Pereh - Vũ khí tuyệt mật được ngụy trang hoàn hảo dưới dạng tăng M60 Patton
Bị chi phối bởi cả tính đặc thù của học thuyết quân sự và môi trường thực tế, Israel nổi tiếng với các mẫu thiết bị quân sự khác thường mà hệ thống tên lửa chống tăng Pereh là một trong số đó.
Tổ hợp tên lửa Pereh của Israel
Tổ hợp tên lửa Pereh (dịch từ tiếng Do Thái là "onager" - máy ném của người La Mã cổ đại) đã được đưa vào trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) từ những năm 1980 cùng tên lửa Spike-NLOS (Non-Line of Sight; còn được gọi là Tamuz), nhưng không được tiết lộ cho công chúng cho đến năm 2011 và chỉ đến năm 2015, giới chức quân sự nước này mới chính thức thừa nhận sự tồn tại của nó. Ý tưởng về Tamuz và Pereh được hình thành trong Chiến tranh Yom Kippur (1973), khi Israel đối diện với nguy cơ bị áp đảo bởi lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu của Ai Cập.
Bản chất và chiến thuật sử dụng Pereh được truyền cảm hứng từ kinh nghiệm Israel chống lại tăng T-72 của Syria trong Chiến tranh Lebanon lần I (1982). Được thiết kế và chế tạo bởi Rafael Advanced Defense Systems, Pereh là một phương tiện chiến đấu bọc thép dựa trên khung gầm của xe tăng M48A5 hiện đại hóa, được Israel gọi là "Magah-5" (trên cơ sở dòng tăng hạng nặng M48 và M60 Patton của Mỹ), vũ khí trên xe là tên lửa chống tăng có lái dẫn (ATGM); nòng pháo của nó là giả, chỉ để che đậy chức năng thực của xe.
Pereh được tích hợp 12 tên lửa Spike-NLOS trong bệ phóng, được ngụy trang dưới dạng một tháp pháo, có khả năng quay 360 độ để tấn công mục tiêu ở mọi phía. Tên lửa hiện là một trong những “sát thủ” xe tăng tốt nhất thế giới này được nạp lên bệ phóng thông qua một cửa sập ở phía sau, có cả chế độ “bắn và quên”, có khả năng bắn trực tiếp hoặc gián tiếp (đường chân trời - không nhìn thấy mục tiêu); có thể tiêu diệt các mục tiêu cách xa đến 25km, trong khi tầm bắn của pháo tăng ngắn hơn nhiều.
Pereh không đảm nhiệm vai trò dẫn đầu mũi đột kích mà lập tuyến xạ kích từ rất xa để trút tên lửa vào bãi tập kết xe tăng, thiết bị, kỹ thuật quân sự, trận địa kẻ thù từ khoảng cách mà đối phương chẳng thể nào đáp trả.
Được gắn một khẩu pháo giả để ngụy trang thành xe tăng tiêu chuẩn, ngoài khác với Magah cơ bản ở chỗ tháp pháo hơi lớn, về hình thức, Pereh không khác gì những chiếc xe tăng bình thường. Trong khi hành quân, nó chỉ được di chuyển trong đoàn xe tăng thông thường để che giấu công năng thực của xe. Khi triển khai có thể nhận dạng Pereh bằng một ăng ten lớn và cong gắn ở phía sau trên nóc tháp pháo. Các tính năng bổ sung khác bao gồm giáp bổ sung phía trước và hộp chứa đồ ở hai bên tháp pháo; một cặp súng máy FN MAG 7,62mm để phòng thủ; ống phóng lựu khói để tự ngụy trang.
Với động cơ diesel tăng áp AVDS-1790-2D công suất 750 mã lực, "sát thủ xe tăng" này di chuyển với tốc độ tối đa 50 km/h, dự trữ hành trình 480km. Những hình ảnh đầu tiên "chiếc xe tăng" kỳ lạ đã bị rò rỉ trên mạng trong cuộc chiến Israel-Lebanon năm 2006; sau đó, Pereh xuất hiện gần biên giới Israel-Syria.
Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, các hình ảnh trực tuyến nhanh chóng biến mất theo lệnh của cơ quan kiểm duyệt IDF. Những bức ảnh về Pereh được phát hành lần đầu tiên trong Chiến dịch Protective Edge vào tháng 7/2014, lần đầu tiên không bị xóa, mặc dù không có chú thích nào về những bức tranh đó.
Pereh được cho đã tham gia vào các cuộc chiến thực sự đó là Chiến tranh Lebanon lần II (2006), chiến dịch Cast Lead (2008) và Enduring Rock (2014). Thông tin chi tiết hơn vẫn được giữ kín, nhưng nếu cho rằng Chiến tranh Liban lần 2 không thành công theo tiêu chí của Israel, thì có thể giả thiết rằng, vũ khí độc đáo dưới dạng Pereh đã không thể hiện ở đó và không thể thay đổi hoàn toàn kết cục của cuộc chiến. Nhưng đừng quên, gần đây, IDF đã không giao tranh với các đối thủ có tiềm lực quân sự tương đương, tên lửa Spike có thể được sử dụng trong các chiến dịch trên từ các hỏa điểm kiên cố.
Năm 2018, Pereh đã phá hủy một hệ thống tên lửa phòng không Pantsir không có kíp xe do Nga sản xuất (không có phản ứng, kháng cự). Tại các khu vực như biên giới đồi núi phía bắc của Israel với Lebanon, Pereh thường xuyên được sử dụng để mật phục trên đỉnh đồi, quan sát các mục tiêu, thu thập thông tin tình báo và có thể cung cấp hỏa lực yểm trợ từ khoảng cách hàng km. Nó như một cỗ pháo rất cơ động, thông minh, chính xác và kịp thời, có khả năng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển. Có hình ảnh đối tượng dưới dạng video truyền từ máy bay không người lái hoặc từ đài trinh sát, Pereh sẽ bắn một tên lửa để phá hủy nó.
Xe tăng vũ trang bằng tên lửa của Mỹ và Liên Xô
Nhiều nỗ lực chế tạo xe tăng mang tên lửa dưới các dạng khác nhau đã được thực hiện tại nhiều quốc gia, nhưng cho đến gần đây, chỉ hai loại xe được sản xuất loạt. Đó là М60А2 của Mỹ với mật danh "Starship", và IT-1 với mật danh "Dragon" của Liên Xô dựa trên khung gầm xe tăng T-62. Nhưng M60A2 không hoàn toàn là xe tăng mang tên lửa bởi pháo 152mm của nó có thể bắn không chỉ ATGM Shillela mà còn cả các loại đạn thông thường (mặc dù ATGM được coi là vũ khí chính).
Starship có nhiều khiếm khuyết và cực kỳ không được các kíp lái đánh giá cao. Tất cả những gì liên quan đến Starship nằm ở biệt danh mà một trong những người thuộc kíp xe đã đặt cho nó - "nổi đau được máy tính hóa". Tuy nhiên, ý nghĩa của M60A2 là hệ thống điều khiển hỏa lực khá tiên tiến của nó đã được sử dụng để phát triển các phương tiện chiến đấu tiên tiến hơn.
Xe tăng mang tên lửa М60А2 của Mỹ và IT-1 của Liên Xô đã thể hiện có độ tin cậy khá cao, nhưng do khung gầm lạc hậu và thiếu vũ khí bổ sung, đã bị loại khỏi biên chế sau khi phục vụ được hai năm (từ năm 1968 đến năm 1970). Có thể nói, xe tăng Pereh của Israel là xe tăng mang tên lửa đầu tiên được đưa vào trạng thái hoạt động bình thường và phục vụ thành công. Có một điều thú vị là cỡ tên lửa của Dragon và Perekh gần bằng nhau - khoảng 170mm.
Nhìn chung, người Israel thiết kế, phát triển dòng “tăng” này một cách hợp lý, biến nó trở nên hoàn thiện - các xe tăng tên lửa của họ hoạt động nhịp nhàng và hiệu quả trong đội hình với các xe tăng thông thường, khi sở hữu khả năng ra đòn chính xác từ xa và có mức độ bảo vệ rất cao. IT-1 cũng có thể hoạt động cùng với T-62 thông thường. Nhưng với Nga, một chiến thuật như vậy bị coi là không phù hợp, không có tương lai…
Pereh được cho là đã ngừng hoạt động vào năm 2017, mặc dù không rõ IDF có ý định từ bỏ nó hoàn toàn hay có kế hoạch sử dụng khung gầm xe tăng hiện đại hơn trong một phiên bản và cấu hình mới. IDF có theo đuổi các khung gầm và vũ khí ngụy trang khác không? Điều đó chắc chắn không được công khai, nhưng chiếc Pereh độc nhất vô nhị chắc chắn đã tạo ra một huyền thoại thú vị về các vũ khí thật-giả./.