Pele - World Cup 1970: Vua bóng đá thiết lập tỷ lệ vàng-xanh

Nếu toán học và nghệ thuật tồn tại đại lượng tỷ lệ vàng thì màn trình diễn của Pele và ĐT Brazil tại World Cup có thể ví như tỷ lệ vàng-xanh của môn thể thao vua.

Khi chiếc xe buýt chở đội tuyển Brazil len lỏi qua từng con phố của Mexico City để đến sân vận động Azteca tham dự trận chung kết World Cup 1970, các tuyển thủ hân hoan nhảy điệu samba.

Dẫn đầu là Jairzinho, người thừa kế xuất sắc vị trí tả biên của huyền thoại Garrincha. Chuyên gia leo biên với những bước chạy như chú báo đen đã ghi bàn trong cả 5 trận hành trình đến chung kết của Selecao. Tiếp đến là Roberto Rivellino, cầu thủ chơi ở cánh đối diện, nỗi ác mộng của mọi thủ thành với những cú sút chân trái căng như búa bổ. Theo sau là thủ quân tài ba và điềm tĩnh Carlos Alberto, rồi đến Gerson, Tostao, Clodoaldo… dàn cầu thủ vô song của Brazil, với mỗi vị trí là một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, đang hướng tới chức vô địch World Cup lẫn sự vĩ đại vĩnh cửu.

Duy chỉ có Pele, cầu thủ vĩ đại nhất hành tinh, bùa hộ mệnh của đội bóng vàng xanh, thu mình lại một góc. Thanh âm huyên náo trên chuyến xe khiến không ai để ý Pele đang khóc, nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt. Không chỉ là áp lực, ký ức kinh hoàng đang ngự trị trong trí óc ông Vua bóng đá đầy quyền uy.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Edson Arantes do Nascimento, hay cả thế giới biết đến với cái tên Pele, chỉ được biết đến ở khía cạnh thành công trong 8 năm đầu sự nghiệp tại đội tuyển Brazil. Khi mới 16 tuổi, Pele đã ghi bàn thắng đầu tiên cho Selecao, trong trận đối đầu kình địch Argentina. Chưa đầy 1 năm sau, ông ghi cú đúp bàn thắng trong trận chung kết World Cup 1958 với chủ nhà Thụy Điển, đưa đội bóng áo vàng xanh lần đầu bước lên đỉnh thế giới.

4 năm sau tại Chile, tuy chấn thương kết thúc sớm kỳ World Cup của Pele nhưng ông vẫn là thành viên đội tuyển Brazil bảo vệ thành công cúp vàng.

Thời điểm đó, Pele chắc chắn là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Số 10 của Santos và Selecao hội tụ đầy đủ mọi phẩm chất ưu việt có thể gạch ra cho một ngôi sao bóng đá: nhanh, khỏe, khéo, thông minh, tinh tế, ứng biến khôn lường và rất đồng đội. Pele không chỉ là ngôi sao bóng đá nữa, ông là nhân vật ảnh hưởng toàn cầu. Pele đi đến đâu, người dân đổ xô đi xem ông chơi bóng đến đấy, thậm chí người ta còn đình chiến vì Pele. Pele yêu bóng đá nhưng bóng đá cũng phải lòng Pele.

Tuy nhiên, thành công quá đỗi đã khiến ông phải trả cái giá không hề rẻ trên sân cỏ. Đó là trở thành mục tiêu đòn thù triệt hạ của những kẻ phản bóng đá và không sẵn lòng chấp nhận sự hiện hữu của một thiên tài. Tại World Cup 1966, gần như có cảm giác Pele cứ chạm bóng là lập tức bị đốn đã. Joao Morais, hậu vệ đội tuyển Bồ Đào Nha sắm vai tên đồ tể cuối cùng với cú lao bằng cả hai chân kết liễu hành trình của Vua bóng đá lẫn các nhà đương kim vô địch.

Cũng cần nói thêm, với 2 chức vô địch liên tiếp, lãnh đội Brazil trở nên cao ngạo và thiếu sự chuẩn bị cho giải đấu trên xứ sở sương mù. Chính Pele đã viết trong tự truyện: “Một thất bại toàn diện và đáng xấu hổ. Tất cả đều nghĩ chúng tôi sẽ giành chức vô địch một cách dễ dàng. Nhưng sự chuẩn bị thiếu kế hoạch chu toàn và không có sự khiêm tốn như năm 1958 và 1962 khiến đội bóng phải trả giá. Chúng tôi đã mất chức vô địch từ trước khi đặt chân đến nước Anh”.

Áp lực khủng khiếp

Áp lực khủng khiếp

Bị vùi dập không thương tiếc cả về thể xác lẫn tinh thần, Pele hoàn toàn vỡ mộng và toan từ giã đội tuyển Brazil. Đó là đòn giáng mạnh vào đất nước này chứ không chỉ ĐTQG. Ảnh hưởng của Pele còn lớn gấp nhiều lần tài năng của ông trên sân bóng. Không phải ngẫu nhiên Quốc hội Brazil phải họp khẩn để tuyên bố Pele là “báu vật văn hóa đất nước và không thể ra nước ngoài chơi bóng” khi nhiều đội bóng lớn tại châu Âu chèo kéo ông.

Pele là hiện thân cho sự nhất thống đồng lòng ở một cõi giang san rộng lớn và đa văn hóa. Không chỉ vậy, xứ sở samba còn tồn tại cách biệt giàu nghèo xa vời vợi. Pele lớn lên trong nghèo khó, thế nên ông chính là biểu tượng cho sự hy vọng. Và do đó, nếu Pele chia tay đội tuyển và không tham dự World Cup, một thảm họa văn hóa hiển hiện trước mắt đất nước Brazil.

Thời gian xoa dịu nỗi đau. Pele không phải ngoại lệ. Vài năm sau bi kịch tại xứ sương mù, Vua bóng đá tìm lại sự thoải mái. Trong chuyến du đấu tới châu Phi cùng Santos, chứng kiến đám đồng khổng lồ người hâm mộ tụ tập để xem ông chơi bóng, Pele đã có cái nhìn khác về vị thế của bản thân, với tư cách một biểu tượng. Ông cũng lấy lại sự tự tin sau những mùa giải bùng nổ trong màu áo Santos, đặc biệt là việc cán mốc 1.000 bàn thắng, cột mốc vĩ đại tới mức báo chí phải chia đôi trang nhất để đăng tin bên cạnh sự kiện tàu Apollo 12 đáp xuống mặt trăng.

Giống như mọi vị anh hùng trên thế giới, Pele không muốn kết thúc như một kẻ thất bại. Bởi vậy, cuối cùng Vua bóng đá quyết định trở lại đội tuyển với sự cam kết chuẩn bị kỹ lưỡng cho World Cup từ Ủy ban Thể thao nhà nước Brazil cũng như nỗ lực bảo vệ cầu thủ chơi bóng bằng thẻ vàng và thẻ đỏ từ FIFA.

Tuy nhiên, trước thềm World Cup 1970, một cuộc xung đột quyền lực lớn chưa từng thấy xảy ra tại đội tuyển Brazil, giữa HLV Saldanha và chính Pele. Saldanha đã dẫn dắt Selecao vượt qua vòng loại, song vị chiến lược gia này không thoải mái khi đặt Vua bóng đá vào vị trí “số 10”, vị trí trang trọng nhất trong đội hình. Cái cớ Saldanha đưa ra là Pele bị… cận thị và không đảm bảo thể lực. Rốt cuộc, người Brazil vẫn đặt niềm tin vào thần tượng của họ. Saldanha bị sa thải. Từ quyết định truất ngôi của HLV, không khó để nhận ra, kỳ vọng của người dân xứ sở Samba đã đặt trọn vào Pele.

Chưa dừng lại ở đó, không chỉ 96 triệu người Brazil trông chờ ở Pele, ngay cả người Mexico, nước chủ nhà World Cup 1970 cũng trông đợi vào Vua bóng đá. Khi đội tuyển Brazil có mặt tại Guadalajara để thi đấu các trận vòng bảng, hầu như cả thành phố này đóng cửa và dán biển trên mọi góc phố: “Hôm nay không làm việc, chúng tôi bận đi xem Pele!”.

Cho đến lúc trái bóng bắt đầu lăn ở trận mở màn với Tiệp Khắc trên sân Jalissco, đó là cả sự giải thoát cho Pele vì ông chỉ còn tập trung vào trái bóng tròn. 100 năm trước và 100 năm sau, kể cả Di Stefano, Cruyff, Maradona, Messi hay Ronaldo cũng chưa ai phải chơi bóng dưới kỳ vọng và áp lực cực lớn như Pele.

5 “số 10” trong 1 đội hình

5 “số 10” trong 1 đội hình

Mexico 70 là sự bùng nổ sắc màu. Những trận đấu lần đầu tiên được truyền hình màu đến khán giả toàn cầu. Đa sắc hơn nữa chính là màn trình diễn của đội tuyển Brazil trong sắc áo vàng xanh rực rỡ. Không chỉ quy tụ dàn cầu thủ kiệt xuất như đã nói là đều xuất sắc nhất thế giới trong từng vị trí, Selecao còn đem đến World Cup 1970 lối chơi tấn công ngẫu hứng, phóng khoáng, đẹp mắt và uyển chuyển như những vũ công ba-lê.

Thay thế Saldanha dẫn dắt đội tuyển Brazil là Mario Zagallo, một cầu thủ mới giải nghệ và là đồng đội của Pele tại World Cup 1958 và 1962. Trong tay Zagallo có rất nhiều “số 10”, nhưng thay vì chọn cách cực đoan và tự sát như người tiền nhiệm, vị chiến lược gia có biệt danh “sói già” này đã có phương án xếp đặt nhân sự thật tinh ranh và phù hợp. Jairzinho và Rivellino hoạt động trong vai trò chạy cánh để tận dụng sự cơ động. Tostao đóng vai trò “số 9 ảo”. Gerson lùi sâu như “số 8”. Lẽ dĩ nhiên, tâm điểm “số 10” là Pele.

Vua bóng đá là thỏi nam châm thu hút mọi ánh nhìn lẫn mọi đường bóng. Từng bước chạy, từng pha xử lý của Pele đều mang ý nghĩa định hướng cho đợt tấn công của tuyển Brazil. Điều đáng nói, dù đã quá vĩ đại, chưa bao giờ Pele xuất sắc như tại Mexico 70. Năm 1958, Pele có sự sung mãn của tuổi trẻ. Năm 1962 và 1966 bị cản trở bởi chấn thương. Còn năm 1970, Vua bóng đá là sự kết hợp hài hòa của kinh nghiệm, kỹ thuật, sức mạnh, khả năng bao quát và tầm ảnh hưởng.

Trong trận mở màn với Tiệp Khắc, Brazil đại thắng 4-1, Pele đóng góp 1 bàn thắng nhưng khoảnh khắc đáng nhớ nhất là cú lốp bóng từ sân nhà đánh bại thủ thành Ivo Viktor và đưa bóng đi sạt cột dọc. Thời bấy giờ, khái niệm dứt điểm từ phần sân nhà với cự ly lên tới 70m hầu như chưa hề tồn tại, và pha xử lý của Vua bóng đá, với công nghệ truyền hình màu, đã khiến cả thế giới kinh ngạc.

Hành trình vàng son đến chung kết

Hành trình vàng son đến chung kết

Đến lượt trận thứ hai, đối thủ của Selecao là đội tuyển Anh. Một cơ hội để Pele phục thù và chấm dứt nỗi ám ảnh về ác mộng tại xứ sương mù 4 năm trước. Cảm nhận rõ tương quan lực lượng, các nhà ĐKVĐ bước vào trận đấu với lối chơi phòng ngự hung hãn và Alan Mullery được giao nhiệm vụ theo sát Pele như hình với bóng suốt cả trận. Chính hậu vệ này thừa nhận đã nhiều lần cố gắng “loại Vua bóng đá ra khỏi vòng chiến” bằng những cú vào bóng quyết liệt trên mức cần thiết nhưng bất thành.

Trong cuốn tự truyện, Nobby Stile, cầu thủ ngồi dự bị ở trận đấu ngày hôm ấy tường thuật lại: “Thật khó chịu khi nhìn Pele dễ dàng qua mặt người theo kèm ông ta. Mullery đã nhiều lần cố đẩy Pele ra xa trái bóng nhưng đều thất bại”. Trong một lần Mullery để sổng Pele như vậy đã tạo nên pha cứu thua được cho là hay nhất mọi thời đại.

Pha cứu thủ của Gordon Banks đã đi vào giai thoại của bóng đá Anh – một pha bay người bất chấp vật lý từ cột dọc bên này sang cột dọc bên kía để đẩy bóng bay vọt xà. Tất nhiên, giai thoại trở nên sống động hơn gấp bội nhờ người dứt điểm là Pele, với một pha bật cao đánh đầu chuẩn mực.

Trận đấu này kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Brazil. Tác giả bàn thắng duy nhất là Jairzinho. Công lớn thuộc về Tostao, với pha rê bóng qua 3 hậu vệ tuyển Anh bên cánh trái rồi tạt vào vòng cấm cho… Pele. Bằng kỹ thuật điêu luyện và nhãn quan thính nhạy, Vua bóng đá khống chế rồi mớm bóng cực đẹp cho động đội sút tung lưới Tam sư.

“Khi Brazil ghi bàn quyết định, chúng tôi thấy một khía cạnh quan trọng khác trong lối chơi của Pele – sự nhường nhịn”, Styles tiếp tục. “Điều đó được thể hiện rõ nhất qua sự hiểu biết của ông ấy về mục tiêu của đội bóng. Pele đã loại bỏ 2 hậu vệ đội tuyển Anh chỉ bằng một đường chuyền cho Jairzinho. Đó chính là đẳng cấp Pele”.

Ở trận đấu cuối cùng vòng bảng, Brazil đánh bại Romania với tỷ số 3-2. Pele lập cú đúp bàn thằng từ một quả đá phạt và một pha dứt điểm gọn ghẽ. Tại tứ kết, Selecao vượt qua Peru với tỷ số 4-2. Thêm một màn trình diễn sặc sỡ của bóng đá tấn công. Pele và các đồng đội không đơn giản chỉ là tập hợp những cầu thủ hàng đầu thế giới, họ gắn bó như một thể thống nhất. Selecao là một gia đình.

Đối thủ tiếp theo của tuyển Brazil tại bán kết là Uruguay, đội bóng đã gây nên thảm họa Maracanazo tại World Cup 1950. Năm đó, Pele mới 9 tuổi. Một ngày sống động tràn đầy niềm vui và hy vọng của người dân xứ sở samba kết thúc trong tuyệt vọng và lặng thinh. Cả đất nước như thể để tang. Như tác gia Nelson Rodrigues miêu tả: “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, tựa như một cú Hiroshima. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”.

Đối diện với ký ức kinh hoàng, Brazil nhập cuộc khá tệ. Uruguay vượt lên dẫn trước ở phút 20. Đến những phút cuối hiệp 1, Selecao mới lấy lại thế trận và ngay trước giờ nghỉ giai lao mới có bàn quân bình tỷ số. Sau 45 phút đầu trầm lặng, Pele bắt đầu tỏa sáng. Vua bóng đá thể hiện quyền uy bằng những pha uy hiếp khung thành đối phương liên tiếp.

Brazil đánh bại Uruguay với tỷ số 3-1 và Pele một lần nữa tạo ra pha xử lý để đời. Đó là tình huống ông lao xuống đối mặt với thủ môn đối phương. Nhưng thay vì rê bóng, Pele chạy cắt ngang đường chuyền của Tostao khiến thủ thành Uruguay bối rối để sổng cả bóng lẫn Pele. Đáng tiếc ở tình huống dứt điểm cuối cùng, “số 10” của Selecao lại đưa bóng đi chệch cột dọc.

Đỉnh cao muôn trượng

Đỉnh cao muôn trượng

Giọt nước mắt lăn dài và điệu batucada vang lên bên tai giúp Pele trấn tĩnh. Đây không phải là lúc để hoài nghi. Ông là linh hồn, là thủ lĩnh của Selecao đang bước trên hành trình vàng son đến chức vô địch thế giới. Thế nên, ông không được quỵ ngã. Để giấu những giọt nước mắt, Pele vờ như cúi xuống nhặt đồ rồi đứng dậy hòa ca cùng đồng đội.

Đối thủ của Brazil trong trận chung kết là Italia. Một màn va đập giữa hai trường phái bóng đá đối nghịch. Tấn công phóng khoáng vàng xanh đấu với phòng ngự thực dụng nghiêm ngặt thiên thanh. Nhưng catenaccio trứ danh chỉ đứng vững 18 phút trước Vua bóng đá. Từ quả tạt cực hay bên cánh trái của Rivellino, Pele bật cao như một vận động viên bóng chuyền và đánh đầu tung lưới Italia.

Đến những phút cuối hiệp 1, đoàn quân thiên thanh quân bình tỷ số nhờ công của Roberto Boninsegna. Nhưng không vì vậy Pele và các đồng đội mất tinh thần. Bước sang hiệp 2, Selecao càng thi đấu càng hứng khởi. Những đợt tấn công thiên biến vạn hóa và uy mãnh như sóng thần của đội bóng áo vàng xanh khiến bức tường tưởng chừng kiên cố của đoàn quân thiên thanh lung lay dữ dội.

Gerson tái lập lợi thế dẫn bàn cho Brazil ở phút 65 với cú sút chéo góc hiểm hóc từ ngoài vòng cấm. Tiếp đến Pele đánh sập ý chí của người Ý bằng hai pha dọn cỗ mẫu mực cho đồng đội ghi bàn. Đầu tiên là tình huống bật cao đánh đầu mớm bóng cho Rivellino băng lên dễ dàng nhân đôi cách biệt. Tiếp đến là pha kiến tạo hoàn hảo cho Carlos Alberto găm bóng vào góc xa khung thành ấn định chiến thắng 4-1.

Đó là một tác phẩm nghệ thuật. Một bàn thắng thể hiện trọn vẹn tinh túy của đội tuyển Brazil. Tinh thần đồng đội. Kỹ thuật điêu luyện. Khả năng ứng biến. Độ chuẩn xác. Và chiến lược tinh kỳ. HLV Zagallo xác định cánh phải của Itralia là khu vực để xuyên phá, nhưng ngay cả “sói già” lọc lõi cũng không ngờ học trò lại tiến hành phương án một cách hoàn hảo như vậy. Một lần nữa, Pele lại trở thành điểm nhấn của pha bóng bằng sự khiêm nhường. Thay vì sút bóng như một ngôi sao, “số 10” tỉa bóng như đặt vào chân thủ quân Carlos Alberto.

Brazil bước lên ngôi vô địch. Trong phòng thay đồ, một tay nhà báo từng viết bài nghi vấn Pele trước giải tiếp cận và quỳ xuống cầu xin sự tha thứ từ Vua bóng đá. Pele đỡ anh ta đứng dậy và nói: “Chỉ có Chúa mới có đặc quyền tha thứ. Và tôi không phải là Chúa”.Trong khi đó, Burgnich, hậu vệ tuyển Ý được giao nhiệm vụ theo kèm Pele cả trận chia sẻ: “Tôi tự nhủ với bản thân trước trận chung kết rằng anh ta cũng bằng xương bằng thịt như tôi mà thôi. Nhưng tôi đã nhầm!”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pele-world-cup-1970-vua-bong-da-thiet-lap-ty-le-vang-xanh-a581212.html