bà Christiane Bloch-Carcenac, được đặt bên chiếc bàn cạnh ghế sô pha, nơi ông thường ngồi tiếp khách.

Ông Patrick-Édouard Bloch, con trai út của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, vua Bảo Đại. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Ông Patrick-Édouard Bloch, con trai út của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, vua Bảo Đại. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

"Mẹ tôi đã gặp Hoàng đế trong một buổi đi săn, khi Người đến Alsace vào năm 1957. Ông là khách mời của Bá tước Jean de Beaumont và mẹ tôi cũng vậy", ông Patrick-Édouard Bloch bắt đầu câu chuyện bằng cuộc gặp gỡ định mệnh giữa vua Bảo Đại và mẹ ông, bà Christiane Bloch-Carcenac, một người phụ nữ vùng Alsace của Pháp. Mối quan hệ này kéo dài mười năm, và ông Patrick-Édouard Bloch chính là kết quả của cuộc tình đó. Ông là người con thứ 13 và cũng là con trai út của vị vua cuối cùng triều Nguyễn.

Đối với Patrick-Édouard, tuổi thơ của ông không hề dễ dàng. Ông lớn lên trong gia đình Do Thái tại Erstein, thuộc vùng Alsace, với Georges Bloch - người chồng của mẹ ông - người mà ông đã luôn nghĩ rằng đó là cha ruột. Sự thật về nguồn gốc hoàng tộc của Patrick-Édouard chỉ được tiết lộ một cách tình cờ, khi ông khoảng 8-9 tuổi, trong một chuyến đi chơi cùng vua Bảo Đại ở Paris, người mà ông luôn nghĩ là một người bạn thân thiết của gia đình. Theo lời kể của Patrick-Édouard, lúc đó, trong thang máy của khách sạn George V ở Paris, một nhân viên phục vụ khi thấy một cậu bé vào cùng vua Bảo Đại, liền hỏi cậu là ai, Hoàng đế đã trả lời đơn giản: "Đây là con trai tôi". Khoảnh khắc này đã mở ra sự thật về danh tính thực sự của Patrick-Édouard, tạo nên một cú sốc tâm lý lớn và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông sau này.

"Tôi mang nhiều nét của cha. Ở Pháp, người ta gọi tôi là ‘cậu bé Bảo Đại nhỏ’. Mọi người đối xử với tôi rất khác biệt, đôi khi tốt, đôi khi không", ông nhớ lại. "Tôi phải chịu một sự giáo dục rất nghiêm khắc, hơi giống cha tôi khi bé. Mẹ tôi rất khó tính". Lúc nào ông cũng phải chỉn chu trong những bộ quần áo sang trọng như một "cậu bé già", không có tự do, không được làm những điều mình muốn. Trong khung cảnh nước Pháp những năm 1960, Patrick-Édouard luôn sống với cảm giác "mình là một đứa trẻ khác biệt".

Mối quan hệ đặc biệt với vua Bảo Đại

Đối với Patrick-Édouard, điều đáng chú ý nhất trong cuộc đời ông chính là mối quan hệ thân thiết giữa ông và người cha hoàng đế của mình. Khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi trong ký ức tuổi thơ là những buổi chiều được vua Bảo Đại đến đón : "Niềm vui duy nhất của tôi là được gặp ông ấy. Người đến trường đón tôi bằng một chiếc xe rất đẹp, hàng ngày, lúc 5 giờ chiều. Với một đứa bé, được đón về bằng một chiếc xe đẹp là niềm vui lớn."

Mặc dù không phải là con chính thức, Patrick-Édouard đã có cơ hội được gần gũi với Vua Bảo Đại từ khi còn nhỏ cho đến khi Người qua đời vào năm 1997. Khác với các anh em cùng cha khác mẹ của mình, Patrick-Édouard Bloch có mối quan hệ rất thân thiết với cha. Ông cho rằng vua Bảo Đại luôn dành cho ông tình cảm đặc biệt phần vì ông là đứa con út nên cũng được ưu ái hơn cả, nhưng phần lớn là do hai người rất hợp nhau.

Bìa cuốn tự chuyện của ông Patrick-Édouard Bloch, có tựa đề "Tu dois l'appeler Majesté" (Tạm dịch là ‘Con phải gọi Người là Bệ hạ’), xuất bản năm 2021. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Bìa cuốn tự chuyện của ông Patrick-Édouard Bloch, có tựa đề "Tu dois l'appeler Majesté" (Tạm dịch là ‘Con phải gọi Người là Bệ hạ’), xuất bản năm 2021. Ảnh : Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Trong cuốn hồi ký tự thuật có tựa đề "Tu dois l'appeler Majesté" (Tạm dịch là ‘Con phải gọi Người là Bệ hạ’), Patrick-Édouard Bloch kể lại câu chuyện cuộc đời đầy biến động của mình trong đó ông đã dành một chương lớn để nói về vua cha Bảo Đại. Ông nhấn mạnh: "Người luôn gây ấn tượng sâu sắc với tôi và có vai trò lớn trong việc hình thành nhân cách con người tôi ngày hôm nay."

Patrick-Édouard thừa hưởng nhiều đặc điểm từ cha mình, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Không chỉ có khuôn mặt giống Bảo Đại, ông còn mang nhiều tính cách giống cha, như sự năng động, phong cách làm việc, và sự điềm tĩnh trước nghịch cảnh. Ông cũng chia sẻ với cha mình nhiều sở thích chung, đặc biệt là niềm đam mê với ô tô và máy bay. Khác với hình ảnh kín đáo khi tiếp xúc với công chúng, vua Bảo Đại, trong tự truyện của mình, Patrick-Édouard mô tả như "một người cha tuyệt vời ".

Bức ảnh vua cha Bảo Đại và mẹ ông, bà Christiane Bloch-Carcenac, được đặt trang trọng trên chiếc bàn cạnh ghế sô pha, trong phòng khách ở căn hộ của ông. Ảnh : Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp

Bức ảnh vua cha Bảo Đại và mẹ ông, bà Christiane Bloch-Carcenac, được đặt trang trọng trên chiếc bàn cạnh ghế sô pha, trong phòng khách ở căn hộ của ông. Ảnh : Thu Hà/Pv TTXVN tại Pháp

Hàng tuần ông thường lên Paris gặp cha. Hai người cùng nhau đi dạo, ăn tối và trò chuyện về nhiều chủ đề từ lịch sử, chính trị đến triết học, cùng những suy nghĩ sâu kín về cuộc đời và nhân sinh quan. Trong cuốn sách của mình, Patrick-Édouard nhớ lại: "“Chúng tôi đã chia sẻ nhiều khoảnh khắc và có nhiều cơ hội để nói chuyện lâu với nhau. Tôi là một trong số ít người mà Hoàng thượng sẵn sàng tâm sự một cách thẳng thắn và không dấu giếm... Người không chỉ chia sẻ với tôi về cuộc sống của ông ấy, mà còn cho tôi những lời khuyên bổ ích về cách sống". Những lời khuyên và triết lý sống của Bảo Đại đã ảnh hưởng sâu sắc đến Patrick-Édouard. Một trong những lời khuyên từ vua cha mà ông nhớ mãi, đó là : "Đừng bao giờ làm chính trị, Patrick, con sẽ đánh mất linh hồn của mình. Cha đã dành phần lớn cuộc đời mình làm chính trị và giờ đây, cha rất vui vì đã thoát khỏi nó!"

Tuy thân thiết, nhưng mối quan hệ cha con của họ vẫn mang đậm tính nghi lễ hoàng gia : "Tôi chưa bao giờ gọi ông ấy là Cha. Tôi luôn gọi ông ấy là Bệ hạ hoặc thưa Ngài". Vào những năm 1980, vua Bảo Đại đã đề nghị công nhận ông chính thức là con trai của Ngài và trao cho ông tước hiệu "Hoàng tử", nhưng Patrick-Édouard đã từ chối vì thấy "không cần thiết". "Đó chỉ là một thủ tục và không có nó thì mối quan hệ tình cảm giữa chúng tôi cũng chẳng thay đổi", ông khẳng định trong buổi nói chuyện với phóng viên TTXVN tại Pháp, và điều này cũng đã được nhắc đến trong cuốn hồi ký của ông.

Cho đến trước khi nghỉ hưu, Patrick-Édouard Bloch vẫn làm việc như một doanh nhân bình thường tại Pháp. Từng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc các cửa hàng xây dựng và siêu thị, hiện ông đã nghỉ hưu với một cuộc sống viên mãn ở Strasbourg, cùng với Eric Humbert, người bạn đồng hành của ông từ năm 1995.

Vua Bảo Đại và con trai Patrick-Édouard Bloch. Ảnh : TTXVN phát

Vua Bảo Đại và con trai Patrick-Édouard Bloch. Ảnh : TTXVN phát

Năm 2021, ông cho ra cuốn hồi ký tự truyện với tiêu đề "Tu dois l'appeler Majesté". Câu chuyện là hành trình tìm kiếm bản sắc của tác giả, cũng như nỗi đau khi lớn lên mà không biết nguồn gốc thực sự của mình, cảm giác bị cô lập và khác biệt, và cuối cùng là quá trình chấp nhận và hòa giải với quá khứ phức tạp của mình. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện về một cậu bé lớn lên giữa những bí mật gia đình, mà còn là một cánh cửa hé mở phần nào góc khuất chưa được biết đến ở gia đình hoàng tộc cuối cùng của Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông bày tỏ mong muốn được tìm về cội nguồn, được đến thăm Cố đô Huế, được thắp hương trên ban thờ tổ tiên, nơi lưu giữ lịch sử triều Nguyễn với 13 vị vua. Dù chưa từng đặt chân đến quê hương của cha, nhưng trong tim ông, Việt Nam vẫn luôn hiện diện qua những kỷ vật, những câu chuyện và niềm tự hào về nguồn gốc của mình. Ông cho biết vẫn thường xuyên theo dõi tin tức ở quê nhà và "rất tự hào về những gì đang diễn ra ở Việt Nam", cảm thấy vui khi Việt Nam vẫn giữ gìn tốt di sản triều Nguyễn và Cố đô Huế được UNESCO công nhân. Ông cũng duy trì liên lạc với một số thành viên của hoàng tộc qua thư từ, và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng người Việt tại Pháp. "Tôi nghĩ rằng người Việt Nam là một dân tộc rất thân thiện. Tất cả các mối quan hệ mà tôi có với người Việt Nam, thực sự, rất hoàn hảo và chân thành."

Hy vọng một ngày không xa, ước mơ của ông được đặt chân đến Việt Nam, viếng thăm tổ tông hoàng tộc, sẽ trở thành hiện thực, như một hành trình khép lại vòng tròn lịch sử mà chính ông, người con cuối cùng của vua Bảo Đại là một nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử đặc biệt, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và giữa Pháp với Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/patrickedouard-bloch-tu-ky-uc-voi-vua-cha-den-mong-uoc-tro-ve-coi-nguon-20250502173114051.htm