PDVSA nắm quyền kiểm soát khi Chevron rút lui
Công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, PDVSA, đang tiếp quản các lô hàng dầu thô trước đây do Chevron quản lý, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt và tranh chấp thanh toán làm gián đoạn sự hòa hoãn mong manh giữa Washington và Caracas trong lĩnh vực dầu mỏ.

Ảnh: Internet
Mới đây, PDVSA đã vận chuyển một lô hàng gồm 920.000 thùng dầu thô nặng Boscan - loại dầu trước đây chỉ do Chevron xuất khẩu độc quyền - rời khỏi Venezuela để đến Malaysia, một điểm trung chuyển quen thuộc đối với dầu thô và cuối cùng được chuyển đến Trung Quốc. Lô hàng này, do liên doanh Petroboscan giữa Chevron và PDVSA khai thác, đã rời khu vực chuyển tải tàu tại Amuay vào đầu tháng này, theo dữ liệu hàng hải và tài liệu do Reuters trích dẫn.
Sự thay đổi này diễn ra sau khi PDVSA đột ngột hủy bỏ các lô hàng dự kiến trong tháng 5 của Chevron, với lý do công ty này không thanh toán đúng hạn, mặc dù Chevron vẫn còn giấy phép hợp pháp từ chính phủ Mỹ có hiệu lực đến ngày 27/5. Thậm chí hai tàu chở dầu đã bị yêu cầu quay đầu giữa chừng trong hành trình. Kết quả là các bể chứa tại các mỏ dầu phía tây của PDVSA hiện đã đầy, buộc công ty phải gấp rút tìm giải pháp lưu trữ nổi trong khi lượng dầu tồn kho ngày càng tăng mà không có nơi tiêu thụ.
Xuất khẩu dầu của Venezuela trong tháng 4 đã giảm gần 20%, chỉ còn 700.000 thùng/ngày -mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Quốc gia Nam Mỹ trước đó đang từ từ phục hồi sản lượng xuất khẩu nhờ các biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, với việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp siết chặt, bao gồm mức thuế phụ 25% đối với bất kỳ quốc gia nào mua dầu từ Venezuela, đà phục hồi đó đã bị chặn đứng.
Trong khi đó, tình hình khu vực đang trở nên rối ren hơn. Các tay súng có vũ trang từ Venezuela được cho là đã tấn công binh lính Guyana dọc theo sông Cuyuni trong tuần này, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ về khu vực Essequibo giàu dầu mỏ - nơi có Lô Stabroek với trữ lượng 11 tỷ thùng do ExxonMobil khai thác. Các cuộc bầu cử tại vùng lãnh thổ tranh chấp này vẫn được lên kế hoạch vào ngày 25/5, bất chấp phán quyết ràng buộc của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu không được hành động đơn phương.
Hiện tại, Chevron, Eni, Repsol và một số công ty khác đang vận động hành lang với chính quyền Tổng thống Trump để duy trì hoạt động của họ tại Venezuela sau tháng 5. Nhưng trong thời điểm hiện tại, PDVSA đang giành lại quyền kiểm soát và điểm đến cuối cùng của những thùng dầu này nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào yếu tố chính trị nhiều hơn là giá cả.