Petrovietnam đứng trước yêu cầu mới về phát triển

Hiện nay, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí-điện-chế biến và dịch vụ kỹ thuật dầu khí với đội ngũ gần 60.000 người lao động có năng lực chuyên môn cao, cùng tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật, sự chuyên nghiệp, sáng tạo, làm chủ khoa học-công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, Petrovietnam đang đứng trước những yêu cầu, thách thức mới, đòi hỏi quyết tâm cao hơn để trở thành Tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.

Sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế

Với sự phát triển đồng bộ của chuỗi công nghiệp dầu khí, Petrovietnam đã trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai-Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất-Quảng Ngãi, Vũng Áng-Hà Tĩnh, Nghi Sơn-Thanh Hóa... Sự đầu tư đồng bộ này đã làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia, cơ bản đáp ứng yêu cầu về năng lượng, phân bón của cả nước.

Các dự án như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau... vẫn đang hoạt động hết sức hiệu quả, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) đất nước nói chung và từng vùng, địa phương nơi có dự án vận hành nói riêng. Những dự án công trình mang tầm cỡ khu vực là minh chứng rõ nét cho trình độ, năng lực của cán bộ, kỹ sư dầu khí Việt Nam, là tiền đề quan trọng để Petrovietnam đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ dầu khí ra nước ngoài.

Người lao động Công ty Cổ phần Dịch vụ Khai thác dầu khí PTSC trên công trường thi công công trình biển.

Người lao động Công ty Cổ phần Dịch vụ Khai thác dầu khí PTSC trên công trường thi công công trình biển.

Trên phương diện tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam rất hiệu quả. Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn nhất cho phát triển KT-XH đất nước. Quy mô tài sản hợp nhất của Petrovietnam tại thời điểm ngày 31-12-2023 là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 43 tỷ USD, vốn chủ sở hữu cùng thời điểm là 532.000 tỷ đồng, tương đương 22,6 tỷ USD.

Từ năm 1986-2023, tổng doanh thu của toàn Petrovietnam đạt hơn 524 tỷ USD, tương đương với 10-13% tổng sản phẩm nội địa (GDP) đất nước, nộp ngân sách toàn Petrovietnam hơn 129 tỷ USD. Giai đoạn từ năm 2010 trở về trước, Petrovietnam đóng góp 25-30% tổng thu ngân sách cả nước, giai đoạn 2011-2015 đóng góp 20-25%, giai đoạn 2016 đến nay, do sự phát triển của các ngành kinh tế khác của đất nước, Petrovietnam luôn đóng góp 9-10% tổng thu ngân sách cả nước.

Những con số thống kê đó cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ, không thể phủ nhận của Petrovietnam đối với sự phát triển KT-XH của đất nước và người lao động dầu khí có quyền tự hào về những đóng góp đó. Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam nhấn mạnh, Petrovietnam không có giới hạn đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa thị trường còn lớn. Petrovietnam không thỏa mãn với những gì đã đạt được, mà tiếp tục có định hướng phát triển để đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.

Cần chuyển dịch mô hình kinh doanh

Ngành dầu khí Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Tuy nhiên, nhìn sang các quốc gia có nền công nghiệp dầu khí phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.... chúng ta thấy rằng quy mô của Petrovietnam còn khá khiêm tốn. Điều này đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để tiệm cận, bắt kịp doanh nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Petrovietnam đang quyết tâm trở thành Tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia hàng đầu đất nước, có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu của nền kinh tế; có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học tiên tiến; có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam. Đó vừa là nhiệm vụ vừa là mục tiêu và “mệnh lệnh” cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của Petrovietnam để Tập đoàn giữ vững vị thế, vai trò và đóng góp cho đất nước.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng cho rằng, các văn bản, chủ trương, định hướng chiến lược, đồng thời với hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan chính là cơ hội, điểm tựa để Petrovietnam vượt qua những khó khăn, tự tin thực hiện mục tiêu phát triển trở thành tập đoàn công nghiệp-năng lượng quốc gia có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế. Petrovietnam cũng đã xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả ngay.

Đó là: Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững ngành dầu khí; hoàn thiện hạ tầng ngành dầu khí theo hướng đồng bộ, thông minh, đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và xu thế chuyển dịch năng lượng. Cùng với đó, nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp toàn Petrovietnam; tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển, quản trị tốt danh mục dự án đầu tư; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Bài và ảnh: AN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/petrovietnam-dung-truoc-yeu-cau-moi-ve-phat-trien-795220