PCI - Lan tỏa động lực cải cách
Ngân Hà
BPO - Năm 2022, Bình Phước tăng 7 bậc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ 50 lên vị trí 43/63 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần, có 7 chỉ số cải thiện tốt hơn năm trước. Điều này cho thấy, cải cách vẫn luôn là xu hướng chủ đạo, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh đang được cải thiện theo hướng tích cực để không chỉ cải thiện vị trí thứ hạng mà hơn hết đó là quá trình tạo niềm tin trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Bài 1
SỨC NÓNG CẠNH TRANH
Trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, thì chỉ số DDCI - một phiên bản PCI ở cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố đang tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, DN tham gia góp ý. Đó là cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh giám sát, xây dựng chương trình hành động nhằm liên tục cải thiện chỉ số PCI và môi trường kinh doanh.
Thay đổi tư duy phục vụ
Qua 2 năm triển khai (2021-2022), bộ chỉ số DDCI đã cung cấp thông tin quan trọng từ những đánh giá khách quan của cộng đồng DN về năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Khảo sát DDCI Bình Phước năm 2022 đã đánh giá xếp hạng 11 đơn vị thuộc khối địa phương và 16/20 đơn vị khối sở, ban, ngành. Trong đó, Sở Tư pháp là đơn vị có điểm số xếp hạng DDCI rất tốt, dẫn đầu các sở, ban, ngành trong tỉnh với 79,08 điểm, tăng 5,06 điểm so với năm 2021, vươn từ thứ hai lên vị trí dẫn đầu.
Kết quả này có được nhờ các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo sở; phát huy tính năng động của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Sở Tư pháp cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở các lĩnh vực theo bộ chỉ số DDCI. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các phòng, bộ phận chuyên môn cũng có những cải cách quyết liệt, năng động trong thực hiện nhiệm vụ, thể hiện ở 3 chỉ số được xếp hạng “rất tốt” và 4 chỉ số xếp hạng “tốt”.
Chị Bùi Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp chia sẻ: “Ở từng lĩnh vực, chúng tôi đều đề xuất các giải pháp cải cách. Điển hình như lĩnh vực hộ tịch, sở đã triển khai hệ thống phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử. Hiện đã tích hợp chuyển cơ sở dữ liệu khai sinh cho bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế; đồng thời triển khai hiệu quả 2 nhóm dịch vụ công liên thông gồm: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Hay như lĩnh vực phiếu lý lịch tư pháp, sở cũng đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện giải pháp “kiềng ba chân” nhằm đảm bảo kết nối dữ liệu thông tin về án tích giữa Sở Tư pháp, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an để phục vụ tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp”.
Để đạt thứ hạng cao DDCI, Sở Tư pháp xác định cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá quan trọng; trên tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, giao nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách, khuyến khích cán bộ, công chức rút ngắn thời gian giải quyết công việc của công dân. Chị Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Giáo dục và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Thủ tục hành chính liên quan đến DN đều đã cắt giảm 50% thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá… Đặc biệt, khi hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, sở chỉ đạo giải quyết ngay trong ngày. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 cũng giúp hạn chế tối đa các loại chi phí phát sinh. Tính năng động của cán bộ, công chức thể hiện qua việc nắm chắc công việc, nhiệt tình hướng dẫn để khi người dân, DN đã nộp hồ sơ thì không phải trả lại và bổ sung nhiều lần.
Bộ chỉ số DDCI đối với khối sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần, với 66 chỉ tiêu, tăng 6 chỉ tiêu so với năm 2021. Đặc biệt, “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” là một trong 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2022 có điểm số tăng mạnh. Cụ thể tăng 24 bậc (từ vị trí 59 lên thứ 35/63 tỉnh, thành phố). Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính đã chủ động ban hành kế hoạch điều hành và triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Tinh thần đoàn kết và vai trò của người đứng đầu với phương pháp chỉ đạo, điều hành đúng và trúng đã giúp sở đạt được những kết quả nổi bật. DDCI rất quan trọng đối với thứ hạng PCI của Bình Phước, nếu DDCI cải thiện thực chất thì PCI sẽ tăng lên. Để duy trì thứ hạng đã đạt, sở đang tiếp tục đưa ra các giải pháp quyết liệt với quyết tâm cao hơn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TRẦN THANH LONG
Nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ
Chỉ số DDCI được xây dựng với mục tiêu kép, một mặt trao quyền cho DN đóng góp tiếng nói và thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh; mặt khác, đặt các cơ quan, đơn vị vào tâm thế thường trực cải cách và nâng cao chất lượng dịch vụ. Điển hình như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng, có 2 chỉ số đạt “rất tốt” đó là: hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý.
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 154 thủ tục hành chính, trong đó 127 thủ tục cấp tỉnh, 20 thủ tục cấp huyện và 7 thủ tục cấp xã đã đơn giản hóa. Hiện 100% thủ tục hành chính của sở đang áp dụng mức độ 4 và cắt giảm tối thiểu 1/3 thời gian thực hiện, đơn giản hóa trình tự, cách thức thực hiện.
Những điểm mới trong cải thiện chỉ số DDCI của sở là khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm, tìm ra các bất cập, trên cơ sở đó tìm tòi, sáng tạo, áp dụng cách làm mới để rút ngắn thời gian, đơn giản quy trình giải quyết hồ sơ. Vấn đề con người được sở xem là yếu tố mang tính quyết định trong nâng cao các điểm số thành phần. Trong đó, đáng chú ý vẫn là tinh thần, thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TRẦN VĂN CHUNG
Trong mọi bộ máy, cải cách là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, vì xã hội liên tục đặt ra những đòi hỏi mới. Cải cách của từng sở, ngành cũng luôn gắn kết với nâng cao chỉ số PCI và kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng chủ động, tích cực từ phía công dân.
So với năm 2021, khảo sát chỉ số DDCI năm 2022 đã tăng lên cả về số lượng và quy mô. Các chỉ số tổng hợp DDCI, điểm DDCI của cả 2 khối đều tăng so với năm trước; trong đó, khối sở, ban, ngành có sự tăng điểm khá mạnh, khối địa phương tăng nhẹ. Kết quả này là sự cảm nhận, đánh giá khách quan của cộng đồng DN, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà họ trực tiếp tương tác. Từ đó, khơi dậy và thôi thúc tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh, nỗ lực nâng cao chất lượng đồng hành với DN. Kết quả DDCI còn là cơ hội để các sở, ngành, địa phương tự “soi” lại mình, chỉ số nào được đánh giá chưa tốt thì phải nghiêm túc nhìn nhận để cải thiện, khắc phục.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/149977/pci-lan-toa-dong-luc-cai-cach